Bóng ma vũ khí hạt nhân ở Đông Á

15/05/2016 08:00 GMT+7

Mỹ từng nhiều lần ra sức ngăn cản ý định sở hữu vũ khí hạt nhân của các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 12.5, cựu Ngoại trưởng James Baker cảnh báo rằng những ý tưởng chính sách ngoại giao của ứng viên tổng thống Donald Trump sẽ khiến thế giới lâm vào tình trạng bất ổn hơn, theo Reuters.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố nếu làm tổng thống, ông sẽ giảm quy mô cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để bớt gánh nặng tài chính và vì “không thể đi lo cho người khác mãi được”. Bù lại, ông sẽ mở đường cho 2 nước này sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Phát biểu của ông Trump gây ngỡ ngàng cho giới chức quân sự và các nhà hoạch định chính sách an ninh ở Mỹ và các quốc gia đồng minh. Nhà Trắng, Seoul lẫn Tokyo đồng loạt lên tiếng chỉ trích dữ dội và khẳng định có thêm bất kỳ quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đẩy khu vực chìm sâu hơn vào vòng xoáy căng thẳng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên quyết tâm theo đuổi vũ khí hạt nhân trong khi Trung Quốc, một quốc gia sở hữu vũ khí hủy diệt, ngày càng có nhiều hành động gây quan ngại, giới chuyên gia cảnh báo viễn cảnh xuất hiện thêm “tay chơi hạt nhân” ở Đông Á không phải là chuyện không tưởng.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Henry Sokolski tại Trung tâm giáo dục chính sách phi hạt nhân hóa (Mỹ) hồi tuần trước dự đoán Nhật Bản và Hàn Quốc “có thể sớm phát triển vũ khí hạt nhân”. Tương tự, chuyên gia Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) cho rằng Nhật và Hàn Quốc là những ứng viên có khả năng nhất ở Đông Á tự phát triển vũ khí hạt nhân. Theo ông, 2 nước này có chương trình hạt nhân dân sự rất phát triển đồng thời sở hữu nhiều công nghệ lưỡng dụng có thể quân sự hóa để chế tạo vũ khí.
Trong quá khứ và cả hiện tại, ý tưởng về vũ khí hạt nhân vẫn tiềm tàng trong một bộ phận dư luận tại Nhật và Hàn Quốc.
Đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Công viên hoà bình tại Hiroshima, Nhật Bản Reuters

