Chiến dịch nghe lén dưới lòng biển Liên Xô

16/04/2017 16:29 GMT+7

Chiến dịch nghe lén tuyệt mật của Mỹ dưới lòng biển Liên Xô vào thập niên 1970 được cho là đã góp phần kết thúc Chiến tranh lạnh.

Năm 1972, Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev cùng Tổng thống Mỹ Richard Nixon đặt bút ký Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (SALT 1), với nội dung hạn chế số lượng tên lửa hạt nhân của hai siêu cường.
Nhưng ngay thời điểm thỏa thuận mang tính hòa dịu này được công bố rộng rãi, một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ vẫn bí mật hiện diện dưới lòng biển Okhotsk của Liên Xô ở Thái Bình Dương, thu thập hàng loạt thông tin quan trọng mà Điện Kremlin không hề hay biết.
Theo chuyên san National Interest, trong chiến dịch do thám liều lĩnh mang tên Ivy Bells, tàu ngầm hạt nhân Halibut đặt thiết bị nghe lén quanh hệ thống cáp ngầm liên lạc dưới nước của Liên Xô nối căn cứ tàu ngầm ở Petropavlovsk (gần bán đảo Kamchatka) với trụ sở Hạm đội Thái Bình Dương ở Vladivostok từ năm 1971, và chiến dịch này kéo dài cả thập niên mà không bị phát hiện.
Mò kim đáy bể
Trong sách Blind Man’s Bluff (tạm dịch: Chiêu của người mù) xuất bản năm 1998, thợ lặn Sherry Sontag từng tham gia chiến dịch Ivy Bells cho biết đại tá James Bradley, cựu binh Mỹ trong Thế chiến 2 và từng tham gia Chiến tranh VN, là người đầu tiên cân nhắc về khả năng tiến hành chiến dịch nghe lén dưới nước.
Vào năm 1966, Bradley trở thành Giám đốc phụ trách chiến tranh dưới nước thuộc Văn phòng Tình báo hải quân, nơi ông đưa ra ý tưởng làm thay đổi cục diện Chiến tranh lạnh theo hướng có lợi cho Mỹ. Ông tin rằng có một đường cáp liên lạc ngầm không được mã hóa dưới biển Okhotsk, nối căn cứ tàu ngầm Petropavlovsk với lục địa Liên Xô. Theo suy đoán của Bradley, các nhà mật mã học của Liên Xô vốn nổi tiếng chậm trễ, còn giới quân sự thì cần duy trì liên lạc cấp tốc giữa Điện Kremlin với căn cứ hải quân quan trọng nói trên. Do vậy, giải pháp mà Liên Xô đưa ra là đặt một đường dây cáp liên lạc không được bảo vệ bằng mật mã nhưng nằm sâu dưới nước và gần bờ để không ai có thể tiếp cận.
Chiến dịch nghe lén dưới lòng biển Liên Xô1
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái) và Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev bắt tay sau khi ký Hiệp ước SALT 2 ngày 18.6.1979 AFP
Tuy nhiên, biển Okhotsk thì mênh mông (diện tích 1,58 triệu km2) nên tìm ra vị trí Liên Xô đặt dây cáp như mò kim đáy bể. Theo nhiều giai thoại, Bradley có được ý tưởng dò tìm hệ thống cáp liên lạc của Liên Xô vào một buổi sáng ở Lầu Năm Góc khi nhớ lại thời thơ ấu bên dòng sông Mississippi với những bảng chỉ dẫn gần bờ cảnh báo thuyền bè không được neo đậu vì có cáp dưới đáy sông. Ông nhận ra rằng nếu có những chỉ dấu như vậy ở Mỹ thì ở Liên Xô cũng sẽ có.
Suy nghĩ của Bradley hoàn toàn chính xác, khi tàu ngầm Mỹ âm thầm tiến vào biển Okhotsk, rà soát vùng bờ biển Siberia thì tìm thấy những biển cảnh báo yêu cầu ngư dân tránh xa một số khu vực cụ thể. Chỉ vài ngày sau, hải quân Mỹ đã tìm được điều họ mò mẫm bấy lâu là cáp ngầm liên lạc của Liên Xô trong vùng biển rộng lớn. Kế đến họ dùng tàu ngầm Halibut đưa thợ lặn xuống và bí mật hoạt động trong thời gian dài nhờ công nghệ thở dưới nước sử dụng khí heli thay thế nitơ. Sau khi bài toán tìm kiếm và vấn đề con người đã được giải quyết, khó khăn cuối cùng chính là công nghệ nghe lén.
Sứ mệnh tuyệt mật
Chiếc tàu ngầm đặc biệt
Halibut là một trong những tàu ngầm có hình thù khác thường nhất thời Chiến tranh lạnh. Nó được đặt theo tên cá bơn, loại cá thân dẹt chuyên săn mồi dưới đáy biển. Tương tự cá bơn, Halibut dành nhiều thời gian hoạt động dưới đáy đại dương. Trước khi tham gia Ivy Bells, tàu ngầm đã ghi công trong một chiến dịch quy mô khác.
