TAND TP.HCM thông tin việc xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan

04/03/2024 16:05 GMT+7

Chiều 4.3, Chánh văn phòng TAND TP.HCM Phạm Ngọc Duy đã có buổi gặp mặt với các phóng viên các báo, đài trên địa bàn TP.HCM thông tin về công tác chuẩn bị xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan sáng mai (5.3).

Chánh văn phòng TAND TP.HCM Phạm Ngọc Duy thông tin công tác chuẩn bị xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan khai mạc vào sáng mai (5.3) cơ bản đã hoàn tất. Cụ thể, về phương diện tác nghiệp của báo chí, sau khi một số báo được tác nghiệp phần khai mạc, sẽ đi vào phòng tác nghiệp dành riêng cho báo chí. Ông Phạm Ngọc Duy cho biết, nơi ăn ở, nghỉ ngơi, giam giữ các bị cáo được chuẩn bị kỹ càng để phục vụ xét xử vụ án, dự kiến kéo dài khoảng 2 tháng.
TAND TP.HCM thông tin việc xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát  - Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Cận cảnh bên trong phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan

PHAN THƯƠNG

Cận cảnh nơi xét xử tỉ phú Trương Mỹ Lan trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Phiên tòa chỉ đáp ứng chỗ ngồi cho gần 3.000 người

Theo Chánh văn phòng TAND TP.HCM, do trụ sở tòa án đang trùng tu giai đoạn 2, vì vậy tòa chỉ đáp ứng chỗ ngồi cho gần 3.000 người gồm các luật sư và người có quyền lợi liên quan trong vụ án.

Đồng thời, phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan sẽ có khu riêng, không làm ảnh hưởng đến các công việc cũng như phiên tòa xét xử khác tại TAND TP.HCM.

Chánh văn phòng TAND TP.HCM cũng thông tin, luật sư và báo chí sẽ bị hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện tử, được tòa cung cấp máy tính; riêng báo chí chỉ được sử dụng máy ảnh, ghi âm.

TAND TP.HCM thông tin việc xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát  - Trương Mỹ Lan- Ảnh 2.

Khu vực cho người tham dự phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan

PHAN THƯƠNG

Như Thanh Niên thông tin, từ ngày 5.3 đến 29.4, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngoài ra, 85 bị cáo, bao gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Có 5 bị cáo khác đang bị truy nã đã được TAND TP.HCM kêu gọi ra đầu thú.

Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì có hành vi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng.

Xem nhanh 20h ngày 4.3: Thông tin phiên toà Vạn Thịnh Phát | Lập biên bản người 'lên đồng' cắn người

Theo thông tin ban đầu, HĐXX gồm thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM - làm chủ tọa, thẩm phán Lê Công Huân và 3 hội thẩm nhân dân.

Đại diện Viện KSND TP.HCM tham gia phiên tòa gồm: ông Cao Anh Đức, ông Đặng Như Vĩnh, ông Vũ Mạnh Long, ông Vũ Tất Ba, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, bà Đặng Thị Hồng Thủy, ông Lưu Hoàng Tuấn, ông Nguyễn Đức Long, ông Ngô Phạm Việt, ông Nguyễn Hồng Hiệp.

Tòa còn triệu tập hơn 2.400 người liên quan gồm: 316 cá nhân thuộc nhóm cán bộ Ngân hàng SCB; 1.153 người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp, rút tiền; 692 người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB; 42 người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước và nhóm người liên quan khác.

TAND TP.HCM cũng triệu tập một số người phiên dịch do bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Lan) có quốc tịch Trung Quốc.

Theo hồ sơ vụ án, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc dù không nắm chức vụ gì tại SCB, nhưng với việc nắm giữ 91,5% cổ phần đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng SCB.

Từ năm 2012 - 2022, Trương Mỹ Lan sử dụng hệ sinh thái của mình với hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước, lấy Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm trung tâm, sau đó chia thành 4 nhóm chính, quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhóm tài chính gồm: SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty CP tài chính Việt Vĩnh Phú; nhóm công ty có hoạt động kinh doanh về khách sạn, nhà hàng, bất động sản, chẳng hạn: Công ty CP tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông…; nhóm công ty "ma" tại VN; nhóm mạng lưới công ty nước ngoài tại nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế". Sau đó, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm trong vụ án lập khống hồ sơ vay, SCB giải ngân 2.257 khoản/hơn 1 triệu tỉ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.

Đến năm 2022, nhóm bị cáo còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỉ đồng (nợ gốc 483.971 tỉ đồng, lãi/phí 193.315 tỉ đồng), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định bị cáo Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng. Trong đó, từ ngày 1.1.2012 - 31.12.2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay; từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.