5.000 quả bom
Đến nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới phải hứng chịu hậu quả thảm khốc của bom nguyên tử. Suốt mấy chục năm qua, các đời chính quyền và công chúng Nhật luôn khẳng định không chấp nhận vũ khí hạt nhân hiện diện trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định điều này vẫn có khả năng xảy ra.
Trước và trong Thế chiến 2, đế quốc Nhật đã nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong phòng thí nghiệm nhưng nỗ lực này đã chấm dứt cùng sự kết thúc của chiến tranh. Đến thập niên 1960, chính quyền của Thủ tướng Eisaku Sato bắt đầu bí mật tìm cách khôi phục lại chương trình vũ khí hủy diệt trong bối cảnh cả Trung Quốc và Liên Xô đều đẩy mạnh phát triển hạt nhân, theo chuyên trang Global Security.
Tháng 12.1964, hơn 2 tháng sau khi Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nguyên tử, Thủ tướng Sato tuyên bố với Đại sứ Mỹ Edwin Reischauer rằng Nhật có thể phát triển vũ khí hạt nhân. Dĩ nhiên Mỹ không thể ngồi yên vì nếu Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ làm thay đổi cân bằng chiến lược trong khu vực, Trung Quốc, Liên Xô lẫn CHDCND Triều Tiên chắc chắn sẽ có hành động và Chiến tranh lạnh sẽ có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh thật sự. Washington một mặt gây sức ép mạnh, mặt khác cam kết sẽ bảo vệ an ninh toàn diện cho Tokyo. Thế là Thủ tướng Sato phải nhượng bộ.
Năm 1967, ông lần đầu tiên trình bày trước thế giới Nguyên tắc 3 không của Nhật: không sở hữu, không chế tạo và không cho phép đưa vũ khí hạt nhân đến Nhật, đồng thời nước này chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân. Tuy nhiên, tháng 2.1968, Thủ tướng Sato vẫn nói rõ Nhật sẽ tuân thủ Nguyên tắc 3 không trong điều kiện an ninh quốc gia được bảo đảm. Nếu cam kết an ninh của Mỹ bị hủy bỏ hoặc không còn đáng tin cậy thì Nhật “không còn lựa chọn nào khác là phải theo đuổi vũ khí hạt nhân”.
Tinh thần này vẫn được duy trì cho đến ngày nay và nhận được sự ủng hộ của các quan chức, học giả doanh nhân và các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc. Năm 2002, Chánh văn phòng nội các Yasuo Fukuda, người sau này trở thành thủ tướng giai đoạn 2007 - 2008 từng nói “tình hình thế giới, hoàn cảnh và ý kiến của dư luận có thể đòi hỏi Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân”. Hồi tháng 4.2016, theo tờ Asahi Shimbun, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe vừa bác bỏ các tuyên bố của tỉ phú Donald Trump, vừa nhắc lại rằng Hiến pháp Nhật Bản không cấm sở hữu hay sử dụng vũ khí hạt nhân với số lượng hạn chế và mang tính vũ khí chiến thuật chứ không phải chiến lược.
Hiện nay, các chuyên gia quân sự và hạt nhân xếp Nhật vào dạng “quốc gia vũ khí hạt nhân dự khuyết” tức là nếu muốn, nước này có thể chế tạo vũ khí bất cứ lúc nào. Nhật sở hữu đầy đủ công nghệ tiên tiến về tên lửa và hiện có 44 tấn plutonium được cất giữ trong và ngoài nước, đủ để chế tạo 5.000 quả bom hạt nhân trong vòng một năm, theo tờ The Washington Times. Dù không công khai nhưng theo giới chuyên gia, chính sách của Tokyo hiện nay là duy trì tình trạng dự khuyết này để vừa có thể bảo đảm quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, vừa có đủ “đồ chơi” sẵn sàng làm đối trọng xứng tầm với Nga và Trung Quốc.
Khả năng của Hàn Quốc
Tương tự, Hàn Quốc cũng được xem là thành viên dự khuyết trong “câu lạc bộ vũ khí hạt nhân”. Chuyên gia Mark Fitzpatrick gọi nước này là “thế lực hạt nhân tiềm tàng” và đủ khả năng phát triển vũ khí trong vòng 2 năm.
Theo Viện Nghiên cứu an ninh và bền vững Nautilus (Mỹ), từ năm 1974 Tổng thống Park Chung-hee đã bật đèn xanh cho chương trình phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân từ năm 1974. Tuy nhiên, đến tháng 12.1976, ông Park ngưng chương trình này do sức ép của Mỹ và nhờ Washington có nhiều động thái chứng tỏ cam kết bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc trước những hành động “gây hấn” của Triều Tiên trong năm 1975 và 1976.
Dù vậy, trong bối cảnh căng thẳng liên tục dâng cao sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của miền Bắc, tại Hàn Quốc hiện nay đã xuất hiện luồng dư luận đòi hỏi phải sở hữu năng lực vũ khí hạt nhân. Tờ The Washington Times dẫn lời nghị sĩ Won Yoo-chul thuộc đảng cầm quyền Saenuri và là thủ lĩnh phe đa số trong quốc hội yêu cầu chính phủ phát triển “chương trình vũ khí hạt nhân mang tính hòa bình” để làm hàng rào quân sự ứng phó các nguy cơ. Theo ông, Hàn Quốc không thể mãi dựa vào Mỹ về an ninh và “không thể mỗi khi trời mưa lại phải chạy đi mượn dù mà chúng ta phải tự mặc áo mưa”.
Tổng thống Park Geun-hye đến nay vẫn khẳng định chính quyền Seoul “duy trì chính sách không suy suyển về ủng hộ phi hạt nhân hóa”. Tuy nhiên, tờ Chosun Ilbo, một trong ba nhật báo lớn nhất Hàn Quốc, đăng bài xã luận cho rằng nước này không thể ngồi yên nữa trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tỏ ra “không thể kiềm chế Triều Tiên”. Sự phản ứng bị cho là yếu ớt và không kịp thời của Mỹ tại Trung Đông và châu Âu cộng thêm các hành động gây quan ngại của Trung Quốc và Triều Tiên ở châu Á - Thái Bình Dương càng khiến nhiều người Hàn Quốc ủng hộ vũ khí hạt nhân. “Dựa trên những gì đã xảy ra ở Syria và Ukraine thì có thể thấy Washington chỉ phản ứng sau khi Seoul đã bị san thành bình địa”, Chosun Ilbo viết.
Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc có đủ khả năng để nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân nếu muốn. Theo tờ SF Gate, vào năm 2000, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân Hàn Quốc đã làm giàu uranium tới 77%, xấp xỉ ngưỡng cấp độ vũ khí và đến 4 năm sau, cuộc thí nghiệm này mới được báo cáo cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuy tỷ lệ 77% không phải là quá cao nhưng kết quả này chứng tỏ Seoul đủ sức chế tạo nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân.
Mặt khác, Hàn Quốc tuy không sở hữu tên lửa liên lục địa nhưng có trong tay dòng tên lửa đạn đạo Hyunmoo tầm bắn từ 180 - 1.500 km. Trong đó, tên lửa Hyunmoo-3 có thiết kế và phương thức hoạt động rất giống hỏa tiễn Tomahawk của Mỹ, vốn có thể gắn được đầu đạn hạt nhân. Về lý thuyết, Hàn Quốc có thể thay thế đầu đạn thông thường nặng 500 kg của Hyunmoo-3 bằng một đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn.
Cơ hội cho Trung Quốc?
Tờ The Washington Times dẫn lời chuyên gia Kelsey Davenport thuộc Tổ chức Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA - Mỹ) cảnh báo nếu Nhật, Hàn hoặc cả hai phát triển vũ khí hạt nhân thì sẽ “lật nhào” bàn cờ chiến lược - an ninh khu vực. “CHDCND Triều Tiên sẽ có cớ đẩy mạnh hơn nữa chương trình hạt nhân của mình”, ông nói, “bên cạnh đó, với những khúc mắc hiện nay thì chắc chắn Seoul và Tokyo sẽ lôi nhau vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân song phương cũng như cạnh tranh với Trung Quốc”.
Trong khi đó, Giám đốc chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm CNAS (Mỹ) Patrick Cronin cho rằng việc Nhật và Hàn Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ bị coi là bằng chứng cho thấy hệ thống đồng minh của Mỹ bị rạn vỡ và Washington sẽ đánh mất lòng tin của các bạn bè, đối tác khác. Đây sẽ là cơ hội cho Trung Quốc nhảy vào phân hóa, lôi kéo đồng minh của Mỹ ở châu Á, phục vụ chiến lược kiểm soát khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.