Viêm não vi rút ở trẻ nhỏ

01/06/2015 05:52 GMT+7

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết viêm não và viêm màng não do vi rút có xu hướng tăng trong các tuần gần đây. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp ban đầu có triệu chứng như cảm cúm thông thường khiến gia đình trì hoãn đưa con đi khám.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết viêm não và viêm màng não do vi rút có xu hướng tăng trong các tuần gần đây. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp ban đầu có triệu chứng như cảm cúm thông thường khiến gia đình trì hoãn đưa con đi khám.
Trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn ói, đau đầu... thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế - Ảnh: ShutterstockTrẻ có biểu hiện sốt cao, nôn ói, đau đầu... thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế - Ảnh: Shutterstock
Lưu ý biểu hiện của trẻ
Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, Khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội) trong vòng 3 tuần nắng nóng liên tục gần đây, số bệnh nhân viêm não/màng não nhập viện có xu hướng tăng, trong đó nguyên nhân chủ yếu do vi rút. Khoa Nhi BV Bạch Mai đã tiếp nhận 20 bệnh nhi (chủ yếu là trẻ từ 2 - 5 tuổi) được chẩn đoán mắc viêm não/màng não.
Chị Thoa, người nhà của một bệnh nhi 12 tuổi đang điều trị tại Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết khoảng 2 tuần trước, cháu bị sốt, ho, mệt, bố mẹ nghĩ là cảm nắng nên cho nghỉ học ở nhà. Sau đó 2 - 3 hôm cháu có đau họng nên gia đình đã mua kháng sinh cho cháu uống. Nhưng cả tuần điều trị cháu không đỡ mà tiếp tục sốt cao, kêu đau đầu dữ dội, nôn, li bì nên được đưa vào BV. Sau khám, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm màng não.
“Các tuần gần đây, hầu như ca trực nào cũng có bệnh nhân vào cấp cứu với biểu hiện của viêm não/màng não: sốt, đau đầu, nôn nhiều. Trong khi các tuần đầu năm, những trường hợp bệnh này chỉ xuất hiện rải rác. Bệnh đã gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ 6 - 9 tháng tuổi”, các bác sĩ điều trị tại khoa nhi cho biết.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa nhi, viêm não/màng não do vi rút có thể điều trị khỏi hoàn toàn, không di chứng, nếu được chẩn đoán điều trị sớm. Tuy nhiên, nhiều khi biểu hiện ban đầu lại giống như cảm cúm, viêm họng nên gia đình không đưa đi khám sớm.
Bác sĩ Tống Quang Hưng, công tác tại khoa nhi lưu ý thêm, tại thời điểm này, khi trẻ có biểu hiện sốt cao, khó hạ sốt, nôn nhiều có đau đầu... cần đưa đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán kịp thời. Ở trẻ nhỏ chưa biết kêu đau đầu, cha mẹ cần lưu ý: ngoài sốt trẻ có nôn, đặc biệt là nôn không liên quan đến bữa ăn, nôn vọt; hoặc có sốt cao, thóp phồng là các tình huống cần được đi khám ngay. Nếu để trẻ co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê là tình trạng nặng.
Các biện pháp phòng bệnh
Theo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 10 ca viêm não do vi rút được báo cáo trong các tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm 2014 không có ca bệnh ghi nhận.
“Thời tiết nắng nóng bất thường như hiện nay rất thuận lợi cho vi rút gây bệnh viêm não, viêm màng não sinh sôi, phát triển”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo. Theo Cục Y tế dự phòng, tùy loại vi rút, việc lây nhiễm tác nhân gây viêm não/màng não có khác nhau. Đối với các vi rút arbo, bệnh lây qua côn trùng như muỗi, ve đốt. Có thể hạn chế lây nhiễm bằng cách ngăn chặn nguy cơ bị côn trùng đốt. Đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Nên mặc áo quần phủ kín tay chân, sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, mắc màn khi ngủ. Với các chủng vi rút có thể gây viêm não như herpes, sởi, quai bị... cần chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh; vệ sinh môi trường thoáng, sạch; cách ly với các ca bệnh bởi bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp.
Một số vi rút đường ruột có thể gây viêm não/màng não. Các tác nhân này lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Cần giữ vệ sinh cá nhân như: rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Cần tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Vi rút này là nguyên nhân của 8 - 10% các ca bệnh viêm não, thường tấn công trẻ dưới 15 tuổi”, ông Trần Đắc Phu lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.