Tết ở làng Rồng

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
06/02/2024 06:28 GMT+7

Tết này, trong khu phố nhỏ khang trang của làng Rồng thêm đặc biệt khi đánh dấu mốc tròn 25 năm tái thiết cuộc sống sau trận đại hồng thủy năm 1999. Hôm nay, những mảnh đời ghép lại gần nhau, rộn tiếng nói cười...

Những ngày cuối tháng chạp, bước vào đầu cổng của làng Rồng ở tổ dân phố An Hải, P.Thuận An, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), hương vị tết đã ngập tràn. Trước những căn nhà cao tầng khang trang, đàn ông tất bật dọn dẹp, treo cờ Tổ quốc thành hàng đều tắp. Xa xa, khu nhà văn hóa của làng rộn tiếng cười nói của các cụ bà, em nhỏ cùng bộ đội biên phòng. Họ đang gói bánh tét.

Ký ức đau thương

Nhìn khung cảnh này, ít ai biết rằng họ là những mảnh đời từng rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, mất hết nhà cửa, ruộng vườn, có người mất hết người thân sau trận đại hồng thủy năm 1999.

Tết ở làng Rồng- Ảnh 1.

Cái tên làng Rồng được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt cho, với ý nghĩa mong muốn người dân vươn lên trong cuộc sống

LÊ HOÀI NHÂN

Người làng Rồng đều nhớ như in ký ức của đêm kinh hoàng 2.11.1999. Sự cố vỡ đập Hòa Duân trong trận lũ năm 1999 đã xóa sổ toàn bộ làng Hải Thành, cuốn trôi 64 ngôi nhà, làm 14 người dân thiệt mạng. Thời điểm đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có mặt ở vị trí xung yếu, chứng kiến cảnh đau thương, mất mát của người dân làng biển và có những quyết sách nhanh chóng giúp cho bà con sớm ổn định cuộc sống.

Hàng trăm chiến sĩ Quân khu 4 đã có mặt, khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho những hộ dân mất nhà, mất cả người thân bằng một ngôi làng mới. Cái tên làng Rồng cũng ra đời từ khi đó, do chính nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt, với ý nghĩa mong muốn bà con sớm vượt qua đau thương, vươn lên trong cuộc sống.

Trong căn nhà khang trang, ông Trần Văn Thu (60 tuổi, người dân làng Rồng) dành một vị trí trang trọng nhất để đặt di ảnh của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với ông Thu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là ân nhân, người đã "níu tay" vực ông dậy, giúp ông và người dân làng Rồng vượt qua mất mát.

Trận lũ kinh hoàng cướp đi 12 người thân trong gia đình ông. Đau thương qua đi, ông một mình tiếp tục chống chọi với đời. Lúc này, nhờ sự quan tâm đặc biệt và kịp thời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng bà con làng Rồng, ông Thu có nhà mới. Đến nay, ông hạnh phúc khi đã có một tổ ấm nhỏ.

"Với tôi, bác Phiêu như người trong nhà, tôi luôn dành một tình cảm và sự biết ơn đặc biệt với bác. Đi lên từ nỗi đau, tôi càng trân quý hơn những gì đang có trong hiện tại", ông Thu chia sẻ.

Đất cằn "thay da đổi thịt"

Ông Lê Văn An (57 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố An Hải) tiếp lời: "Tết Giáp Thìn năm nay rất đặc biệt, cũng là dấu mốc 25 năm ngày làng Rồng được khai sinh. Đi qua đau thương, cuộc sống của bà con bây giờ dần khá giả, vươn lên như cái tên làng Rồng".

