Vì sao lờn kháng sinh?

09/06/2010 12:00 GMT+7

Lạm dụng thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, trong thực phẩm công nghiệp... cũng là nguyên nhân rất dễ dẫn đến tình trạng lờn thuốc.

Từ phát hiện vào năm 1928 của Alexander Fleming, thuốc kháng sinh đã nhanh chóng trở thành nhân tố quyết định trong phác đồ điều trị bệnh bội nhiễm.
 
Thuốc kháng sinh tất nhiên càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh bội nhiễm vẫn còn chiếm ưu thế của VN chúng ta. Thêm vào đó là tỉ lệ số người có sức đề kháng suy yếu như người lớn tuổi, trẻ sinh non, người bệnh mạn tính... hãy còn rất cao.
 
Đúng là thuốc kháng sinh không thể thiếu trong việc chữa bệnh nhưng khi đưa vào áp dụng thì lại nảy sinh một vấn đề trầm trọng. Đó là tình trạng lờn thuốc kháng sinh do vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc quá nhanh, quá khéo sau khi sống còn qua đợt điều trị.
 
Nguyên nhân hàng đầu: Dùng thuốc bừa bãi
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lờn thuốc nhưng nguyên nhân hàng đầu là do tình trạng dùng thuốc quá bừa bãi, mặc dù thầy thuốc hiện nay nhờ phương tiện chẩn đoán nhanh và chính xác nên có thể xác định tình trạng nhiễm trùng tương đối dễ dàng. 
 

Vấn nạn cấp bách

Vấn đề lờn thuốc kháng sinh sẽ không thể giải quyết nếu thiếu nhận thức của người bệnh và quan trọng hơn nữa, nếu thiếu kiến thức và ý thức của thầy thuốc.

Vi khuẩn không bao giờ lịch sự đến độ dừng chân chờ đợi. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh như hiện nay là một vấn nạn cấp bách không chỉ vì gánh nặng tài chính cho ngành y tế, mà trên hết là vì sức khỏe của người dân.

Biểu ngữ “Thuốc kháng sinh, con dao hai lưỡi” dù có giăng đầy đường chăng nữa cũng chỉ có ý nghĩa trình diễn nếu người bệnh cứ tiếp tục... nắm dao đằng lưỡi.

Theo thống kê của Viện Y học môi trường và Vệ sinh bệnh viện ở Freiburg (Đức), thuốc kháng sinh không được áp dụng đúng trong 30% đến 50% trường hợp bội nhiễm, lại không chỉ sai về liều lượng hay liệu trình mà thậm chí cả với việc chọn lựa hoạt chất.
 
Nếu ở Đức mà như thế thì bên ta chắc khó có thể khá hơn. Cũng không lạ gì khi nhiều loại vi trùng có thể ung dung tự tại để phát triển khả năng đề kháng nếu thuốc kháng sinh được dùng một cách tự phát như thuốc... cảm.
 
Dù lời thật khó tránh mất lòng nhưng không thể không nói đến một nguyên nhân gây lờn thuốc thường gặp nữa, là do một số thầy thuốc đã ghi thuốc kháng sinh vào toa thuốc cho người bệnh như phản xạ mà không cần chẩn đoán chính xác. 
 
Tệ hơn nữa là khuynh hướng áp dụng bừa bãi thuốc trụ sinh có tầm tác dụng rộng, khiến không những nhiều loại vi khuẩn dễ trở nên lờn thuốc mà còn tác hại trên môi trường vi sinh của đường ruột.
 
Nấm mốc nhờ đó có cơ hội phát triển trên trục tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa, bệnh nấm ngoài da, bệnh trên đường tiết niệu... vì thế là phản ứng thường gặp trên bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh quá thường hay quá lâu.
 
Thêm nữa, tình trạng lờn thuốc dễ bộc phát do người bệnh vì không được hướng dẫn rõ ràng nên hoặc dùng thuốc không đúng liều lượng, hoặc ngưng thuốc quá sớm, vô tình giúp cho vi khuẩn có điều kiện “nghiên cứu” về thuốc chi li hơn cả... thầy thuốc.
 
Đó là chưa kể đến hậu quả lờn thuốc do cơ thể tiếp xúc quá dễ dàng với thuốc kháng sinh trong cuộc sống thường ngày (như việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, trong thực phẩm công nghiệp...).
 
Kê toa đúng: Chưa đủ
 
Thực ra, dù thầy thuốc có kê toa đúng thuốc thì tình trạng lờn thuốc vẫn dễ xảy ra và trở nên trầm trọng vì một số yếu tố khác, như:
 
- Thiếu biện pháp vệ sinh môi trường, từ thói quen rửa tay nhiều lần trong ngày cho đến thanh trùng trang thiết bị y tế... Bội nhiễm càng nhiều (như trong môi trường bệnh viện, nhà máy, trường học...) thì xác suất áp dụng thuốc kháng sinh không đúng càng cao.
 
- Số bệnh nhân có cơ tạng dễ bội nhiễm vì hệ thống miễn nhiễm suy yếu (như bệnh nhân hậu xạ trị, hậu phẫu, tiểu đường ...) gia tăng nhanh do thiếu biện pháp phòng bệnh và chương trình điều trị phục hồi.
 
- Mục tiêu tăng cường sức đề kháng chưa được chú trọng đúng mức trong đa số phác đồ điều trị vì thiếu tính chất toàn diện.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.