Năm 1968, Halibut được triển khai tới Thái Bình Dương để tìm kiếm chiếc tàu ngầm K-129 của Liên Xô mất tích sau một vụ nổ. Phía Liên Xô đã lùng sục đáy biển nhiều tháng ròng nhưng không thu được kết quả và Mỹ đã chớp lấy cơ hội này. Halibut chở theo một tàu ngầm nhỏ chứa 2 máy chụp ảnh dưới nước nặng 2 tấn mang tên Fish (con cá). Chiếc tàu ngầm nhỏ mang “con cá” được thả xuống lơ lửng gần sát đáy biển, nhưng vẫn nối với Halibut. Cuối cùng Fish đã tìm được nơi tàu K-129 chìm, mở đường cho cuộc trục vớt vào năm 1974. Đó cũng là một trong những lần đầu tiên thiết bị công nghệ quân sự chứng tỏ được khả năng chụp ảnh dưới đáy đại dương đen thẫm.
Để tránh đánh động phía Liên Xô, các thợ lặn hải quân Mỹ không thể cắt mở các sợi cáp để gài thiết bị theo dõi. Thay vào đó, việc nghe lén phải được thực hiện bằng công nghệ cảm ứng, thông qua thiết bị quấn quanh cáp, sau đó nối vào một máy ghi kiểu cổ điển dài gần 1 m. Chuyện thu tín hiệu từ cáp không khó, thách thức là làm sao tách các kênh liên lạc để hiểu được chúng. Trong cùng một sợi cáp có thể có hàng chục đường truyền khác nhau, với các giọng nói bằng tiếng Nga lộn xộn. Thợ lặn Craig Reed mô tả trong cuốn Red November (Tháng 11 đỏ) rằng những âm thanh đó không khác gì một đống “hỗn độn” và không tài nào thu thập được thông tin tình báo. Chính vì vậy, sứ mệnh đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân Halibut đã thất bại.
Các kỹ thuật viên thông tin liên lạc sau đó đã cải tiến thiết bị cho phép phân tách các tín hiệu và nhận dạng giọng nói cụ thể. Vì nhiều phần của chiến dịch Ivy Bells chưa được giải mật, nên cách thức người Mỹ làm được điều này vẫn còn là bí ẩn. “Họ vừa tìm tòi vừa sáng tạo. Chưa từng có ai nghe lén cáp dưới nước cả. Đây là một thứ hoàn toàn mới”, tác giả Sherry Sontag viết.
Kết quả là những bí mật từ chiến thuật hoạt động của quân đội Liên Xô cho đến các cuộc trò chuyện của chỉ huy với người tình đều bị Mỹ nắm được.
Dĩ nhiên đây vẫn là một sứ mệnh vô cùng liều lĩnh. Theo trang Popular Mechanics, đã có lúc Halibut đứng trước nguy cơ bị Liên Xô phát hiện. Có lần bão ập tới ngay giữa lúc thợ lặn đang vật lộn với dòng nước lạnh giá đầy bùn bên ngoài tàu ngầm. Nếu tàu nổi lên thì sẽ đối diện nguy cơ bị phát hiện. Ông Sontag viết: “Nếu bị bắt, họ có đủ mọi lý do để tin rằng phía Liên Xô sẽ khiến họ tan xác”. Tuy nhiên thời điểm đó, chỉ huy tàu ngầm John McNish đã đưa ra một quyết định phi thường là thay vì nổi lên, ông cho tàu chìm xuống sát đáy biển và thợ lặn nhanh chóng vào buồng giảm áp trên tàu. Nhiều ngày sau đó, Halibut từ dưới đáy biển sâu quay về căn cứ với những đoạn băng nghe lén về nhiều bí mật quân sự của Liên Xô.
“Giúp kết thúc Chiến tranh Lạnh”
Theo hồ sơ được giải mật một phần, Mỹ nghe lén đường cáp ngầm dưới đáy biển Okhotsk trong suốt một thập niên. Halibut và các tàu ngầm khác mạo hiểm vào vùng biển này 2 lần mỗi năm, liên tục thay thế thiết bị nghe lén mới và tiên tiến hơn. Những kết quả thu được cung cấp cho Mỹ nhiều thông tin vô giá. “Chúng tôi không biết Liên Xô đang lo ngại về Mỹ đến mức nào cho đến khi có được những đoạn băng nghe lén. Tôi nghĩ những thông tin này đã giúp chấm dứt Chiến tranh lạnh”, tác giả Sontag nhận định.
Tương tự, một thợ lặn về hưu khác là ông David LeJeune tin rằng những thông tin mà ông cùng các đồng nghiệp thu thập được trong chiến dịch Ivy Bells đã góp phần dẫn tới thành công trong các cuộc đàm phán SALT 2, hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân cuối cùng được ký vào năm 1979.
Tuy nhiên, đến năm 1980, một cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tên Ronald Pelton đã bán thông tin về Ivy Bells cho phía Liên Xô với giá 35.000 USD, khiến chiến dịch này bị dừng đột ngột.
Gần 3 thập niên sau, công nghệ nghe lén cáp ngầm trở nên lạc hậu. Nhờ sự phát triển kỹ thuật số, ngày nay đã có những cách thức hiệu quả, dễ dàng và ít rủi ro hơn để do thám đường dây liên lạc của nước khác. Tuy vậy, các đường cáp ngầm dưới biển vẫn còn tồn tại và đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, tác giả Craig Reed tin rằng các bên có thể vẫn đang áp dụng nghe lén kiểu cổ điển trong thời hiện đại. “Các tàu ngầm chắc chắn vẫn đủ năng lực thực hiện các sứ mệnh như vậy và quân nhân vẫn được huấn luyện cách thức thực hiện chúng. Còn việc nghe lén có đang tiếp tục hay không thì đó là thông tin mật”, ông viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.