Biến tướng trong bầu cử Mỹ

19/05/2016 10:23 GMT+7

Càng gần kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11, nước Mỹ càng phải chứng kiến tình trạng hung hăng và cực đoan hóa đáng lo ngại giữa các bên.

Vác ghế ném nhau, rò rỉ thông tin cá nhân, thậm chí dọa giết. Đó không phải là hành động của những người ủng hộ ứng viên gây tranh cãi Donald Trump mà đến từ phe ủng hộ thượng nghị sĩ Bernie Sanders, ứng viên nổi tiếng “lành tính” của đảng Dân chủ. Tờ The New York Times dẫn lời các chuyên gia cảnh báo vụ làm loạn tại hội nghị đảng Dân chủ ở bang Nevada vừa qua cho thấy tình trạng chia rẽ sâu sắc và cực đoan hóa đang lan rộng trong chính trường và xã hội Mỹ.
Hỗn loạn tại Nevada
Hôm 14.5, chi nhánh đảng Dân chủ tại bang Nevada mở hội nghị để lựa chọn và phân bổ đại biểu dự Đại hội đảng toàn quốc vào tháng 7 nhằm chọn gương mặt đại diện tranh cử tổng thống. Hiện cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có ưu thế khá lớn trước ông Sanders sau khi chiến thắng trong bầu cử sơ bộ ở nhiều bang. Bà đang có 2.291 suất cử đại biểu ủng hộ tham dự đại hội toàn quốc còn ông Sanders có 1.528 suất. Người nào giành được ít nhất 2.383 trên tổng số 4.764 phiếu của các đại biểu tại đại hội sẽ giành quyền tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 8.11.2016.
Đang thua sút khá xa nên phe ông Sanders đang nỗ lực giành giật từng suất đại biểu một. Vì lẽ đó, những người ủng hộ ứng viên này đã “nổi điên” khi Chủ tịch chi nhánh Dân chủ ở Nevada Roberta Lange thông báo 60 đại biểu phe ông Sanders bị tước tư cách dự đại hội vì không phù hợp một số quy định của đảng, theo CNN. Khung cảnh hội nghị lập tức trở nên cực kỳ hỗn loạn với những tiếng la hét, chửi bới. Nhiều người quá khích vác ghế ném loạn xạ. Cuối cùng, cảnh sát cho ngừng hội nghị và hộ tống Chủ tịch Lange khỏi khán phòng.
Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại. Ai đó đã tung thông tin cá nhân và số điện thoại của bà Lange lên mạng. Trong suốt mấy ngày qua, bà nhận hơn 1.000 cuộc gọi và tin nhắn đe dọa, chửi bới. Thậm chí một số điện thoại nặc danh nhắn: “Ta biết các cháu của bà học trường nào!”. “Thật đáng sợ. Mạng sống của tôi, của con cháu tôi đang bị đe dọa”, bà Lange than thở với The New York Times. Hôm qua, trên tường trụ sở đảng Dân chủ ở Nevada xuất hiện từ “cặn bã” viết nguệch ngoạc bằng sơn.
Trong khi đó, phe ủng hộ ông Sanders cáo buộc “đám ăn trên ngồi trốc trong đảng dùng mọi thủ đoạn để chặn đường” ứng viên này. Bản thân ông tuyên bố lên án mọi hành vi bạo lực và quá khích nhưng cũng chỉ trích ban lãnh đạo đảng tại Nevada “dùng quyền lực để ngăn cản quy trình diễn ra công bằng và minh bạch”, theo CNN. Hiện các chính khách cấp cao của đảng Dân chủ đang rất lo ngại kỳ đại hội toàn quốc vào tháng 7 có thể sẽ bị “lật nhào” trước tình hình hiện nay.
Một buổi vận động tranh cử của ông Bernie Sanders Reuters
Dọa “tắm máu”
Trong khi đó, “quá khích” và “hỗn loạn” là những từ thường xuyên xuất hiện để mô tả những gì xảy ra trên đường đua của đảng Cộng hòa thời gian qua. Dường như tất cả đều ít nhiều liên quan đến tỉ phú Donald Trump. Trong tháng 3 và 4 liên tục xảy ra ẩu đả lớn giữa người ủng hộ và phản đối ông tại các điểm vận động tranh cử. Dư luận Mỹ bàng hoàng khi lần đầu tiên chứng kiến những gương mặt đầy máu trong một kỳ tranh cử.
Cũng trong tháng 4, Chủ tịch chi nhánh đảng Cộng hòa ở bang Colorado Steve House bị tung số điện thoại và địa chỉ thư điện tử lên mạng. Hậu quả là ông bị “dội bom” những lời lẽ đe dọa sau khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ tại đây. Tờ Politico dẫn lời ông House cho hay có kẻ gọi điện yêu cầu ông tự sát. “Ta sẽ gọi lại trong vòng 2 phút nữa và nếu ông còn chưa chết, ta sẽ đến tận nơi kê súng giúp ông”, ông House hoảng sợ kể.
Một người đồng cấp của ông House không muốn nêu tên cũng cho biết bị dọa “tắm máu” nếu ông Trump không chiến thắng.
Hiện ông Trump gần như chắc chắn giành quyền đại diện đảng Cộng hòa tranh cử vì mọi đối thủ khác đã bỏ cuộc và chỉ còn đợi đến đại hội toàn quốc, cũng diễn ra vào tháng 7, để chính thức được đề cử. Tuy nhiên, về lý thuyết, ông Trump vẫn có thể thất bại nếu các đại biểu “trở cờ” hoặc bỏ phiếu trắng. Hiện, đảng Cộng hòa đang tất bật chuẩn bị cho công tác an ninh tại đại hội sắp tới để đề phòng mọi nguy cơ.
Các chuyên gia nhận định kinh tế khó khăn, sự chia rẽ trong chính trường và nỗi ám ảnh khủng bố đang khiến cử tri Mỹ ngày càng có xu hướng cực đoan hóa. Những tuyên bố, hành động của các ứng viên tổng thống càng khiến tình hình này thêm trầm trọng. Vì những lý do này, cuộc bầu cử vào tháng 11 được dự đoán sẽ so kè rất quyết liệt nhưng hố sâu chia rẽ trong lòng nước Mỹ lại càng giãn rộng.
Ông Trump có 10 tỉ USD
Hôm 18.5, Reuters đưa tin ứng viên Donald Trump đã nộp bản kê khai tài chính cá nhân mới với Ủy ban Bầu cử Liên bang, cho thấy tài sản ròng của ông trị giá hơn 10 tỉ USD. Số tài sản này biến ông trở thành người giàu có nhất trong số tất cả ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng kỳ này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ nhà tỉ phú thổi phồng tài sản. Theo họ, chỉ có công khai hồ sơ thuế mới cung cấp gia sản thực có của ông Trump. Đến nay, ông vẫn từ chối công bố hồ sơ thuế, điều không bắt buộc nhưng các ứng viên tổng thống vẫn thường làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.