Check-in sang sảnh, du lịch khắp nơi, lúc nào cũng xinh đẹp… là cảm nhận thường thấy của người ngoài khi tiếp xúc với Thanh Thủy (sinh năm 1989, đến từ Hà Nội) đang làm tiếp viên hàng không cho hãng Korean Air. Nhưng, đó chỉ là bề nổi, cuộc sống thật sự của cô gái trẻ xem bầu trời là “văn phòng làm việc” còn nhiều điều để nói hơn ngoài hình ảnh hào nhoáng và cái mác “tiếp viên hàng không”.
|
Để trở thành tiếp viên hàng không quốc tế, sau những vòng phỏng vấn và sàng lọc hồ sơ gắt gao, Thủy phải trải qua đợt huấn luyện kéo dài nhiều tháng tại Hàn Quốc. Khi được hỏi bí quyết để một cô gái Việt có thể lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng nước ngoài, Thủy đáp: “Mỗi hãng hàng không đều có những tiêu chí riêng trong việc chọn lựa tiếp viên. Có hãng yêu cầu nhân viên dịu dàng nhu mì, có hãng lại muốn xây dựng hình ảnh các cô gái năng động trẻ trung... Với mình, dù ở đâu bạn cũng cần thể hiện mình là người tự tin, không đặt nặng vấn đề trượt hay đỗ. Chuẩn bị một ngoại hình tốt, tâm lí thoải mái và nụ cười rạng rỡ trên môi cũng là điều cần thiết”.
|
Hiện tại, mỗi tháng Thanh Thủy có khoảng 4 đến 5 chuyến bay Hàn - Việt. Sau mỗi chuyến bay, Thủy thường được nghỉ từ 1 đến 3 ngày. Mỗi tháng, cô có tối đa 7 đến 8 ngày ở Việt Nam. Ngoài ra, Thủy cũng bay như các tiếp viên khác trên các chuyến quốc tế: Mỹ, Canada, châu Âu, châu Úc…
|
Với đặc thù công việc hay di chuyển, môi trường làm việc trên không và phải đứng nhiều giờ trên giày cao gót, Thủy không ít lần rơi vào trạng thái stress và mệt rã rời sau chuyến bay.
Những tiếp viên như Thủy, sẽ không có bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối, giờ ăn của họ chính là lúc phục vụ hành khách xong. Có khi đáp chuyến bay đến thành phố lạ lúc nửa đêm, nghe bụng đói cồn cào nhưng cô đành lót dạ bằng bánh mì rồi đi ngủ, vì sân bay quá xa thành phố. Ngoài ra, sốc nhiệt và rối loạn nhịp sinh học cũng là điều Thanh Thủy phải làm quen khi trở thành một tiếp viên hàng không quốc tế.
Thạc sĩ 9X Việt vừa làm nhân viên KBS vừa làm chủ tiệm ăn
Công việc đi xa quê hương giúp cô gái trẻ hiểu ra nhiều giá trị về mảnh đất mình đang sống. Thủy kể: “Mình từng gặp một hành khách xa quê đã 25 năm. Khi bác lên máy bay và biết mình là người Việt liền vui vẻ chạy đến nắm tay, nói chuyện ríu rít, hỏi thăm đủ thứ về quê hương. Mình cảm thấy vui và tự hào khi có dịp được nói tiếng mẹ đẻ, trong môi trường làm việc thường xuyên sử dụng ngoại ngữ”.
Điều thiệt thòi lớn nhất khi Thanh Thủy lựa chọn công việc này chính là không có nhiều thời gian ở cạnh gia đình. Song để làm được công việc mình yêu thích, dù “bữa ăn trong ngày đầu tiên của năm mới ở nơi đất khách là gói mì tôm chanh” đi nữa, cô vẫn vui vẻ đón nhận.
|
27 tuổi, thường xuyên thức trắng đêm trên những chuyến bay dài, không có ngày nghỉ cố định và số lần về Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, Thanh Thủy nhiều lần bị bố mẹ nhắc khéo chuyện kết hôn và tìm một cuộc sống “ổn định” hơn. Nhưng, cô lại cho rằng: “Ổn định là khi bản thân được làm điều mình thích, sống cuộc đời an nhiên. Như vậy, hiện tại đã là quá đủ”.
Bình luận (0)