Bệnh viện 'thời chiến'

22/11/2015 09:27 GMT+7

Nếu theo dõi tin tức về vụ tấn công liên hoàn ở Paris hôm 13.11, có thể nhận ra số nạn nhân thiệt mạng tăng rất ít.

Nếu theo dõi tin tức về vụ tấn công liên hoàn ở Paris hôm 13.11, có thể nhận ra số nạn nhân thiệt mạng tăng rất ít.

Người dân Paris đang cố vượt qua ký ức kinh hoàng của vụ tấn công ngày 13.11 - Ảnh: Lan ChiNgười dân Paris đang cố vượt qua ký ức kinh hoàng của vụ tấn công ngày 13.11 - Ảnh: Lan Chi
 Đây là thành quả của chương trình tổng động viên đội ngũ nhân viên y tế được tổ chức cực kỳ bài bản.
Hơn 1 tuần sau thảm kịch, số người thiệt mạng hiện nay là 130 người, chỉ tăng 1 trường hợp so với con số ban đầu. Ngày 14.11, chỉ vài giờ sau khi vụ tấn công diễn ra, bác sĩ (BS) Mohamed-Rida Benissa đã tranh thủ chút thời gian nghỉ hiếm hoi để trao đổi với tôi về tình hình tại Bệnh viện Georges Pompidou ở quận 15, Paris. Nhờ vậy, Thanh Niên đã có được những dòng tin nóng về Plan blanc (Kế hoạch trắng) của các cơ sở y tế, được áp dụng khi xảy ra những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như tấn công khủng bố, chiến tranh…
Hôm qua 21.11, tôi tiếp tục gặp BS Benissa để nghe tường thuật lại những đêm trắng ở “bệnh viện thời chiến”.
Tỷ lệ 1:3
Từ khi xảy ra tấn công, Benissa trực suốt nhiều ngày liền ở Bệnh viện Georges Pompidou. Anh giải thích: “Plan blanc là sự phối hợp đồng bộ giữa các trung tâm cấp cứu, các bệnh viện, lực lượng cứu hộ và cảnh sát. Tại Paris, một số bệnh viện danh tiếng được chỉ định làm chủ lực khi kế hoạch này có hiệu lực. Các bác sĩ, y tá, bác sĩ nội trú và cả sinh viên y khoa từ năm thứ 3 trở lên đều nắm rõ danh sách các bệnh viện nói trên để có thể đến ngay khi cần thiết. Tối 13.11, ngay sau khi các vụ tấn công đồng loạt diễn ra ở Paris, chúng tôi đều nhận được tin nhắn: “Plan blanc đã có hiệu lực”.
Những bệnh viện ở Paris không thuộc danh sách chủ chốt của Plan blanc chỉ giữ lại số y bác sĩ vừa đủ để hoạt động, còn lại toàn bộ nhân viên đều được điều về những “điểm nóng”. Nhờ vậy, tuy cùng lúc phải tiếp nhận rất nhiều nạn nhân, phần lớn bị thương nặng, nhưng các bệnh viện “tiền tuyến” không thiếu người. Các nạn nhân của đợt tấn công được chăm sóc theo tỷ lệ 1:3, tức mỗi người được ít nhất 1 bác sĩ, 1 y tá và 1 sinh viên y khoa đón tại bệnh viện.
Gần hiện trường, trung tâm cấp cứu dựng sẵn lều dã chiến với nhiều nhóm bác sĩ, y tá túc trực. Khi nạn nhân được đưa ra, họ lập tức được xử lý nhanh và chia nhóm theo tình trạng vết thương. Nhóm “cực kỳ khẩn cấp” là những người đang nguy kịch sẽ được chở thẳng vào bệnh viện. Tại bệnh viện, bác sĩ được thông báo trước nên đã chuẩn bị sẵn phòng mổ để xử lý ngay. Nhóm “khẩn cấp” gồm những nạn nhân bị thương nặng, nhưng chưa ảnh hưởng đến tính mạng. Họ sẽ được sơ cứu tại chỗ, tiêm thuốc giảm đau, đưa vào bệnh viện và nếu cần thiết sẽ được phẫu thuật trong vòng vài giờ. Nhờ tỷ lệ 1:3, những trường hợp không quá phức tạp có thể được tiểu phẫu ngay tại khoa cấp cứu.
Nhóm thứ 3 là những trường hợp bị thương nhẹ, cũng sẽ được xử lý vết thương tại chỗ rồi đưa vào kiểm tra lại. Ngoài ra, kể cả những người không bị thương cũng sẽ được gặp bác sĩ tâm lý để giúp ổn định tinh thần. BS Benissa giải thích: “Những người có mặt ở các điểm bị tấn công đều hoảng loạn. Họ đã trải qua những giây phút quá khủng khiếp khi xung quanh bom đạn vang lên liên hồi, bên cạnh họ thì toàn xác chết, người bị thương, thậm chí có những mảnh thi thể…”.
“Quân lệnh” ở bệnh viện
BS Benissa kể: “Đêm hôm ấy, các bệnh viện như Pompidou hoạt động như bệnh viện quân đội. Trưởng khoa cấp cứu như một vị sĩ quan, anh ấy là người nắm tình hình chung và ra “quân lệnh” để điều phối công việc. Tất cả mọi người răm rắp làm theo. Tôi tiếp nhận 5 nạn nhân, trong đó có 3 thiếu niên mới chừng 16, 17 tuổi. Một em bị vụ nổ làm cụt tay, 1 em bị thương nặng ở bàn chân, sau đó phải phẫu thuật tháo khớp, em còn lại bị phỏng. Những vết thương của thời chiến. Rất nhiều nạn nhân trúng đạn ở lưng. Họ bị xả súng từ phía sau khi cố bỏ chạy, còn sống vì đạn ghim về phía bên phải, không trúng tim”.
