Châu Âu đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi liên tục nhận được những lời cảnh báo đánh bom.
Cảnh sát Đức sơ tán cổ động viên ở sân HDI - Ảnh: AFP |
Các diễn biến mới nhất tại Đức là dấu hiệu cho thấy một bầu không khí khẩn trương và nghiêm trọng đang bao phủ châu Âu sau “sự kiện 11.9” tại Paris.
Dọa bom khắp nơi
Trong lúc nỗi ám ảnh tấn công khủng bố ở Paris vẫn còn quá mới mẻ, trận đấu giao hữu Đức - Hà Lan tại sân vận động HDI ở Hannover vào tối 17.11 (giờ địa phương) đã bị hủy bỏ vào phút chót, theo Bộ trưởng Nội vụ Thomas De Maiziere. Toàn bộ sân vận động 49.000 chỗ ngồi được sơ tán sau khi cảnh sát “nhận được thông tin cấp báo nghiêm túc cho thấy có người âm mưu cho nổ tung một thiết bị bom tự tạo trên khán đài”, theo Đài German TV dẫn lời Cảnh sát trưởng Volker Kluwe.
Một tờ báo địa phương đồng thời đưa tin có một xe cứu thương “chứa đầy chất nổ” được tìm thấy bên ngoài sân vận động Hannover, nhưng giới hữu trách không lên tiếng xác nhận thông tin này.
Giới hữu trách cho hay Thủ tướng Đức Angela Merkel và các bộ trưởng đã lên kế hoạch dự khán, thậm chí có tin đoàn ô tô chở bà Merkel đã có mặt tại sân vận động vào thời điểm lệnh di tản được đưa ra. Cảnh sát Hannover cũng sơ tán sân vận động TUI, nơi chuẩn bị diễn ra một sự kiện âm nhạc, trong khi một đoạn của nhà ga trung tâm thành phố bị phong tỏa sau khi cảnh sát phát hiện một vật khả nghi. Trước tình hình đó, bà Merkel hôm qua đã triệu tập phiên họp đặc biệt của nội các để bàn về vấn đề an ninh.
Cùng ngày, Hãng hàng không Air France thông báo 2 chuyến bay chỉ cách nhau vài giờ xuất phát từ Mỹ đến Paris buộc phải đáp khẩn cấp sau khi nhận được những đe dọa nặc danh báo có bom trên máy bay.
Theo Reuters, máy bay Airbus A-380 khởi hành từ Los Angeles đã nhanh chóng chuyển hướng đáp xuống phi trường ở TP.Salt Lake, bang Utah. Tờ Salt Lake Tribune dẫn lời một quan chức tại phi trường cho hay chuyến bay số hiệu 65 chở theo 497 hành khách và phi hành đoàn.
FBI tuyên bố không có chứng cứ trên máy bay cho thấy lời đe dọa là sự thật. Trong khi đó, một chuyến bay khác của Air France mang số hiệu 55 cất cánh từ phi trường quốc tế Dulles ở ngoại ô thủ đô Washington D.C buộc phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế Halifax ở Nova Scotia (Canada). 262 người trên máy bay Boeing 777 được sơ tán để giới chức kiểm tra trước khi máy bay cất cánh trở lại. Giới chức an ninh hàng không dân dụng đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm vụ tấn công liên hoàn tại Paris, khiến 129 người thiệt mạng. Nga mới đây cũng thừa nhận chuyến bay chở theo 224 người rơi ở Ai Cập vào ngày 31.10 đã bị cài bom trong một vụ tấn công khủng bố.
Nga, Pháp hợp lực
Trong lúc giới điều tra tại Pháp và Bỉ tiếp tục cuộc săn lùng các nghi can trong vụ tấn công Paris, Pháp tiếp tục dội bom ngày thứ ba liên tiếp xuống Raqqa, tiêu diệt hàng chục mục tiêu của quân khủng bố. Về phần mình, không quân Nga đã triển khai một trong những sứ mệnh ném bom hạng nặng tầm xa phức tạp nhất và quy mô nhất trong lịch sử hiện đại, điều động không dưới 25 oanh tạc cơ Tu-22M Backfire, Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack.
Dưới sự tháp tùng của các chiến đấu cơ Su-27, Su-34, các oanh tạc cơ Nga xuất kích trong đêm tối từ một căn cứ ở Ossetia thuộc miền nam nước này, đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ trong chiến dịch không kích của Moscow nhằm vào các thành trì của IS trên lãnh thổ Syria.
Kết thúc chiến dịch, Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, ngày 17.11 cho hay 14 mục tiêu quan trọng của IS ở các tỉnh Idlib và Aleppo đã bị nghiền nát dưới hỏa lực của 34 tên lửa hành trình không đối đất.
Sau khi lần lượt trở thành nạn nhân của khủng bố, Nga - Pháp vào ngày 18.11 đã bắt tay thành lập liên minh bất đắc dĩ chống IS tại Syria. “Cần phải thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp với người Pháp và hợp tác hành động như những đồng minh”, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP đưa tin Tổng thống Pháp François Hollande đã lên kế hoạch thăm Nga và hội đàm với người đồng cấp Putin vào ngày 26.11, 2 ngày sau khi hội kiến Tổng thống Barack Obama tại Washington.
Thông điệp dằn mặt của Nga
Theo đánh giá của báo chí Mỹ, việc xuất kích một lượt 25 oanh tạc cơ trong một sứ mệnh là điều vô cùng ấn tượng. Nga hiện sở hữu 70 chiếc Tu-22M, 58 chiếc Tu-95 và 13 Tu-160.
Trong đợt ném bom đêm 17.11, Nga đã điều động 14 chiếc Tu-22M, 6 chiếc Tu-95, và 5 máy bay Tu-160. Để dễ so sánh, không quân Mỹ trong một ngày có thể triển khai 57 trong số 77 chiếc B-52, 35 trong số 60 chiếc B-1 và 9 trong số 20 oanh tạc cơ tàng hình B-2. Tuy nhiên, khi hành động, các oanh tạc cơ của Mỹ xuất kích đơn lẻ hoặc theo cặp, họa hoằn lắm mới bay thành chùm.
Đơn cử trong chiến dịch Bão táp sa mạc vào năm 1991, Mỹ điều 7 chiếc B-52 cùng phóng tên lửa hành trình vào Iraq; đến tháng 3.2003 lặp lại với phi đội gồm 8 chiếc khi cần dọn sạch hành lang trong chiến dịch giải phóng Iraq. Theo đánh giá của trang The Daily Beast, việc điều động một lần 25 máy bay ném bom hạng nặng tầm xa không chỉ dừng lại ở một cuộc không kích bình thường, mà nó chính là thông điệp Nga muốn gửi cho cả thế giới.
|
Bình luận (0)