Đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ: Chuyện gì đã thực sự xảy ra?

16/07/2016 19:32 GMT+7

Đêm đảo chính kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu với những chiếc xe tăng hầm hố từ đâu tràn ra đường phố Istanbul, binh lính chặn cây cầu nổi tiếng Bosphorus. Súng rền vang ở cả Istanbul và thủ đô Ankara. Gần 200 người đã chết.

Cuộc đảo chính bị dập tắt với sự quay trở về thủ đô giữa chuyến nghỉ mát của Tổng thống Tayyip Erdogan. Sáng sớm 16.7, ông tuyên bố chính quyền của ông đã kiểm soát đất nước. Ông lên tiếng ngay tại sân bay ở Ankara, nơi lực lượng đảo chính đã không thể chiếm được.
Nhưng trong suốt đêm, khi ông chưa thể lên tiếng, gần 200 người đã thiệt mạng, rất đông là cảnh sát. Quân đội tuyên bố 104 người tham gia đảo chính đã bị giết chết. Hơn 1.400 người khác bị thương.
Hãng truyền thông CNN tóm lược lại những diễn biến chính của cuộc đảo chính hụt giữa lúc tình hình Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hoàn toàn ổn định:
Đêm thứ sáu kinh hoàng
Đêm cuối tuần 15.7 bình yên ở Istanbul bỗng nổi sóng khi binh lính từ đâu tràn ra phố, chặn 2 cây cầu vắt qua eo biển Bosphorus nối phần đất thuộc châu Âu với châu Á của Istanbul.
Cảnh hỗn loạn giữa đêm thứ sáu kinh hoàng. Reuters
Ở Istanbul, khoảng 300 cư dân tụ tập ở quảng trường Taksim, nơi xe tăng quân đội cũng đổ ra đó. Ở cả 2 bên cầu của Istanbul, rất đông người dân đổ ra đường tuần hành chống lại đảo chính. Tình hình rất hỗn loạn. Nhiều phát súng chỉ thiên đã được bắn ra.
Quân đội lên tiếng
Sau những giờ phút cư dân hoảng loạn, ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nói rằng đã kiểm soát được Thổ Nhĩ Kỳ để duy trì trật tự dân chủ. Quân đội tuyên bố "chính quyền chính trị đã mất hết tính hợp pháp đã buộc phải rút lui".
Xe tăng, súng ống trên đường phố Istanbul. Reuters
Đài truyền hình quốc gia TRT phát một tuyên bố của "Hội đồng Hòa bình quốc gia" tuyên bố áp dụng thiết quân luật, với lệnh giới nghiêm được áp dụng "cho tới khi có thông báo mới". TRT sau đó nói rằng tuyên bố trên chỉ từ một nhóm trong quân đội tham gia đảo chính.
Súng tiếp tục nổ, chặn mạng xã hội
Tiếng súng vẫn rền vang ở khắp nơi trong đêm 15.7, khiến cư dân hoảng loạn. Cả Facebook, Twitter và YouTube đều hoặc là có lúc ngưng hoàn toàn hoặc cực kỳ chậm.
Súng nổ ở cả gần khu dinh thự tổng thống tại thủ đô Ankara. Thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin các trực thăng đã bắn vào trụ sở tình báo quốc gia ở khu vực này.
Kịch tính hơn, một chiến đấu cơ F-16 đã xuất kích và bắn hạ một trực thăng của lực lượng đảo chính ở Ankara.
Cả Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và dinh thự tổng thống ở Ankara đều bị tấn công, theo BBC. Có ít nhất một quả bom tại quốc hội. Các nghị sĩ đã phải đi trốn.
Bên trong tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính Reuters
Tiếng súng cũng vang lên ở bên ngoài tổng hành dinh của cảnh sát Istanbul. Xe tăng đã đến được bên ngoài sân bay Istanbul.
Truyền hình CNN Turk có lúc tạm ngưng phát sau khi binh lính tràn vào và cố chiếm đài. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc.
Tổng thống xuất hiện
"Chính phủ đã kiểm soát tình hình", Tổng thống Erdogan tuyên bố sau khi trở về được thủ đô Ankara giữa chuyến nghỉ mát vào sáng sớm 16.7. Ông cũng nói không có thế lực nào vượt lên trên ước vọng của nhân dân và cam kết sẽ trừng phạt những kẻ gây đảo chính.
Theo lời ông thì hơn 2.800 người đã bị bắt, bao gồm nhiều lãnh đạo cao cấp trong quân đội.
Người dân cầm hình Tổng thống Erdogan  đi tuần hành, bày tỏ sự ủng hộ ông Reuters
Ai tổ chức đảo chính?
Tổng thống Erdogan gọi đêm diễn ra âm mưu đảo chính là "vết nhơ tăm tối cho nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ" và quy trách nhiệm cuộc đảo chính cho "tổ chức khủng bố song song" - cụm từ thường dùng cho phong trào của giáo sĩ Hồi giáo đang sống lưu vong ở Mỹ Fethullah Gulen. Tuy nhiên ông Gulen bác bỏ mọi dính líu tới cuộc đảo chính.
Binh lính đứng trước đài truyền hình TRT để chờ đầu hàng chính phủ sau cuộc đảo chính hụt Reuters
Trong khi đó, báo Wall Street Journal dẫn nguồn từ các quan chức thân cận với Tổng thống Erdogan cho rằng một số phần tử của Gendarmerie General Command - một nhánh của không quân Thổ Nhĩ Kỳ và một số thành phần khác trong không quân đứng sau cuộc đảo chính hụt. Còn các thành phần cốt lõi của lục quân và hải quân thì vẫn trung thành với ông Erdogan trong suốt diễn biến vừa qua.
Tóm lại thì chủ mưu thật sự của cuộc đảo đảo chính hụt đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.