Bi kịch của lực lượng đánh IS hiệu quả nhất

24/08/2016 17:18 GMT+7

Một quốc gia độc lập là điều người Kurd đã mong đợi mỏi mòn. Thế nhưng sau những “danh hiệu” như lực lượng chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiệu quả nhất, cái họ cần vẫn rất mịt mờ.

Hôm 22.8, Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) đã thực hiện cuộc tấn công lớn vào phía đông bắc thành phố Hasaka, khu cuối cùng do chính phủ Syria kiểm soát ở Hasaka, sau khi kêu gọi quân ủng hộ chính phủ đầu hàng, theo Reuters.

Một tuần căng thẳng của người Kurd

Vụ đụng độ này được xem là dữ dội nhất giữa YPG và quân chính phủ trong hơn 5 năm nội chiến diễn ra tại Syria. Việc mất quyền kiểm soát Hasaka cũng là đòn nặng nề giáng vào nỗ lực của chính phủ Syria để ngăn chặn sự mở rộng của các khu vực do người Kurd chiếm đóng. Hơn hết, nó một lần nữa đặt lại câu hỏi về tương lai của người Kurd, vốn đã tiếp tục bị “lãng quên” khi các bên đều lấy mục tiêu chống IS làm tâm điểm.

Cuộc tấn công vào Hasaka diễn ra chỉ vài ngày sau khi YPG đăng một thông báo trên Facebook, nói rằng quân đội chính phủ Syria đã bất ngờ tấn công ngẫu nhiên vào các địa điểm tại chính Hasaka, dù trước đây hiếm khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đánh vào YPG. Điều đó phần nào cho thấy, vấn đề giữa người Kurd nói chung và bộ phận người Kurd ở Syria nói riêng với chính quyền bắt đầu “nóng” trờ lại.

Hôm 20.8, một vụ nổ bom tại đám cưới ở thành phố Gaziantep, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm ít nhất 54 người thiệt mạng. Đây là khu vực tiếp giáp với Syria, và là địa điểm đa phần người Kurd sinh sống.

Tại Syria, lực lượng YPG được xem là trợ thủ đắc lực nhất của Mỹ trong việc tiêu diệt tổ chức IS Reuters

Vụ việc trên không chỉ gây thiệt hại cho người Kurd đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. BBC ngày 23.8 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bom các mục tiêu IS dọc biên giới với Syria, nhưng đồng thời cũng đánh bom vào khu vực của lực lượng người Kurd tại Syria gần đó. Khoảng 1.500 quân nổi dậy Syria do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đã tập trung tại Gaziantep, lên kế hoạch đẩy cả IS lẫn người Kurd ra khỏi thành phố Jarablus (bắc Syria).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng kẻ đứng sau vụ này gần như chắc chắn là IS. Ngoài ra, ông còn nói rằng “không có sự khác biệt nào” giữa 3 tổ chức đang đối địch với chính phủ của ông, bao gồm IS, đảng Công nhân người Kurd (PKK) và FETO, một mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành tháng trước.

YPG, trong khi đó cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá có mối quan hệ mật thiết với PKK, một tổ chức bị Ankara liệt vào hàng khủng bố.

Hy vọng xa vời

Nói cách khác, người Kurd ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều chịu chung một hoàn cảnh khó khăn, và ước nguyện được thống nhất của họ vẫn đang mù mờ y như tình trạng của Syria hiện tại.

Người Kurd là một dân tộc chưa độc lập, sống rải rác chủ yếu tại 4 nước khác nhau gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria. Dù có nhiều khuynh hướng hoạt động khác nhau, người Kurd ở từng nước vẫn mang nguyện vọng chung là ly khai và giành độc lập. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đảng PKK mâu thuẫn lớn với chính quyền và thường xuyên xảy ra giao tranh. Tại Syria, trong tình hình chiến trận rối ren, người Kurd vẫn “nổi bật” với YPG, vốn là cánh quân sự thuộc đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD).

Trong cuộc chiến chống lại IS ở Syria và Iraq, các tay súng người Kurd được cho là đội quân hoạt động hiệu quả nhất, theo nhận định của cả truyền thông Nga và Mỹ. Trong tháng 8, YPG cũng đóng vai trò lớn trong việc tái chiếm thành phố Manbij từ tay IS.

Tuy nhiên như đã nói, với tình hình phức tạp trong quan hệ giữa Mỹ, Nga với Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), việc Mỹ hỗ trợ YPG cũng chỉ dừng ở mức vừa phải. Có nghĩa là, Nhà Trắng cũng không thể đảm bảo một “phần thưởng” cho YPG và người Kurd nói chung trong việc thành lập một nhà nước độc lập.

Người Kurd cũng muốn được ly khai, như một phần trong kế hoạch tìm giải pháp hòa bình ở Syria Reuters

Ngày 17.3 năm nay, khu vực miền bắc Syria do người Kurd kiểm soát đã tuyên bố muốn thành lập một liên minh do họ cầm quyền. Đây chưa được coi là một nhà nước mới, song là một hệ thống chính quyền liên bang riêng biệt với Syria, có tên gọi là “hệ thống liên bang dân chủ Rojava - bắc Syria”.

Ý tưởng đó lập tức vấp phải sự phản đối từ các bên liên quan như chính quyền Syria của Tổng thống al-Assad, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC - đại diện cho các phe đối lập ở Syria). Nói cách khác, trong lúc vấn đề tìm giải pháp hòa bình cho Syria vẫn chưa được giải quyết, không ai muốn người Kurd ly khai vì cho đây là “hành động chia rẽ Syria”, theo cách nói của HNC.

Đội tuyển bóng đá người Kurd ở Thụy Điển

Bên cạnh chính trị và quân sự, người Kurd cũng thể hiện ước muốn ly khai thành lập nhà nước ở các hoạt động thể thao, và cả việc sử dụng ngôn ngữ của họ.

Ngày 16.8, trang tin Rudaw cho biết có một đội bóng của người Kurd tại giải vô địch hạng cao nhất của Thụy Điển: Allsvenskan. Đội bóng này có tên gọi Dal Kurd Football Club (trong giải Thụy Điển ghi là Dalkurd FF). Dal Kurd được thành lập từ nỗ lực của cậu bé 15 tuổi Ramezan Qizil từ năm 2004.

Năm nay ở tuổi 27, Qizil đã là huấn luyện viên của Dal Kurd, và lần đầu tiên trong lịch sử non trẻ của mình, đội bóng này đã tham dự giải đấu cao nhất của Thụy Điển, nơi có những đội bóng đã chơi ở giải Champions League (giải đấu cao nhất ở châu Âu dành cho câu lạc bộ) như Malmo hay Goteborg.

Dal Kurd lấy biểu tượng chính là lá cờ thường thấy của người Kurd với 3 màu sọc đỏ, trắng và xanh lá. Đội bóng đặc biệt này có trụ sở ở khu vực đô thị Borlange, hạt Dalarna, thuộc tỉnh Dalarna của Thụy Điển. Đây là khu vực có khoảng 100.000 cư dân người Kurd, bắt đầu đến Thụy Điển từ các đợt nhập cư. Dal Kurd hoạt động chủ yếu từ sự tài trợ của Liên đoàn bóng đá Thụy Điển cũng như một phần của khu đô thị Orebro.

Bản thân trang tin Rudaw cũng là sản phẩm truyền thông của người Kurd, thuộc mạng truyền thông Rudaw Media Network, có trụ sở tại Iraq. Đây là trang tin tiếng Anh, có thể xem là một nỗ lực để truyền bá văn hóa và đưa tin về người Kurd dễ dàng hơn cho bạn đọc quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.