Chạy đua vũ trang châu Á tăng nhiệt

23/02/2016 07:00 GMT+7

Tham vọng bành trướng lãnh thổ cũng như việc tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tham vọng bành trướng lãnh thổ cũng như việc tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc -  Ảnh: AFPTên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Đó là một phần nội dung báo cáo hằng năm về tình hình mua bán vũ khí trên thế giới được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 22.2, theo tờ The Wall Street Journal. Báo cáo của SIPRI cho thấy trong số 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, có đến 6 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 14% tổng số lượng giao dịch, gấp đôi nước đứng thứ 2 là Ả Rập Xê Út và gấp 3 lần Trung Quốc, nước đứng thứ 3.
Suy thoái vẫn mua vũ khí
Dù năng lực chi tiêu của một quốc gia thường gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế song nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương không hề giảm ngân sách quốc phòng dù nền kinh tế gặp khó khăn. “Hoạt động kinh tế ì ạch không mấy tác động đến chi tiêu quân sự của khu vực trong năm 2015”, theo một báo cáo khác của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại thủ đô London (Anh).
Báo cáo này cho biết thêm hồi năm ngoái, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia là những nước có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng. Theo IISS, chi tiêu quân sự tại châu Á đã tăng lên 1,48% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2010. Trung Quốc dẫn đầu khu vực khi chiếm 41% chi tiêu quân sự trong vùng, tiếp đến là Ấn Độ (13,5%) và Nhật Bản (11,5%). Báo cáo của tổ chức nghiên cứu an ninh IHS Jane’s cũng dự báo chi tiêu quân sự hằng năm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng lên 533 tỉ USD vào năm 2020 so với 435 tỉ USD hồi năm ngoái.
Mỹ, Nga dẫn đầu thị trường xuất khẩu
Mỹ và Nga vẫn là hai nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí, theo AFP dẫn báo cáo của SIPRI. Chiếm 33% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015, Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1, còn Nga đứng thứ 2 với tỷ lệ 25%. Ba nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu khác là Trung Quốc (5,9%), Pháp (5,6%) và Đức (4,7%). Theo SIPRI, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác mua vũ khí chính của Nga trong 5 năm qua.
Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trong danh sách nhập khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011 - 2015, chiếm gần 3% tổng khối lượng mua vũ khí toàn cầu. Tờ The Wall Street Journal nhận định căng thẳng ở Biển Đông đã khiến Việt Nam trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí “năng nổ” nhất thế giới, khi mua sắm vũ khí nhiều còn hơn các quốc gia giàu có trong vùng như Singapore, Hàn Quốc.
Có lẽ chính vì vậy mà hồi tuần trước, các nhà sản xuất vũ khí phương Tây đã ồ ạt đưa khí tài quân sự đến trưng bày tại cuộc triển lãm hàng không Singapore nhằm thu hút sự chú ý của các nước trong vùng. Joakim Mevius, người đứng đầu tập đoàn sản xuất vũ khí Thụy Điển Saab AB, cũng thừa nhận rằng châu Á - Thái Bình Dương hiện là thị trường rất thu hút các nhà xuất khẩu vũ khí, theo tờ The Wall Street Journal.
Tác nhân Trung Quốc
Các chuyên gia SIPRI nhận định việc Trung Quốc chi mạnh tay cho quân sự, xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông trong nỗ lực bành trướng lãnh thổ là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á - Thái Bình Dương. Mới đây Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và thậm chí bị cho là đang xây nhà chứa máy bay và kho vũ khí phi pháp ở Hoàng Sa. “Đối với nhiều nước trong khu vực, như Việt Nam và Philippines, động thái trên cho thấy Trung Quốc muốn khẳng định họ sở hữu Biển Đông”, chuyên gia Siemon Wezeman tại SIPRI cho biết.
Có thể thấy tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh không chỉ tác động đến việc tăng cường chi tiêu cho quốc phòng ở các nước trong khu vực. Báo cáo của SIPRI cho hay Mỹ cũng đang chi bạo cho các thiết bị quốc phòng công nghệ cao để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 582,7 tỉ USD của tài khóa 2017 được Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ trong tháng này có 6,7 tỉ USD dành cho việc củng cố hệ thống phòng thủ mạng trước các đợt tấn công mạng ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Ngoài ra, cũng không có dấu hiệu cho thấy xu hướng chi “bạo” cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ hạ nhiệt. Nhà phân tích Craig Caffrey của IHS Jane’s cho hay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 225 tỉ USD trong năm 2020 so với mức 191 tỉ USD của năm 2015, vốn cũng đã tăng 43% kể từ năm 2010.
Các chuyên gia SIPRI thừa nhận việc tăng chi tiêu quân sự ở mức kỷ lục trong thời gian dài đã giúp Trung Quốc từ một nước nhập khẩu vũ khí trở thành nước xuất khẩu, nhờ nỗ lực không ngừng để cải thiện chất lượng vũ khí nội địa. Trung Quốc, trước đây từng bán vũ khí chất lượng thấp, nay đã bán được máy bay không người lái sang Nigeria và Iraq, theo tờ The Wall Street Journal. Bắc Kinh cũng đang tiếp thị ra thế giới chiến đấu cơ JF-17 hợp tác sản xuất với Pakistan.
Theo SIPRI, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới trong giai đoạn 2011 - 2015 khi chiếm 5,9% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu, chỉ sau Mỹ (33%) và Nga (25%). Cũng trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 88%. Đó là nhờ các nước tại châu Á tăng cường mua sắm vũ khí từ Trung Quốc, như Pakistan chiếm 35% doanh số vũ khí của Bắc Kinh, tiếp đến là Bangladesh (20%) và Myanmar (16%), theo Bloomberg.
Chuyên gia Wezeman thuộc SIPRI chia sẻ thêm Trung Quốc cũng có thể sớm rời khỏi danh sách 3 quốc gia nhập vũ khí hàng đầu thế giới khi ngày càng có thể “tự cung tự cấp” hơn, mặc dù nước này hiện vẫn cần nhập khẩu một số thiết bị phức tạp như động cơ cho máy bay chiến đấu. SIPRI ước tính động cơ chiếm tới 30% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.