Tết ở làng Rồng- Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thu lau dọn ban thờ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu để đón tết

LÊ HOÀI NHÂN

Ông An cho biết làng Rồng hôm nay vẫn nguyên vẹn 64 hộ dân. Họ sống đùm bọc, quây quần bên nhau trên dải đất khô cằn ven biển. Rồi đất cằn "thay da đổi thịt", hàng chục ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, người dân làng Rồng quyết tâm vượt lên... "Trước khi về đây, 64 hộ dân này sống rải rác ven biển, dựa vào nghề đánh cá nên đời sống phụ thuộc hết vào con sóng. Chật vật lắm! Nay về làng Rồng, đa phần bà con đều ổn cả, có nghề buôn bán riêng. Trong 64 hộ dân đã có gần 20 hộ xây nhà lầu, không còn hộ nghèo nào", ông An kể.

Tổ trưởng tổ dân phố An Hải đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà của bà Huỳnh Thị Mân (60 tuổi). Bà Mân bảo căn nhà 2 tầng này xây từ hơn 8 năm trước, các con đều thành đạt, có cuộc sống ổn định ở TP.HCM. Nhớ lại những ngày sau cơn đại hồng thủy, bà chùng xuống: "Hồi mới lên đây khổ lắm, lũ đi qua khiến người dân trắng tay... Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, tôi bén duyên với nghề buôn hải sản, kiếm được chút đỉnh thì đầu tư cho các con đi học, mong chúng thoát cảnh nghèo khổ... Những lần trở lại thăm làng Rồng sau này, bác Lê Khả Phiêu luôn căn dặn chúng tôi phải chí thú làm ăn. Nếu còn sống, chứng kiến cảnh thay đổi này, có lẽ bác sẽ vui lắm".

Tương lai tươi sáng...

Được người lớn san sẻ ký ức về làng Rồng, các thế hệ kế tiếp ngày càng hun đúc tình yêu và niềm tự hào về nơi chốn mới.

Tết ở làng Rồng- Ảnh 3.

Người dân làng Rồng cùng bộ đội biên phòng gói bánh đón tết

LÊ HOÀI NHÂN

Nguyễn Thị Hoài Ngọc, 22 tuổi, Bí thư Đoàn thanh niên tổ dân phố An Hải, sinh ra trên đất làng Rồng. Qua lời kể từ bố mẹ, Ngọc luôn ấp ủ hoài bão lớn. "Là đại diện cho thế hệ trẻ làng Rồng, tôi sẽ phấn đấu học thật tốt. Tôi sẽ kết nối các bạn đoàn viên, thanh niên làng Rồng, thế hệ trẻ sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ như làm vệ sinh đường phố, hỗ trợ người dân lúc khó khăn thiên tai...", Ngọc nói.

Cận tết Giáp Thìn, làng Rồng vui hơn khi đón những đoàn công tác từ các cấp chính quyền, địa phương. Sau khi thăm hỏi, động viên người dân, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, phấn khởi khi chứng kiến đời sống người dân thay da đổi thịt từng ngày. "Sau 25 năm, nhiều căn nhà được xây mới khang trang trên nền nhà cũ, 64 hộ không còn hộ nghèo. Rất nhiều trẻ em, thanh niên trưởng thành, theo học các trường đại học, cao đẳng... Có thể nói, một trong những việc giúp làng Rồng có được cuộc sống như hiện nay là sự nỗ lực, tính tự chủ của chính người dân nơi đây. Đó là điều rất đáng quý", ông Định chia sẻ.

Bí thư Thành ủy Huế nhấn mạnh, theo hướng phát triển mạnh đô thị về phía biển, tỉnh cũng đang điều chỉnh quy hoạch để làng Rồng cũng như Thuận An và các khu vực ven biển trở thành khu vực đô thị, dịch vụ du lịch trọng điểm. "Với quy hoạch được điều chỉnh và đang hoàn thiện này thì làng Rồng sẽ tiếp cận liền với khu vực dịch vụ biển. Cạnh đường ven biển là khu vực lớn phát triển khách sạn, dịch vụ… Hy vọng đó là những tiền đề, bước ngoặt mở ra cho người dân làng Rồng, giúp họ quên đi những đau thương trong quá khứ, hướng đến cuộc sống ngày càng tươi đẹp", ông Định nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.