Benissa cho biết thêm Bệnh viện Quân đội Percy do ở khá xa khu trung tâm nên không tiếp nhận nạn nhân nhưng đã gửi khoảng một nửa lực lượng bác sĩ ngoại khoa đến hỗ trợ các bệnh viện “tiền tuyến”. Khác với đồng nghiệp “dân sự”, các phẫu thuật viên này rất có kinh nghiệm xử lý các vết thương do bom đạn. Plan blanc đã thật sự phát huy hiệu quả khi đã cứu chữa rất thành công các nạn nhân của vụ tấn công ngày 13.11 và giúp số thương vong tăng ít nhất có thể.
Ngày 21.11, Reuters dẫn lời một nam y tá không chịu nêu rõ tên mà chỉ xưng là David kể lại trải nghiệm khó quên của ông trong đêm đẫm máu 13.11 tại Paris.
Khi đó, David đang ngồi tại quán cà phê Comptoir Voltaire thì bỗng xảy ra vụ nổ lớn. Giữa cảnh hỗn loạn, hàng chục người hoảng sợ đua nhau tháo chạy, David phát hiện một người đàn ông có vẻ như bất tỉnh giữa ngổn ngang bàn ghế nên lao đến tìm cách hô hấp nhân tạo. Sau một lúc không thấy người này hồi tỉnh, ông cởi áo y ra và lạnh người nhận ra rằng mình đã lầm. “Trên người hắn có đủ loại dây, nào là trắng, đen, đỏ và cam. Dây đầu tiên tôi thấy là màu đỏ, hẳn là ngòi nổ. Tôi biết ngay hắn là kẻ đánh bom liều chết”, David kể với Reuters. Hóa ra người mà nam y tá cố gắng cứu chữa là Brahim Abdeslam, kẻ đã đánh bom tự sát tại Comptoir Voltaire. Tuy nhiên, những người ở quán cà phê này đã may mắn hơn 130 người khác trong cơn ác mộng 13.11 vì quả bom của Abdeslam không thể giết chết ai ngoại trừ chính hắn.
Cũng theo David, giới chức thông báo bom trên người Abdeslam còn chưa nổ hết công suất. “Nhớ lại cách tôi đặt hắn ta nằm xuống sàn, rồi hô hấp nhân tạo thật là đáng sợ. Với một quá trình cần phải mạnh tay như vậy thì lẽ ra tôi đã toi mạng rồi”, David rùng mình nhớ lại.
Danh Toại
Báo động khủng bố cao nhất ở Brussels
Ngày 21.11, Bỉ nâng cảnh báo khủng bố ở thủ đô Brussels từ bậc 3 lên mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 bậc ở nước này, viện dẫn nguy cơ cao xảy ra cuộc tấn công “nghiêm trọng”. CNN dẫn lời Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết động thái này dựa trên “thông tin rất chính xác về khả năng xảy ra một vụ tấn công tương tự ở Paris”. Chính quyền thủ đô cũng đã tạm ngưng hệ thống tàu điện ngầm, hủy các sự kiện văn hóa, thể thao lớn và kêu gọi người dân tránh tụ tập ở những nơi đông người như trung tâm mua sắm, nhà hát, sân bay và nhà ga, đồng thời tuân thủ mọi quy trình kiểm tra an ninh. Những tỉnh thành khác vẫn duy trì cảnh báo mức 3.
“Brussels đang như một thành phố ma. Tất cả các khu mua sắm, chợ búa đều đóng cửa. Các trận bóng và biểu diễn ca nhạc đều bị hủy. Họ thậm chí đóng cửa cả Atomium (công trình nổi tiếng, được xem là một trong những biểu tượng của Brussels và thu hút rất nhiều du khách - NV). Điều này rất bất thường vì trong 60 năm qua, Atomium chỉ mới đóng cửa có một lần”, anh Gorik Francois, người Bỉ làm việc tại Brussels, kể với Thanh Niên. “Tôi nghĩ chính quyền đang làm quá. Mới tối hôm trước, Brussels còn vô cùng nhộn nhịp. Hơn nữa, ở những nơi khác, chỉ cách thủ đô có 20 phút chạy xe thì mọi thứ vẫn bình thường. Mọi hành động quá tay chỉ gây thêm sợ hãi mà thôi. Ai cũng đang lo tới thứ hai mà còn như vầy thì không biết hàng triệu người sẽ đi làm như thế nào”, Francois nói.
Cũng trong ngày 21.11, giới chức Bỉ thông báo bắt thêm một nghi can dính líu vụ tấn công tại Pháp. Cùng ngày, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bắt Ahmet Dahmani, người Bỉ gốc Ma Rốc, với cáo buộc đã do thám các địa điểm làm mục tiêu trong vụ thảm sát vừa qua, theo AFP.
Phương An - Huỳnh Thiềm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.