Bí ẩn phút cuối của máy bay Air Asia

21/01/2015 08:39 GMT+7

(TNO) 'Tôi nghĩ rằng ngay cả máy bay chiến đấu cũng hiếm khi lao lên với tốc độ 6.000 feet/phút như vậy', Bộ trưởng Giao thông Indonesia nhận xét.

(TNO) “Tôi nghĩ rằng ngay cả máy bay chiến đấu cũng hiếm khi lao lên với tốc độ 6.000 feet/phút như vậy”, Bộ trưởng Giao thông Indonesia nhận xét về diễn biến cuối cùng trước lúc chiếc máy bay QZ8501 của hãng Air Asia mất tích, theo BBC.

Nguyên nhân chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 chở theo 162 hành khách bị nạn ngày 28.12.2014 vẫn còn là câu hỏi chưa lời đáp. Dữ liệu từ chiếc hộp đen đang được phân tích, và còn khá nhiều bí ẩn xung quanh thảm họa này.
Vụ máy bay Air Asia vẫn còn nhiều nghi vấn - Ảnh: AFP
Trong diễn biến mới nhất, BBC ngày 20.1 dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignasius Johan cho biết máy bay QZ8501 đã lao lên không trung với tốc độ cực nhanh trước khi mất tín hiệu dò tìm.
“Tôi nghĩ rằng ngay cả máy bay chiến đấu cũng hiếm khi lao lên với tốc độ 6.000 feet/phút (khoảng 1.828 m/phút) như vậy”, ông nói với NBC News.
Ông Johan cũng nói rằng tốc độ của một máy bay thương mại bình thường chỉ vào khoảng 1.000 đến 2.000 feet/phút, tương đương 304 đến 609 m/phút, vì “máy bay không được thiết kế để nâng tốc độ lên quá nhanh như vậy”, theo BBC.
Những thông tin điều tra trước đó cho biết máy bay số hiệu QZ8501 đã yêu cầu được thay đổi độ cao lên 38.000 feet thay vì 32.000 feet như quỹ đạo thông thường. Các thành viên trên chuyến bay lo sợ sẽ bị mây đen ảnh hưởng, song yêu cầu này bị bác bỏ, theo NBC News.
Chuyến bay QZ8501 là một chiếc Airbus A320-200 của hãng hàng không Air Asia (Malaysia). Chiếc máy bay chở 162 hành khách mất liên lạc vào ngày 28.12. Hiện các cuộc tìm kiếm đã phát hiện 53 thi thể hành khách và nhiều mảnh vỡ máy bay, theo AFP.
Chiếc hộp đen ghi lại thông tin chuyến bay được tìm thấy hồi tuần trước. Các cuộc điều tra từ Indonesia cho biết máy bay đã không bị nổ trước khi rớt xuống biển, đồng thời loại trừ khả năng có khủng bố đứng sau vụ này.
“Chúng tôi không nghe tiếng bất kỳ người nào khác, không có vụ nổ”, AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Nurcahyo Utomo nói với các phóng viên, giải thích lý do loại trừ trường hợp bị khủng bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.