Trong vòng 6 năm qua, chính quyền Barack Obama nỗ lực kiềm chế Trung Quốc bành trướng, quân sự hóa Biển Đông, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh chùn bước, theo nhận định của tờ The Washington Post (Mỹ).
Lính Trung Quốc tuần tra phi pháp trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters |
Những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Bắc Kinh dùng chiêu khá quen thuộc là phớt lờ những cảnh báo của Mỹ, vẫn lắp radar, triển khai tên lửa và chiến đấu cơ đến các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 1.3.
Đây là một thách thức lớn đối Tổng thống Obama trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ.
Các nhà phân tích chính sách ngoại giao ở Washington nhận định, chiến lược của chính quyền Obama là tập trung vào xây dựng quan hệ đối tác với kỳ vọng dần dần xoay chuyển trật tự toàn cầu để phục vụ lợi ích của Mỹ, nhưng Trung Quốc lại áp dụng chiến lược mang tính đối đầu và đang giành được nhiều thắng lợi về mặt chiến thuật.
Một số nhà hoạch địch chiến lược quân sự Mỹ đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ. Trong năm qua, những chiến dịch quân sự của Trung Quốc đã mở rộng về mặt quy mô, độ phức tạp và địa điểm, tướng thủy quân lục chiến Mỹ Joseph F. Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tuần rồi.
Ông Dunford nói Trung Quốc đã phát triển vũ khí có thể chống lại sức mạnh quân sự của Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay.
“Chương trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa quân đội nước này với Mỹ. Lực lượng quân sự Trung Quốc có thể chế ngự những chiến dịch quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và đe dọa những cơ sở quân sự then chốt của Mỹ tại đây. Kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc ngày càng phát triển và làm gia tăng mối đe dọa đối với nước Mỹ cùng các đồng minh của chúng ta”, ông Dunford nhận xét.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của những động thái gần đây của Trung Quốc và nhấn mạnh chính quyền Obama vẫn tiếp tục nỗ lực theo đuổi giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Tổng thống Obama đã có kỳ họp thượng đỉnh tại Sunnylands (bang California) với lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN. Ông Obama cho biết đã thảo luận “về sự cần thiết của những biện pháp rõ ràng ở Biển Đông nhằm hạ nhiệt căng thẳng, bao gồm chấm dứt hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông”.
Tuy nhiên, tuyên bố chung của ông Obama và các lãnh đạo ASEAN lại không đề cập gì đến Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy các nước ASEAN đang rơi vào giữa cuộc chiến địa chính trị giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tuần rồi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Nhà Trắng, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Obama đã không tiếp ông Vương mà không thông báo trước, chỉ cử cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice thay mặt tiếp ông Vương.
Tại Mỹ, ông Vương bác bỏ cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang bành trướng phi pháp và muốn giành quyền bá chủ ở Biển Đông, khẳng định chính Washington mới muốn điều này.
Biển Đông đại diện lợi ích quốc gia hợp pháp của Trung Quốc, ông Vương nói, đồng thời ngang ngược nói rằng các nước láng giềng trong khu vực nên tự biết để tránh xảy ra xung đột trên Biển Đông, tránh bị “quốc gia bên ngoài” kích động.
“Trung Quốc không phải như Mỹ. Trong máu và gen của người Trung Quốc, không có gen bành trướng. Cách đây 2.000 năm trước, chúng tôi xây Vạn Lý Trường Thành chỉ để phòng vệ. Đó mới thật sự là điểm đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc”, ông Vương nói.
Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN tại thượng đỉnh Sunnylands ngày 16.2.2016 - Ảnh: Reuters
|
Trước sự ngang ngược của Trung Quốc, chính quyền Obama đã chuyển hướng sang tăng cường quan hệ với ASEAN nhằm kềm chế Bắc Kinh.
Kể từ năm 2010 đến nay, chính quyền Obama đã triển khai lực lượng thủy quân lục chiến đến đồn trú tại căn cứ ở thành phố Darwin, Úc; ký kết những thỏa thuận đối tác an ninh mới với Philippines; tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu Tokyo đụng độ với Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông; điều tàu tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông; tăng cường hợp tác với ASEAN.
Nhưng Bắc Kinh tỏ ra không lo ngại trước những động thái trên của Mỹ, vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, bất chấp bị Mỹ cáo buộc là nhằm phục vụ mục đích quân sự hóa Biển Đông.
|
Trung Quốc cũng đã nhiều lần từ chối tham gia các phiên phân xử của Tòa trọng tài thường trực (trụ sở tại The Hague, Hà Lan) sau khi Philippines đệ đơn kiện lên tòa này hồi năm 2013 phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 25.2 còn cáo buộc Philippines “gây hấn chính trị” khi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Tòa trọng tài thường trực dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối năm 2016.
“Chính quyền Obama đang đợi phán quyết của Tòa trọng tài thường trực trước khi có những biện pháp mạnh tay hơn với Trung Quốc”, ông Jerry Hendrix, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ nhận định. Nhưng nếu đợi đến khi tòa ra phán quyết thì ông Obama cũng sắp mãn nhiệm kỳ.
Ông Hendrix cho rằng, “mỗi ngày trôi qua mà Mỹ không thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thì Washington sẽ dần mất đi cơ hội. Trung Quốc đang tạo ra tiền lệ với một nguyên trạng mới ở Biển Đông và sau đó thì không ai có thể thay đổi được”.
Các nhà phân tích chính sách ngoại giao ở Washington nhận định, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến thuật salami-slicing (cắt lát xúc xích, hay còn gọi là ăn mảnh tích tiểu thành đại), tức dần dần chiếm đoạt từng phần lãnh thổ trên Biển Đông cho đến khi chiếm sạch.
“Chính quyền Obama sẽ bảo rằng Trung Quốc đang tự tạo kẻ thù trong khu vực để rồi bị cô lập. Nếu điều đó có đúng đi chăng nữa thì không ai có thể ngăn chặn Bắc Kinh lấn tới”, ông Michael Green, cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận định.
Bình luận (0)