Thăng trầm 'điều 60' luật Bảo hiểm xã hội

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
25/07/2023 05:42 GMT+7

Giới lập pháp vẫn hay bàn "điều 60" của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 - quy định rút BHXH 1 lần.

Thời điểm đó, Chính phủ muốn thay đổi chính sách hưởng BHXH 1 lần nhằm hạn chế số lượng người rời khỏi hệ thống, khi loại bỏ quy định đối với người lao động (NLĐ) khi chưa đến tuổi nghỉ hưu "sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận" của luật BHXH năm 2006.

Tuy nhiên, khi luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, đã có nhiều ý kiến từ NLĐ. Sau cùng, Quốc hội thông qua Nghị quyết 93/2015 cho phép NLĐ tham gia BHXH sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được nhận BHXH 1 lần nếu có yêu cầu. Thực chất, quy định này tiếp tục cho phép chính sách hưởng BHXH 1 lần như quy định của luật BHXH năm 2006.

Đến nay, sau gần 10 năm, cơ quan soạn thảo tiếp tục muốn điều chỉnh quy định này. Điều đó bắt nguồn từ thực trạng số lượng người rời khỏi hệ thống BHXH ngày một tăng. Thống kê cho thấy giai đoạn 2016 - 2022, có 4,9 triệu người đã rút BHXH 1 lần và chỉ 26% trong số đó quay lại đóng BHXH. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước thách thức già hóa dân số, nếu tỷ lệ bao phủ BHXH thấp, hưởng BHXH 1 lần tiếp tục gia tăng thì sức ép lên hệ thống lương hưu ngày một bị thổi phình.

Vì vậy, dự thảo luật BHXH sửa đổi đã đưa ra phương án khuyến khích NLĐ bảo lưu 50% tiền BHXH để được hưởng lương hưu. Nhưng đến nay, nhiều NLĐ vẫn còn băn khoăn với quan điểm trên. Nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý lao động dù biết hạn chế rút BHXH 1 lần là giải pháp đảm bảo tính bền vững của hệ thống an sinh và theo thông lệ quốc tế, nhưng trước thực trạng đời sống, lương hưu, cũng đâm ra rất "ngập ngừng" chuyện ủng hộ hay không.

Có lẽ cần cân nhắc tới chuyện giảm "cú sốc chính sách", bởi phương án rút BHXH 1 lần tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến tài chính và đời sống của người dân. Trong các giải pháp giảm sốc, cần thiết điều chỉnh theo hướng có lộ trình rõ ràng, dần dần để lao động thích nghi, tránh tác động không mong muốn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.