Học trò sáng chế

25/08/2014 02:00 GMT+7

Những sản phẩm, mô hình do các học sinh tại Quảng Nam chế tạo dù đơn giản nhưng hữu dụng và có giá trị nghiên cứu khoa học rất cao.

Nguyễn Thành Tín bên chiếc ống Ruben trình diễn lửa đẹp mắt - Ảnh: Hoàng Sơn
Nguyễn Thành Tín bên chiếc ống Ruben trình diễn lửa đẹp mắt - Ảnh: Hoàng Sơn 

Máy sục khí nuôi tôm

Nhiều lần trên đường đi học, qua những ao nuôi tôm, cậu học sinh Nguyễn Văn Nhựt (lớp 9/1, Trường THCS Huỳnh Thị Lựu, TP.Hội An) thấy những nông dân mặt mày căng thẳng vì tôm nuôi nổi hàng loạt. Nhựt cũng từng chứng kiến nhiều gia đình hàng xóm khóc ròng vì tôm nuôi chết do thiếu dưỡng khí. Làm sao để cung cấp đủ ô xy cho hồ nuôi tôm là câu hỏi thường trực với Nhựt. Thế rồi, Nhựt cùng Nguyễn Tấn An, bạn cùng lớp, tìm cách khắc phục máy quạt sục khí truyền thống để giúp người nông dân bớt khổ.

“Người dân thường thả tôm với số lượng lớn nên việc thiếu ô xy trong nước thường xuyên xảy ra. Khi thiếu dưỡng khí, tôm yếu sức đề kháng do vậy rất dễ bị vi sinh vật tấn công dẫn đến chết trắng hồ. Từ ý tưởng chế tạo ra chiếc máy cấp ô xy cho nước, bọn em đã thiết kế thành công máy sục khí hoàn toàn mới, có thể cung cấp đủ khí cho cả hồ”, Nhựt nói. Sau khi có đủ các vật liệu cần thiết, trong khoảng 1 tháng rưỡi, Nhựt và An đã thiết kế và hoàn thành chiếc máy sục bao gồm 3 phần: động cơ đẩy, xi lanh và hệ thống ống dẫn khí.

Nguyễn Văn Nhựt tại lễ trao giải thưởng về sáng tạo cho mô hình máy sục khí nuôi tôm - Ảnh: Hoàng Sơn
Nguyễn Văn Nhựt tại lễ trao giải thưởng về sáng tạo cho mô hình máy sục khí nuôi tôm
- Ảnh: Hoàng Sơn

So với quạt tạo khí thông thường, máy sục có nhiều ưu điểm vượt trội: “Nếu sử dụng quạt khí thì chỉ dừng lại ở việc cấp ô xy cục bộ trên mặt nước. Trong khi đó, chiếc máy sục khí cùng hệ thống ống được đặt dưới đáy hồ sẽ cung cấp đủ, đều ô xy hòa tan trong nước”, Nhựt chia sẻ. Ngoài ra, máy còn tiết giảm điện năng tiêu thụ do chỉ sử dụng động cơ nhỏ.

Robot đa năng

Con robot quân sự Invisibie - versatile của cậu học sinh Đoàn Lê Công Khang (lớp 11/1, Trường THPT Phan Châu Trinh, H.Tiên Phước) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng về tính đa năng và hoạt động linh hoạt.

Khang cho biết bắt đầu chế tạo robot quân sự Invisibie - versatile cách đây 1 năm bằng vật liệu cũ xin được từ những tiệm sửa xe máy. Có lúc thiếu vật liệu, Khang phải chạy đôn chạy đáo khắp huyện, ra Đà Nẵng hay liên hệ nhờ mua thiết bị tận TP.HCM.

Đoàn Lê Công Khang và robot đa năng - Ảnh: nhân vật cung cấp
Đoàn Lê Công Khang và robot đa năng - Ảnh: nhân vật cung cấp

Để con robot này có thể hoạt động trên những địa hình phức tạp, Khang đã vẽ bản thảo chi tiết rồi thiết kế robot chạy bằng bánh xích. “Tính năng nổi trội nhất của robot này là dùng để rà phá bom mìn với tay gắp có thể mang bom mìn và ngược lại, robot cũng có thể cài đặt bom mìn. Khi cho robot hoạt động, người điều khiển sẽ dùng bảng điện tử từ xa và dẫn con robot vào khu vực cần phá bom. Dù sao cũng là một robot nên nếu có trường hợp bất trắc sẽ không xảy ra sát thương”, Khang phân tích.

“Nhạc lửa” trong quán cà phê

Đó là ý tưởng độc đáo của đôi bạn Nguyễn Thành Tín và Huỳnh Thị Ánh Tuyết (học sinh lớp 12/2, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Tam Kỳ). Mô hình “ống Ruben” do đôi bạn thực hiện hứa hẹn sẽ là một sản phẩm “độc” cho những quán cà phê muốn đem lại sự mới lạ cho khách. “Chỉ cần nối với hệ thống loa phát âm nhạc, ống Ruben sẽ cho chúng ta thấy những màn trình diễn lửa theo cường độ khác nhau, rất đẹp mắt”, Thành Tín cho biết. Dụng cụ để làm chiếc ống này gồm: một ống inox được hàn kín một đầu có gắn van để nối ống dẫn gas, đầu còn lại được bít bằng một màng rung bằng cao su. Trên thân ống khoét các lỗ đều nhau với khoảng cách 1 cm.

Sau khi lắp đặt xong chiếc ống, Tín cho đầu ống có màng rung vào phần loa. Phần còn lại, Tín nối vào hệ thống cấp gas rồi mở van để gas vào đầy ống. Tiếp đó, Tín mồi lửa đều trên các lỗ đã khoan trên thân ống và bật nhạc. Khi nhạc được phát, những đốm lửa trên thân ống bỗng nhiên phụt sáng thành cột. Tùy theo cường độ của nhạc mà những cột lửa này lúc cao lúc thấp trông rất đẹp mắt. Tín giải thích: “Khi âm thanh được truyền trong ống thông qua màng rung sẽ chuyển đến đầu kia của ống rồi sẽ truyền ngược lại. Những điểm cộng hưởng sẽ thành bước sóng, những điểm triệt tiêu sẽ tạo thành nút sóng. Do đó, ống Ruben sẽ là một dụng cụ trực quan để minh họa hiện tượng giao thoa sóng âm trong chương trình lớp 12”. Theo Tín, đây không chỉ là dụng cụ thí nghiệm mà còn là một thiết bị ống dẫn có thể trình diễn lửa theo âm nhạc rất thú vị.  

Các sáng chế trên đều được Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Nam lần thứ 7 - 2014 trao giải A vào ngày 21.8. Theo ban tổ chức, những mô hình được đánh giá cao nhờ tính sáng tạo, đầu tư trí tuệ lẫn thời gian và công sức.

Hoàng Sơn

>> Tháng Thanh niên: Sáng chế vì sức khỏe con người
>> Mê sáng chế robot
>> Những sáng chế khát vọng
>> Chàng sinh viên mê sáng chế máy bay
>> Lê Tân Kỳ: Nhà sáng chế miệt vườn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.