ASEAN chi đậm mua vũ khí Nga

09/03/2016 09:18 GMT+7

ASEAN trở thành thị trường vũ khí chủ lực mới của Nga khi các nước tại đây tăng chi tiêu quốc phòng trước các biến động an ninh.

ASEAN trở thành thị trường vũ khí chủ lực mới của Nga khi các nước tại đây tăng chi tiêu quốc phòng trước các biến động an ninh.

Tàu ngầm Hà Nội, một trong 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng cho Việt Nam - Ảnh: Nguyễn ChungTàu ngầm Hà Nội, một trong 6 tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng cho Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Chung
Tình hình an ninh tại Đông Nam Á, đặc biệt xoay quanh Biển Đông, đang có nhiều biến động theo chiều hướng đáng quan ngại khiến nhiều nước ASEAN phải tăng cường nỗ lực củng cố năng lực quốc phòng. Nắm được cơ hội này, nhiều hãng sản xuất vũ khí của Nga đang chuyển hướng đầu tư vào thị trường này.
Theo báo mạng Russia Beyond The Headlines (RBTH), hợp tác quốc phòng đang là chủ điểm mới trong quan hệ Nga - ASEAN trong bối cảnh quan hệ chính trị và kinh tế song phương vẫn đang ở mức thấp do các điều kiện lịch sử. Ý thức được tiềm năng to lớn trong lĩnh vực này, Moscow liên tục bật đèn xanh cung cấp hàng loạt vũ khí vào hàng hiện đại nhất thế giới cho cả đối tác Đông Nam Á, kể cả những nước lâu nay có truyền thống hợp tác về quân sự với phương Tây.
Thị trường màu mỡ
RBTH dẫn lời giới quan sát nhận định Nga đánh đúng nhu cầu tăng cường quốc phòng của các nước ASEAN và giới thiệu các loại khí tài uy lực, hiệu quả cao trong khi giá rẻ hơn hàng từ phương Tây. Mặt khác, thủ tục và quy định về chuyển giao, hợp tác công nghệ quốc phòng của Moscow cũng thông thoáng, không đi kèm các điều kiện chính trị nên được bạn hàng Đông Nam Á ưa chuộng.
Các sản phẩm đang hút hàng trong khu vực là chiến đấu cơ, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và tàu ngầm. Không tính đối tác truyền thống có lịch sử hợp tác tốt đẹp lâu đời là Việt Nam, bước đột phá đầu tiên của vũ khí Nga vào ASEAN là khi nước này ký được hợp đồng bán tên lửa vác vai Igla cho Singapore, đồng minh thân cận của Mỹ.
Đến nay, các loại khí tài lợi hại từ “lò” Moscow như chiến đấu cơ Sukhoi Su-30, tàu ngầm Kilo, tên lửa Klub… đang và sẽ tiếp tục có mặt tại Đông Nam Á.
Hồi tháng 2, truyền thông Nga đưa tin Thái Lan đang thương thảo mua thêm trực thăng Mi-17V5, phiên bản hiện đại nhất của dòng Mi-17, và xe tăng T-90.
Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực quân sự - kỹ thuật với ASEAN.
Theo ông, “Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác quân sự kỹ thuật với một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Những sự hợp tác này đều có triển vọng tốt đẹp, bởi các loại vũ khí Nga đều rất được ưa chuộng trong khu vực và là những loại vũ khí chính trong quân đội của nhiều nước”.
Hoạt động xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga ra thế giới đã đạt mức hơn 15 tỉ USD trong năm 2015 và Moscow có kế hoạch bán lượng vũ khí với tổng giá trị tương tự trong năm 2016, theo Sputnik. Trong đó, các khách hàng ASEAN, đặc biệt là những đối tác phi truyền thống như Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan, góp phần không nhỏ.
Đối tác đáng tin cậy
RBTH dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một hội nghị khu vực mới đây khẳng định: “Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì họ xem Nga là tác nhân tạo sự ổn định chiến lược và phát triển kinh tế bền vững”.
Còn theo chuyên gia Elena S.Martynova ở Trường Kinh tế thuộc Đại học Nghiên cứu quốc gia ở Moscow: “Tại ASEAN, Nga không gắn liền với bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào về kinh tế hay quân sự. Do đó, Nga có thể thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm tại Đông Nam Á, hợp tác chân thành với mọi nước mà không có đối đầu hay mang tư tưởng định kiến”.
RBTH nhận định thêm trong bối cảnh tình hình khu vực ngày càng gây quan ngại cũng như sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề trên biển ngày càng tăng, hợp tác về khí cụ quốc phòng của Nga và ASEAN sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đã “sốt ruột” thúc giục Nhà Trắng đẩy nhanh quá trình phê chuẩn các hợp đồng bán vũ khí cho nước ngoài, để không bị mất hàng tỉ USD vào tay Nga; còn người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cũng kêu gọi Mỹ mau chóng tháo dỡ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, theo Reuters.
Nga định xây nhà máy vũ khí ở Thái Lan
Nga đã bày tỏ quan tâm đến việc xây dựng một nhà máy tại Thái Lan để sản xuất vũ khí đáp ứng nhu cầu của quốc gia Đông Nam Á này cũng như toàn khu vực, tờ Bangkok Post dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan Khongcheep Tantravanich cho biết.
Ý tưởng này đã được đưa ra bàn thảo nhân chuyến thăm Moscow từ ngày 23 - 25.2 vừa qua của 2 phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon và Somkid Jatusripitak.
Trong chuyến thăm, phái đoàn Thái Lan đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Phó thủ tướng Dmitry Rogozin và Bộ trưởng Công thương Denis Maturov. Thủ tướng Medvedev đã khẳng định Nga hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thiết bị quân sự của Thái Lan, theo phát ngôn viên Khongcheep.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.