Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc: Sóng gió Ô Khảm

07/02/2012 03:29 GMT+7

Thời gian qua tại Trung Quốc xảy ra nhiều vụ bất ổn liên quan đến chính sách thu hồi đất đai khiến Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải lên tiếng.

Trong chuyến thăm tỉnh Quảng Đông vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố ông hiểu được sự phẫn nộ của nông dân khi bị lấy đất và cam kết sẽ để họ có tiếng nói tập thể trong các quyết định về đất đai, theo Tân Hoa xã.

Chuyến thăm của ông Ôn diễn ra sau khi ở Quảng Đông xảy ra một số vụ biểu tình phản đối của người dân, điển hình nhất là tại làng Ô Khảm hồi cuối năm 2011. Bên cạnh đó, chuyện cưỡng chế đất cũng gây sóng gió tại một số địa phương khác, theo Nhân Dân nhật báo. Các vụ việc này phản ánh một thực trạng nhức nhối khi nông dân Trung Quốc bị đẩy vào thế chống đối để bảo vệ nguồn sống do bị một số thế lực nhân danh chính quyền sử dụng đất phi pháp và kiếm lời bất chính. “Tại sao vấn đề này lại lan rộng? Đó là do chiếm đất của người dân một cách độc đoán... Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ đất là nguồn sống của nông dân nhưng quyền lợi của họ không được bảo vệ theo đúng nghĩa của nó”, Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Ôn nói tại Quảng Đông.

 
Dân làng Ô Khảm biểu tình đòi đất - Ảnh: Weibo

Cuộc biểu tình

Những người quan tâm tới Ô Khảm đã nín thở dõi theo tình hình tại ngôi làng có dân số 20.000 người ở thị xã Lục Phong này. Đây là một ngôi làng ven biển, người dân vừa chài lưới vừa làm nông. Theo báo South China Morning Post, từ khoảng gần cuối năm 2011, dân làng Ô Khảm bắt đầu phản ánh việc chi bộ làng do Bí thư Tiết Xương đứng đầu và chính quyền địa phương bán phần lớn đất đai trong làng cho các công ty bất động sản, thu lợi hơn 100 triệu USD. Bị mất đất mà lại nhận bồi thường rẻ mạt, cộng với lạm phát tăng khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn.

Cuối tháng 9.2011, hàng trăm người dân Ô Khảm biểu tình trước trụ sở chính quyền Lục Phong và đụng độ với lực lượng an ninh, làm nhiều người bị thương và bị bắt. Có tin nhiều thanh niên tham gia biểu tình bị “xã hội đen” hành hung, khiến dân làng càng phẫn nộ. Truyền thông Trung Quốc dẫn tuyên bố chính thức của nhà chức trách cáo buộc “các băng đảng bị kẻ xấu xúi giục” đã tấn công cảnh sát và gây rối loạn trật tự trị an. Sau vài ngày bất ổn, nhà chức trách cam kết sẽ điều tra kỹ về các vụ bán đất nên các vụ phản đối tạm thời hạ nhiệt.

 
Ông Lâm Tổ Loan, từ thủ lĩnh biểu tình thành bí thư chi bộ - Ảnh: Reuters

Mối đe dọa lớn nhất

Nhiều chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài xem tình trạng cưỡng chiếm đất trái phép là mối đe dọa lớn nhất đối với đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời Giáo sư Dư Gia Vinh tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho hay tranh chấp đất đai chiếm 65% các vụ biểu tình phản đối ở nông thôn Trung Quốc. Ông Dư ước tính giới chức địa phương thu hồi khoảng 6,64 triệu ha đất nông thôn từ năm 1990, bỏ túi 314 tỉ USD tiền chênh lệnh giữa tiền bồi thường và giá trị thị trường.

Văn Khoa

Đến tháng 12, một trong những người đứng đầu vụ biểu tình là Tiết Cẩm Ba bị bắt và tử vong trong đồn cảnh sát, theo báo Thanh Niên Trung Quốc. Chính quyền từ chối trả thi thể ông Tiết, dẫn đến nghi ngờ về việc ông “bị đánh chết”. Hơn 10.000 người ở Ô Khảm phẫn nộ trục xuất cảnh sát và các thành viên chi bộ khỏi làng, lập hàng rào phòng thủ và ngày ngày tổ chức phản đối quy mô lớn. Cảnh sát chống bạo động lập tức được triển khai đến Ô Khảm, nhưng sau nhiều đợt tấn công bằng dùi cui, hơi cay và vòi rồng, bắt rất nhiều người, lực lượng an ninh vẫn không thể vượt qua phòng tuyến ngoài làng. Trang tin Sohu dẫn nguồn địa phương cho hay chính quyền huyện quyết định phong tỏa đường vào làng nhằm chặn nguồn thực phẩm, nước ngọt và ngăn luôn đường ra khơi đánh cá của người dân. Tuy nhiên, người dân vẫn cương quyết bám trụ, một tấc không rời. 

Sự bất mãn của dân chúng

Tính nghiêm trọng của vụ việc khiến lãnh đạo cấp cao của Quảng Đông không thể ngồi yên. Theo Nhân Dân nhật báo, Bí thư Tỉnh ủy Uông Dương ra lệnh trao trả thi thể ông Tiết Cẩm Ba và thả hết những người bị bắt. Đích thân Phó bí thư Chu Minh Quốc đến điều đình với dân làng, cam kết điều tra lại cái chết của ông Tiết và các vụ thu hồi đất cũng như cho bầu công khai ban lãnh đạo mới của làng vào ngày 1.3.2012. Ông Lâm Tổ Loan, một trong những người lãnh đạo đợt biểu tình, được bầu làm Bí thư Chi bộ Ô Khảm, thay ông Tiết Xương. Ngày 21.12.2011, dân làng đồng ý chấm dứt phản đối, kết thúc khoảng 10 ngày đấu tranh.

Ngày 27.12, Nhật báo Quảng Đông dẫn lời Phó bí thư Chu Minh Quốc cảnh báo nhu cầu đòi quyền lợi của người dân ngày một tăng cao. “Ý thức về dân chủ, công bằng và quyền lợi của dân chúng luôn mạnh lên và người dân có nhiều kênh để bày tỏ sự bất mãn của mình”, ông nói. Theo tờ báo, phát biểu trên được đưa ra trong buổi họp rút kinh nghiệm sau vụ căng thẳng tại Ô Khảm. Ông Chu nói chính quyền phải chịu trách nhiệm trong vụ việc, chỉ ra rằng 2/3 đất bị bán đi nhưng cuộc sống người dân vẫn không khá hơn.

Dù sóng gió đã qua nhưng hiện dư luận vẫn đang băn khoăn không biết tới khi nào đất đai mới được trả về cho dân làng Ô Khảm và những nhượng bộ của chính quyền phải chăng chỉ là phương cách tạm thời cho qua chuyện.

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.