Thế cuộc Nga - Ukraine sau 2 năm xung đột

24/02/2024 06:35 GMT+7

Sau 2 năm bùng nổ với hậu quả thảm khốc và tác động lớn đến thế giới, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.

Ngày 24.2.2022, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Đánh giá về tình hình xung đột Ukraine khi trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quốc phòng, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, cho rằng tình thế chiến trường vẫn chưa có lối ra.

Cả hai đều trả giá lớn

Theo vị chuyên gia trên, về chiến lược, cả hai đều đang cố gắng phá vỡ ý chí chính trị của đối phương. Các hoạt động quân sự của cả hai phía đều nhằm mục đích gây thương vong nhiều hơn là chiếm hoặc giữ lãnh thổ. Những bước tiến đôi khi chỉ một vài ki lô mét nhưng lại phải trả giá rất lớn.

Ukraine đang sử dụng lực lượng đặc biệt, máy bay không người lái và vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào khu vực hậu phương của Nga, đồng thời tấn công có chọn lọc các mục tiêu chính trị và kinh tế. Tổng thống Volodymyr Zelensky dường như nhận ra rằng quân đội của ông thiếu khả năng và đất nước của ông thiếu nguồn nhân lực để giành lại vùng lãnh thổ đã mất. Vì thế, Kyiv đang ở thế phòng thủ.

Thế cuộc Nga - Ukraine sau 2 năm xung đột- Ảnh 1.

Hiện trường một khu vực ở Ukraine sau khi Nga tấn công

Reuters

Nga cũng đang sử dụng vũ khí tầm xa và pháo hạng nặng, kèm tên lửa đạn đạo để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Không quân Nga không còn thách thức trực tiếp các hệ thống phòng không của Ukraine. Thay vào đó, họ đang sử dụng vũ khí độc lập để chiến đấu cơ tiến hành các cuộc tấn công từ bên ngoài phạm vi tên lửa đất đối không (SAM) của Ukraine. Không quân Nga thường xuyên thay đổi đường bay và chiến thuật tác chiến để gây khó cho Ukraine trong việc bố trí và triển khai hiệu quả hệ thống phòng không. Khi Ukraine đưa máy bay F-16 vào chiến đấu, phía Nga sẽ cố gắng lôi kéo chúng vào phạm vi bảo vệ SAM của Nga, thay vì đối đầu trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.

Chiến sự sang năm thứ ba, Nga vẫn hơn Ukraine về binh sĩ, vũ khí

Chiến cuộc còn kéo dài

Theo vị chuyên gia trên, cuộc chiến ở Ukraine đang tương tự như Thế chiến 1. Công nghệ hiện đại như máy bay không người lái và vũ khí chính xác đang thiếu hụt, nhưng việc sử dụng chúng trên chiến trường đã khiến các học thuyết và chiến thuật hoạt động của quân đội hai nước trở nên lỗi thời. Kết quả là không quốc gia nào có thể tiến hành các hoạt động dựa trên sự cơ động. Thay vào đó, họ đang sử dụng kiểu "chiến tranh vị trí", vốn chú trọng phòng thủ hơn.

Về mặt chiến thuật, vị chuyên gia cho rằng Ukraine đang có lợi thế chiến thuật vào thời điểm này. Quân đội của họ được đào tạo tốt hơn và sáng tạo hơn so với phía Nga. Người Ukraine đã chứng tỏ tốt hơn trong việc sử dụng công nghệ hiện đại như máy bay không người lái và vũ khí chính xác như HIMARS. Tuy nhiên, điều đó không thể khắc phục được chiến lược sai lầm do chính trị thúc đẩy là cố gắng giành lại các khu vực bị Nga kiểm soát. Ukraine thiếu các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực, để đạt được thành công quy mô lớn như vậy.

Còn các cơ quan kỹ thuật của Nga, tức là các đơn vị tác chiến điện tử và tên lửa, cũng ngang bằng với Ukraine. Một số nhà phân tích tin rằng các đơn vị tác chiến điện tử của Nga vượt trội hơn nhưng hạn chế về số lượng và không thể bao phủ toàn bộ khu vực chiến đấu. Các máy bay không người lái của Ukraine đã khai thác những khoảng trống đó. Để bù đắp, Nga đang sử dụng hỏa lực ồ ạt chống lại hệ thống phòng thủ của Ukraine, buộc Ukraine phải lựa chọn giữa vị trí hoặc sự sống còn của quân đội.

Theo vị chuyên gia trên, về mặt chính trị thì kết quả của cuộc chiến sẽ được xác định bởi quốc gia nào bị mất ý chí chính trị trước. "Trừ khi tinh thần công chúng sụp đổ hoàn toàn ở một phía, cuộc chiến sẽ tiếp tục trong năm tới, nhưng mức độ giao tranh sẽ giảm xuống còn các cuộc trao đổi hỏa lực lẻ tẻ vào mùa thu tới. Cuộc chiến sẽ không kết thúc mà sẽ tiếp tục trong tình trạng căng thẳng cao độ nhưng giao tranh hạn chế cho đến khi lãnh đạo hai bên tìm thấy các điều khoản hòa bình với cái giá chấp nhận được", ông nhận định.

Không có gì đảm bảo cho Ukraine

Trong hai năm qua, tác động địa chính trị lớn nhất của cuộc xung đột Ukraine chính là NATO củng cố và mở rộng, cũng như biến Nga thành một quốc gia bị cô lập trong G7 và các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Nhưng điều đó đang xói mòn khi Mỹ và một số nước châu Âu trở nên ít tập trung hơn vào việc hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh Ukraine gặp khó khăn trong chiến dịch phản công và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhìn thấy cơ hội đứng vững trước NATO.

Thế cuộc Nga - Ukraine sau 2 năm xung đột- Ảnh 2.

NVCC

Ukraine hiện đang ở một vị trí gần như chắc chắn sẽ bị chia cắt, đó là một kết quả không thể chấp nhận được nhưng dường như cũng không thể tránh khỏi của cuộc chiến. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu phần Ukraine không bị chiếm đóng sẽ có được sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ phương Tây và con đường trở thành thành viên NATO cũng như có được hỗ trợ kinh tế cho việc tái thiết và khả năng gia nhập Liên minh Châu Âu hay không? Nếu điều đó vẫn xảy ra, đó là một kết quả bền vững cho Ukraine và một kết quả có lợi cho phương Tây. Nhưng không có gì đảm bảo điều đó trở thành hiện thực.

TS Ian Bremmer

(Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.