(TNO) Mặc dù có những bước tiến và thành công vang dội ở thị trường trong nước nhưng sự cạnh tranh từ các đối thủ quốc tế vẫn là mối đe đọa tiềm tàng với Huawei. 'Chó sói' Huawei quyết định tìm hướng đi ở những thị trường ngoài Trung Quốc. Sách lược Maoist tiếp tục được vận dụng với sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc.
Huawei bị cáo buộc là "cánh tay nối dài" của chính phủ và quân đội Trung Quốc - Ảnh: AFP
|
Trong chiến lược “dùng nông thôn bao vây thành thị” ở tầm quốc tế , thị trường các quốc gia đang phát triển chính là “nông thôn” trong khi “thành thị” là các nước đã phát triển. Mặc dù đã làm chủ công nghệ nhưng thực tế thời điểm đó Huawei vẫn phải đối diện với tiếng xấu về chất lượng kém cỏi của các sản phẩm từ Trung Quốc. Với những quốc gia đang cần có thiết bị chất lượng vừa phải, giá cả phù hợp thì Huawei là một đối tác khá hợp lý.
Theo báo cáo của CSIS, khách hàng quốc tế đầu tiên của Huawei là Hutchison Telecommunication (đây cũng là công ty liên doanh thành lập mạng Vietnamobile tại Việt Nam) của tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành. Năm 1996, đối tác này đã mua tổng đài và các thiết bị khác từ Huawei cho mạng lưới điện thoại cố định.
Huawei sau đó cũng đã thành lập một liên doanh tại Nga với Beto Corporation để sản xuất các thiết bị tổng đài, nhưng về bản chất là lắp ráp tổng đài Huawei tại Nga. Giá cực rẻ, các dịch vụ hậu mãi tốt đã giúp Huawei khá thành công ở thị trường Nga. Sau 5 năm, doanh thu của Huawei ở thị trường này đã đạt mốc 100 triệu USD (2001).
Ngay sau khi thâm nhập thị trường Nga, Huawei cũng đã có mặt tại Thái Lan, Brazil và Nam Phi. Việc tấn công các đối thủ bằng chính sách rẻ đã trở nên “hung hăng” hơn. Giá thiết bị của Huawei thường xuyên được đặt ở mức thấp hơn tới 30% so với các nhà cung cấp khác.
Với vị thế là một “nhà vô địch quốc gia”, Huawei đã trở thành một quân bài quan trọng trong tay chính quyền Trung Quốc tại những quốc gia phát triển. Bản thân người sáng lập và hiện là chủ tịch của Huawei Nhiệm Chính Phi từng khẳng định chính quyền Trung Quốc đã có những chính sách ngoại giao thành công và từ đó có được nhiều bạn bè quốc tế. “Chiến lược ở thị trường quốc tế của Huawei là đi theo con đường ngoại giao của Trung Quốc và tôi tin rằng chiến lược này cũng sẽ thành công”, Nhiệm khẳng định.
Tháng 11.2000, Nhiệm tháp tùng Phó thủ tướng Trung Quốc Ngô Bang Quốc trong chuyến đi tới châu Phi, đặt nền móng cho những hoạt động kinh doanh trong tương lai, trong đó có một hợp đồng 20 triệu USD tại Ethiopia (2003) và một dự án CDMA 200 triệu USD tại Nigeria (2005). Ghana, Mauritus, Morocco, Congo và Kenya tiếp theo vào 2006. Cùng với một hợp đồng lớn khác với Nigeria…
Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) bị tố cáo là mối đe dọa lớn cho an ninh một số quốc gia - Ảnh: Reuters
|
Theo Nathaniel Ahrens (CSIS), có một điểm quan trọng là những hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với Huawei không chỉ là những nỗ lực để hỗ trợ cho một công ty đơn lẻ mà đây là một phần của sách lược dài hạn nhằm phát triển ngành công nghiệp viễn thông nội địa của nước này.
Ngoài Huawei, một số công ty viễn thông khác cũng được chính phủ Trung Quốc o bế để xây dựng năng lực viễn thông nội địa như Junglong và Zhongxing Telecomunication Equipment Group (ZTE)...
Nhiệm Chính Phi từng tuyên bố “nếu không có chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc (đối với các công ty nội địa) Huawei đã không tồn tại”. Câu hỏi được đặt ra là sự liên quan giữa chính phủ Trung Quốc đối với Huawei ở mức độ như thế nào? Nguyên nhân gì khiến từ nhiều năm qua Huawei luôn tìm cách tránh né và phủ nhận toàn bộ sự liên quan với chính quyền và quân đội Trung Quốc?
Hầu hết giới phân tích đều gắn chuyện Nhiệm từng là một thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là một bằng chứng về mối quan hệ giữa Huawei với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, theo CSIS, đây không phải là điểm đáng lo ngại lắm. Trong khi Huawei cực kỳ cố gắng tránh thể hiện có bất cứ sự liên quan nào đó đến quân đội Trung Quốc thì câu chuyện Huawei từng nhận được các hợp đồng xây dựng mạng lưới viễn thông cho quân đội trong giai đoạn đầu của công ty là điều ai cũng biết.
Một phó giám đốc của Huawei đã từng được trích dẫn khi nói về các hợp đồng với quân đội “là nhỏ nếu xét theo tổng thể hoạt động kinh doanh của chúng tôi nhưng là lớn về mặt quan hệ”. Tờ FEER từng đưa tin rằng 70 quan chức cấp cao của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc từng thăm Huawei hồi 1999. Phái đoàn này do một quan chức cảnh sát chịu trách nhiệm mua sắm hệ thống hạ tầng viễn thông dẫn đầu.
Theo CSIS, năm 2000 Huawei vẫn cung cấp các sản phẩm của mình cho quân đội Trung Quốc và hiện nay dường như công việc này vẫn được tiếp tục. Các nghi vấn được đặt ra ở đây là bản chất của các sản phẩm mà Huawei cung cấp cho quân đội Trung Quốc là gì? Theo Huawei, đó hoàn toàn là các sản phẩm dân sự và không có gì khác biệt so với những sản phẩm khác mà Huawei bán ra trên thị trường. Huawei cũng khẳng định những sản phẩm cung cấp cho quân đội chỉ chiếm khoảng 0,16% lượng hàng bán trong 2009 và 0,33% năm 2011. Tuy nhiên cũng có nghi vấn rằng trong những sản phẩm Huawei cung cấp cho PLA có những thiết bị đặc chủng phục vụ cho mục đích quân sự.
“Tôi có thể khẳng định là Huawei có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là một mối quan hệ thông thường như hầu hết các công ty khác đối với nhà nước. Tôi phải giải thích rõ thế này. Không có một công ty Trung Quốc nào có thể tồn tại mà lại không có một mối quan hệ nào đó với chính phủ cả”, Scott Sykes, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quan hệ giữa Huawei với Chính phủ Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn nhân chuyến làm việc của đoàn báo chí Việt Nam tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến (Trung Quốc) vào tháng 4.2013. Trước khi sang Huawei, Scott làm công việc tương tự tại Acatel.
|
Bình luận (0)