Ấn Độ đóng siêu hàng không mẫu hạm

24/12/2015 14:00 GMT+7

Với sự hỗ trợ từ Mỹ, Ấn Độ đang nỗ lực đóng chiến hạm lớn nhất lịch sử nước này để trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu sân bay mũi bằng.

Với sự hỗ trợ từ Mỹ, Ấn Độ đang nỗ lực đóng chiến hạm lớn nhất lịch sử nước này để trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu sân bay mũi bằng.

Hình ảnh ý tưởng thiết kế của tàu INS Vishal - Ảnh: SinaHình ảnh ý tưởng thiết kế của tàu INS Vishal - Ảnh: Sina
Hải quân Ấn Độ hiện đang sở hữu 2 tàu sân bay là INS Viraat và INS Vikramaditya. INS Viraat hạ thủy năm 1944, được mua lại từ Anh năm 1986 và là tàu sân bay “cổ” nhất thế giới còn đang hoạt động. INS Vikramaditya, có độ choán nước 45.000 tấn, thì được biên chế cuối năm 2013 nhưng cũng là tàu cũ từ thời Liên Xô do Nga nâng cấp và bán lại với giá 2,35 tỉ USD.
Rõ ràng những gì đang có chưa thể đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ vươn lên trở thành một cường quốc hàng đầu cũng như bảo vệ lợi ích trong các vùng biển đang nhiều biến động ở khu vực. Vì thế, mục tiêu của Ấn Độ là có thêm ít nhất 2 tàu sân bay mới. Trong đó, INS Vikrant sẽ được biên chế vào năm 2017. Tuy nhiên, tàu này vẫn sử dụng công nghệ phóng máy bay kiểu cũ với thiết kế mũi tàu hếch lên. Ngoài ra, với độ choán nước 40.000 tấn, INS Vikrant thuộc loại tàu sân bay kích cỡ trung bình.
Hiện các chuyên gia quân sự và giới tướng lĩnh Ấn Độ đang đặt kỳ vọng lớn vào dự án tàu sân bay INS Vishal. Có độ choán nước ít nhất 65.000 tấn, INS Vishal khi hoạt động vào thập niên 2020 sẽ trở thành chiến hạm lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ và cũng là chiếc đầu tiên tại châu Á từ sau Thế chiến 2 có thể được xếp vào nhóm siêu hàng không mẫu hạm.
Hàng “hảo hạng” từ Mỹ
Những năm gần đây, xuất phát từ tình hình khu vực và nhu cầu chiến lược của mỗi bên, Ấn Độ và Mỹ ngày càng đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt, đặc biệt là quốc phòng và an ninh biển. Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm, hai bên đã nhất trí thành lập Nhóm công tác tàu sân bay nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thiết kế và phát triển loại tàu này.
Đến tháng 5, tờ The Economic Times dẫn lời Tư lệnh hải quân Ấn Độ Robin Dhowan xác nhận đang xúc tiến dự án INS Vishal với ngân sách cho các bước nghiên cứu sơ bộ khoảng hơn 5 triệu USD, trong khi một số quan chức khác khẳng định tàu sẽ được đóng với sự trợ giúp công nghệ từ Mỹ. Giám đốc Cơ quan Mua sắm vũ khí, công nghệ và hậu cần Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall còn “chốt hạ”: “Chúng tôi không thấy trở ngại gì trong việc cung cấp các thiết bị hiện đại nhất cho tàu sân bay Ấn Độ. Họ chỉ cần nói ra điều mình cần”.
Trong cuộc họp đầu tiên hồi tháng 8 của Nhóm công tác tàu sân bay, phía Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới Hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS). Được đánh giá là công nghệ phóng máy bay tân tiến nhất hiện nay, EMALS giúp tăng 25% số lần xuất kích của chiến đấu cơ mỗi ngày so với công nghệ CATOBAR phổ biến trên các tàu sân bay mũi bằng, và đương nhiên là vượt xa hệ thống phóng kiểu cũ của hàng không mẫu hạm mũi hếch.
