Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ

07/07/2011 08:36 GMT+7

* Nikkei 225 cán mốc 10.000 điểm (TNO) Kết thúc phiên giao dịch thứ hai trong tuần này, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng nhẹ. Trong khi đó, khu vực châu u ghi nhận sắc đỏ tràn ngập trên các bảng giao dịch điện tử, còn chứng khoán châu Á ghi nhận một phiên tăng giảm đan xen với biên độ không nhỏ.

Tổng kết phiên 6.7, Phố Wall ghi nhận chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,1%, lên thành 1.339,22 điểm; Dow Jones Industrial tăng nhẹ 56,15 điểm, tương đương tăng 0,5%, lên mức 12.626,02 điểm. Nasdaq Composite của các công ty công nghệ tăng 0,29%, chốt phiên ở mức 2.834,02 điểm.

Đây là phiên tăng điểm thứ 6 trong 7 phiên gần đây. Theo các chuyên gia phân tích, cổ phiếu của các công ty vận tải và văn phòng phẩm tăng giá tốt trong phiên này đã tạo sự nâng đỡ tối đa giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, bất chấp những thông tin bất lợi về tăng trưởng của khu vực dịch vụ và việc Trung Quốc tăng lãi suất đồng nhân dân tệ.

Theo số liệu công bố của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số ISM dành cho khu vực dịch vụ của nước này trong tháng 6 vừa qua đã giảm xuống 53,3 điểm, so với mức 54,6 điểm hồi tháng trước. Đây được coi là một dấu hiệu cho thấy sự co lại của nhóm ngành dịch vụ, vốn đóng góp tới 90% tỷ trọng kinh tế Mỹ.

Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng trong tháng 6 vừa qua, số người bị cắt giảm việc làm đã tăng hơn 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho hay sẽ tăng lãi suất tiền gửi và cho vay đối với đồng nhân dân tệ lên thêm 25 điểm phần trăm nữa, lên thành 3,5% vào ngày 7.7 này. Đây là lần thứ 3 trong năm nay Trung Quốc phải tăng lãi suất để kiềm chế tình trạng lạm phát gia tăng.

Các cổ phiếu tăng giá điển hình trong phiên này có thể kể như: cổ phiếu của Union Pacific, hãng vận tải đường biển Mỹ, tăng 0,8%; cổ phiếu Arkansas Best tăng 11%; cổ phiếu của United Parcel Service (UPS) tăng 1%; cổ phiếu của FedEx tăng 1,3%.

Cổ phiếu Costco Wholesale, một trong số các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đã tăng 1,7%; cổ phiếu của Intel và Caterpillar tăng tối thiểu 1,3%. Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại thể hiện rõ xu hướng mất điểm trong phiên này.

Chỉ số S&P 500 Financial giảm 0,6% trong phiên này, giảm mạnh thứ 2 trong số 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500. Cổ phiếu Bank of America giảm 2,4%; cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 1,2%.

Tuần trước, chỉ số S&P 500 đã tăng tới 5,6%. Hiện so với số liệu thống kê đầu năm này, chỉ số này đã đạt mức tăng 6,5%.

* Tại châu u, Trung Quốc tăng lãi suất cộng với tác động của việc Moody’s hạ mức tín nhiệm của Bồ Đào Nha từ Baa1 xuống Ba2 đã khiến sắc đỏ tràn ngập trên thị trường. Toàn bộ các thị trường chứng khoán quốc gia trong khu vực đều mất điểm. Chỉ số STXE 600 giảm 0,3% trong phiên này.

Tổng kết phiên, FTSE 100 của Anh giảm 0,35%, xuống còn 6.002,92 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 0,44%, chốt phiên 6.7 ở mức 3.961,34 điểm; DAX của Đức giảm 0,11%, xuống còn 7.431,19 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 1,22%; FTSE MIB của Italy giảm mạnh 2,44%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 2,56%; ISEQ của Ireland giảm 1,44%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 1,75%.

* Tại châu Á, giá hàng hóa tăng giúp cổ phiếu của các công ty sản xuất nguyên vật liệu thô tăng theo. Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 0,3% trong phiên 6.7 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN).

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã cán đích 10.000 điểm sau khi giành thêm tới 110,02 điểm trong phiên này, tương đương tăng 1,1% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 10.082,5 điểm. HSI của Hồng Kông lại bất ngờ giảm 230,4 điểm, tương đương giảm 1,01%, xuống còn 22.517,6 điểm.

Tại Trung Quốc, sau khi Ngân hàng Trung ương tuyên bố sẽ nâng mức lãi suất tiền gửi và cho vay lần thứ 3 trong năm nay, chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của nước này lần lượt giảm 0,21% và 0,28%.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,44% trong phiên này; S&P/ASX 200 của Úc cũng tăng nhẹ 0,15%.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.