Ấn Độ - Nga đồng ý bán tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos cho nước thứ 3

28/05/2016 10:23 GMT+7

Ấn Độ và Nga về nguyên tắc đã đồng ý xuất khẩu tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos cho nước thứ ba, và Việt Nam được cho là khách hàng tiềm năng của loại tên lửa này.

Người phát ngôn của hãng sản xuất tên lửa BrahMos, ông Praveen Pathak ngày 27.5 cho hay đã có nhiều thay đổi trong chính sách xuất khẩu quốc phòng của công ty và những điều đó đang mang lại hiệu quả, theo TASS ngày 27.5. Ông Praveen còn nói rằng các cuộc thương lượng bán tên lửa BrahMos (liên doanh giữa Nga và Ấn Độ) với các nước như UAE, Chile, Nam Phi và Việt Nam đang được tiến hành ở bước đầu.
Ngoài ra, Nga và Ấn Độ còn có thể bán loại vũ khí này cho nhiều nước khác, trong đó có các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Ông Praveen thông báo rằng Trung Quốc đã đề đạt với Ấn Độ rằng phải hạn chế các chính sách cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông Praveen mong muốn Ấn Độ và Nga sẽ không có bất kỳ mâu thuẫn nào với Trung Quốc và Việt Nam làm ảnh hưởng đến việc cung cấp tên lửa BrahMos.
Tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos được Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển và sản xuất. Tên gọi BrahMos được kết hợp từ tên của 2 con sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga. Tên lửa siêu thanh BrahMos có thể bay với tốc độ Mach 3 (tương đương 3.675 km/giờ), theo TASS. Mẫu nâng cấp bội siêu thanh của tên lửa này đang được thử nghiệm và có thể đạt tốc độ Mach 6.
Tên lửa này có thể giữ tốc độ siêu thanh trong suốt hành trình bay với tầm bắn từ 290 - 300 km, giúp giảm bớt thời gian bay, giảm nguy cơ bị phân tán khỏi mục tiêu, không bị các hệ thống tên lửa đánh chặn khác bắn hạ.

tin liên quan

Ấn Độ triển khai tên lửa siêu thanh BrahMos trên chiến đấu cơ
(TNO) Ấn Độ bắt đầu triển khai tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos trên chiến đấu cơ vào năm 2016. BrahMos còn có biệt danh “sát thủ diệt hạm”, là một trong những tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới với tốc độ tối đa khoảng 3.400 km/giờ.
Tên lửa BrahMos hoạt động theo nguyên tắc “phóng và quên”, có nghĩa là sau khi được phóng đi, tên lửa sẽ tự tìm đường đến mục tiêu đã được định sẵn trước đó, đồng thời có thể áp dụng nhiều kiểu bay khác nhau để đến mục tiêu.
Sức huỷ diệt của tên lửa được tăng cường nhờ năng lượng động lực lớn sản sinh ra khi tác động với mục tiêu. Tên lửa có thể bay ở độ cao 15 km sau đó hạ xuống còn 10 m khi sắp tiếp cận mục tiêu. BrahMos mang theo đầu đạn thường, nặng từ 200-300 kg, và có thể mang đầu đạn hạt nhân, theo Military Today.
So với các tên lửa hành trình có tốc độ chậm hơn tốc độ âm thanh, tên lửa BrahMos bay nhanh gấp 3 lần , tầm bay gấp 2,5-3 lần, tầm dò tìm mục tiêu lớn hơn 3-4 lần, năng lượng động lực sản sinh ra nhiều gấp 9 lần. Ngoài ra, BrahMos còn có thể bắn từ các dàn phóng trên bộ, trên tàu chiến và phóng từ tàu ngầm.
Không quân Ấn Độ ngày 27.5 cũng thông báo đã phóng thử thành công tên lửa BrahMos từ máy bay và bắn trúng mục tiêu trên bộ, theo The Hindu ngày 28.5. Nguồn tin của báo này cho hay Không quân Ấn Độ đang chuẩn bị cho các máy bay chiến đấu Su-30 MKI bắn thử tên lửa BrahMos trong vài tuần tới, vì tất cả các cuộc phóng thử BrahMos trên bộ và trên biển đều đã được hoàn thành, chỉ còn phóng từ trên không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.