Theo Reuters, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Tập đoàn GE - nhà phát triển EMALS - trình diễn công nghệ này cho các chuyên gia và sĩ quan Ấn Độ. Mới đây nhất, việc chuyển giao công nghệ EMALS và dự án INS Vishal tiếp tục được thảo luận trong chuyến thăm Washington D.C hôm 10.12 của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.
Tàu sân bay mũi hếch kiểu cũ, chẳng hạn như tàu Liêu Ninh của Trung Quốc, dễ đóng hơn và có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, hạn chế lớn là phải giảm diện tích sàn đậu máy bay, không cho phép chiến đấu cơ cất cánh với lượng nhiên liệu tối đa hoặc chở quá nhiều vũ khí đồng thời đòi hỏi tàu phải di chuyển với tốc độ nhất định thì máy bay mới có thể cất cánh.
Ngược lại, EMALS đắt đỏ và phức tạp hơn nhưng giúp phóng máy bay nhanh hơn, nhiều hơn kể cả khi tàu đứng yên, đồng thời hỗ trợ kiểm soát dễ dàng hơn trong quá trình phóng bằng cách cho phép máy bay tăng tốc dần đều và liên tục. Mặt khác, chưa cần tới EMALS mà chỉ cần Mỹ hỗ trợ lắp đặt hệ thống phóng CATOBAR là đã đủ cho Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu sân bay mũi bằng.
Ưu thế vượt trội
Sức mạnh của tàu sân bay phụ thuộc khá nhiều vào tốc độ triển khai và phạm vi hoạt động của các phi cơ chở theo. Do đó, nếu sở hữu được công nghệ tân tiến của Mỹ thì INS Vishal sẽ tạo ra khoảng cách đáng kể về thực lực so với tàu sân bay Trung Quốc, vốn được cho là sắp hoàn thành sơ bộ tàu sân bay nội địa đầu tiên. Dù theo truyền thông Trung Quốc, nước này đang nỗ lực xây dựng một hệ thống phóng giúp đẩy nhanh tốc độ xuất kích của máy bay so với công nghệ hiện dùng trên tàu Liêu Ninh nhưng các chuyên gia nước ngoài vẫn tỏ ra nghi ngờ. Lý do là Trung Quốc chưa có kinh nghiệm lẫn chuyên môn để thiết kế tàu sân bay cỡ lớn, bao gồm cả hệ thống đẩy. Hàng không mẫu hạm thứ hai cũng bị cho là vẫn dựa nhiều vào công nghệ cũ kỹ từ chiếc Liêu Ninh.
Mặt khác, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời các chuyên gia chỉ ra rằng hiện tại Trung Quốc đang trang bị cho Liêu Ninh các chiến đấu cơ J-15 khá nặng và “to con”, trong khi hệ thống cất - hạ cánh của tàu lại cũ kỹ, mũi hếch lên khiến không có nhiều chỗ đậu. Vì thế, hiện tàu Liêu Ninh chỉ chở được từ 12 - 18 chiến đấu cơ. Trong khi đó, mỗi tàu sân bay Ấn Độ có thể tiếp nhận từ 16 - 20 máy bay nhờ sử dụng phi đội MiG-29K gọn nhẹ nhưng có sức chiến đấu mạnh mẽ.
Riêng các tàu đóng mới nếu được trang bị EMALS sẽ có thể gia tăng số lượng máy bay lên 50 chiếc, triển khai được cả những máy bay quân sự hạng nặng như máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không.
Thủ tướng Ấn Độ thăm Nga
Ngày 23.12, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến công du 2 ngày tới Nga. Dự kiến, ông Modi sẽ hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev về tăng cường hợp tác thương mại, quân sự song phương. Theo Hãng tin ANI, nhân chuyến thăm hai bên sẽ ký một loạt thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận quốc phòng ước tính trị giá 10 tỉ USD. Một số nguồn tin cấp cao tiết lộ New Delhi muốn mua 5 hệ thống phòng không S-400 Triumph, tàu khu trục tàng hình lớp Krivak hoặc Talwar đã được nâng cấp trị giá 3 tỉ USD cùng 2 máy bay trực thăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.