Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu lạm dụng quá có thể khiến bệnh trẻ ngày càng nặng hơn hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm.
Không bị bệnh vẫn cứ xông mũi, họng
Chị Hà (ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội) tá hỏa khi được bác sĩ thông báo bé Tuấn con chị bị điếc vì xông mũi, họng quá nhiều. Ngay từ nhỏ, bé nhà chị hay bị viêm họng, sổ mũi. Cho con uống đủ loại thuốc kháng sinh nhưng bé vẫn không thấy khỏi hẳn, chị quyết định “tậu” hẳn một chiếc máy xông mũi họng. Từ đó, mỗi lần thấy con có biểu hiển húng hắng ho, hơi chảy nước mũi hay khò khè khó thở là chị xông mũi, họng ngay cho bé. Có ngày chị xông mũi, họng cho con đến vài lần. Tuy nhiên, sau một thời gian chị bỗng thấy con có biểu hiện suy giảm thính giác, nghe rất kém. Đưa con đi khám, chị mới biết cu Tuấn đã bị điếc thì đã muộn.
Cần có chỉ định của bác sĩ trước khi cho trẻ xông khí dung. Không sử dụng một đơn thuốc trong thời gian dài - Ảnh: Đặng Vũ |
Một trường hợp khác là bé Linh, 2 tuổi ở Vĩnh Phúc. Thấy con thường xuyên khó thở, quấy khóc mẹ bé nghĩ con bị bệnh viêm xoang. Nghe người quen mách nước dùng máy xông mũi, họng rất hiệu quả nên gia đình cũng sắm một cái về nhà tự điều trị cho con. Tuy nhiên, dù đã tích cực xông mũi, họng nhưng các cơn khó thở vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Nguy hiểm hơn, càng ngày bé Linh càng xanh xao, còi cọc. Đi khám tại bệnh viện bác sĩ cho biết cháu Linh bị khó thở là do mắc bệnh tim chứ không phải mắc bệnh viêm xoang.
PGS.TS Nguyễn Thị Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai-Mũi-Họng trung ương cho biết, hiện nay rất nhiều gia đình vì thấy con hay bị các bệnh lý về đường hô hấp đã mua hẳn máy về xông cho con. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đưa con đi khám để xác định đúng các bệnh đường hô hấp và sử dụng xông mũi, họng cho trẻ theo chỉ dẫn bác sĩ.
Chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ
Thực chất của việc xông mũi, họng (khí dung) là dùng máy đẩy hơi thuốc thành dạng hơi sương, tác dụng trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ rất hiệu quả, có tác dụng chữa trị hoặc hỗ trợ điều trị một số bệnh về đường hô hấp cấp hoặc mạn tính. Trong khi nếu bệnh nhân dùng thuốc sẽ có tác dụng chậm hơn vì thuốc phải đi vào dạ dày, ngấm vào máu sau đó mới đến các tế bào bị viêm nhiễm.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị bằng khí dung. Theo PGS.TS Dinh, việc xông mũi, họng chỉ nên dùng cho các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm xoang, hen…), bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuyệt đối không nên dùng đối với trẻ có cơ địa dị ứng. Vì trẻ có cơ địa dị ứng chỉ cần hít một lần có thể xảy ra sốc quá mẫn và gây tử vong ngay lập tức.
PGS.TS Dinh cũng cảnh báo, có nhiều bậc cha mẹ tự ý pha thuốc kháng sinh rồi xông cho trẻ tại nhà mà không có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng kháng sinh để xông trong thời gian dài hoặc dùng không đúng liều lượng có thể gây nhiều biến chứng như trẻ bị điếc, phù nề hoặc dễ nhiễm trùng, giảm sức đề kháng. Nguy hiểm hơn, nếu xông không đúng còn có thể dẫn tới nguy cơ ngộ độc thuốc làm trẻ bị suy gan, suy thận, mắc bệnh về gân xương… Ngay cả việc sử dụng các loại tinh dầu giúp thông mũi, dễ thở cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ vì nếu lạm dụng có thể làm giảm khứu giác của trẻ.
Nếu thấy trẻ có triệu chứng ù tai, chóng mặt, nghe kém sau khi xông mũi, họng cần phải dừng ngay lập tức và đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Ngay cả khi bệnh của trẻ có đỡ khi xông mũi, họng cũng nên tái khám 1 tháng/lần.
Đặng Vũ
Bình luận (0)