Đất nước dưới chân núi Kilimanjaro

05/04/2010 23:40 GMT+7

Nằm dưới chân ngọn núi cao nhất châu Phi, đất nước Tanzania đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên ổn định và hòa bình.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, thành phố nghỉ mát Arousha của Tanzania là nơi diễn ra các cuộc thương thuyết và hội nghị nhằm giải quyết hòa bình các cuộc xung đột và nội chiến ở nhiều nước châu Phi khác, bao gồm Rwanda, Burundi, Sudan... Đó có thể xem như một ví dụ để chứng minh Tanzania là một quốc gia tương đối hòa bình và ổn định.

Đất nước ổn định nhưng nhiều khó khăn

Trong bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu của Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình được công bố hồi năm ngoái, Tanzania xếp vị trí thứ 6 ở châu Phi và thứ 59 trên thế giới, theo trang Visionofhumanity.org.

Tanzania hình thành vào năm 1964 sau sự sáp nhập giữa 2 vùng lãnh thổ Tanganyika ở đại lục và đảo Zanzibar, vốn đã được độc lập vào năm trước đó. Tanzania rộng 945.087 km2, là quốc gia rộng thứ 31 trên thế giới.

Theo BBC, không giống như nhiều quốc gia châu Phi khác, nơi tài nguyên tiềm tàng tương phản với thực tế nghèo đói, Tanzania có rất ít khoáng sản có thể xuất khẩu được và một hệ thống nông nghiệp còn thô sơ. Để giải quyết vấn đề này, tổng thống đầu tiên Julius Nyerere đã ra Tuyên bố Arusha năm 1967, kêu gọi sự tự lực thông qua việc lập những làng trang trại hợp tác và quốc hữu hóa các xí nghiệp, đồn điền, ngân hàng và công ty tư nhân. Tuy nhiên, một thập niên sau đó, dù có viện trợ tài chính và kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều quốc gia, chương trình này đã thất bại hoàn toàn do thiếu hiệu quả, do tham nhũng, sự phản đối của nông dân và giá xăng nhập khẩu tăng. Các khó khăn về kinh tế của Tanzania càng thêm chồng chất trong những năm 1979 và 1981 do cuộc can thiệp quân sự tốn kém nhằm lật đổ Tổng thống Idi Amin của nước Uganda láng giềng.

Sau khi ông Nyerere từ nhiệm vào năm 1985, người kế nhiệm Ali Hassam Mwinyi đã cố gắng thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư và các khoản vay nước ngoài bằng cách bãi bỏ sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế. Chính sách này được tiếp tục dưới thời ông Benjamin Mkapa, người được bầu làm tổng thống vào năm 1995. Nền kinh tế Tanzania đã tăng trưởng dù phải trả giá không ít cho những cải cách tài chính khá đau đớn. Du lịch là ngành sinh lợi quan trọng. Các thế mạnh du lịch của Tanzania bao gồm Kilimanjaro - ngọn núi cao nhất châu Phi, và những vườn quốc gia với nhiều loại động vật hoang dã phong phú như Serengeti.

Ông Mkapa rời ghế tổng thống vào năm 2005. Ông được xem là người giữ vai trò động lực chính cho chính sách tự do hóa kinh tế toàn diện của Tanzania, vốn được Quỹ Tiền tệ quốc tế và WB đánh giá cao. Dưới thời ông Mkapa, lạm phát giảm, kinh tế tăng trưởng và nợ nước ngoài của Tanzania được giải quyết. Nhưng những người chỉ trích ông Mkapa thì cho rằng, dù con số thống kê có khá, phần lớn người dân vẫn phải sống trong nghèo khổ.

Tổng thống hiện tại, ông Jakaya Kikwete, từng giữ chức ngoại trưởng nhiều năm trước khi được bầu vào ngôi vị cao nhất nước trong cuộc bầu cử hồi tháng 12.2005. Ông Kikwete đã cam kết tiếp tục những cải cách kinh tế do ông Mkapa đề ra, cũng như tạo việc làm và giải quyết vấn nạn nghèo khổ.

Quyết liệt thu hút đầu tư nước ngoài

Dù được đánh giá là quốc gia tương đối hòa bình và ổn định, Tanzania vẫn tiềm ẩn mối nguy về an ninh và nguy cơ khủng bố. Vào năm 1998, một vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam, thủ đô hành chính của Tanzania, đã làm 8 người thiệt mạng. Vào năm 2003, Chính phủ Anh ra thông báo khuyến cáo công dân nước này về một âm mưu tấn công nhằm vào du khách ở Tanzania. Vào tháng 12.2009, Andullah al-Faisal, một giáo sĩ cực đoan người Jamaica có tên trong danh sách theo dõi khủng bố toàn cầu, bị bắt giữ khi đang đi từ Tanzania vào Kenya. Kenya đã trục xuất ông này vào ngày 21.1 năm nay.

Dù còn không ít khó khăn lẫn những nguy cơ về an ninh, đất nước của ngọn núi cao nhất châu Phi đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài châu lục. Theo báo The East African (Kenya), từ thế “chiếu dưới” so với Kenya trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, Tanzania hiện đang cạnh tranh quyết liệt với Kenya trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Tanzania cũng đứng trước những cơ hội mới trong kế hoạch hợp nhất nhiều quốc gia Đông Phi thành một nước liên bang, với một tổng thống đứng đầu vào năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Lãng - một trong những doanh nhân Việt Nam đầu tiên khai phá thị trường châu Phi và Tanzania - cho biết: “Trước đây, làm ăn tại Tanzania không dễ dàng gì, thậm chí nhiều lúc phải lâm cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có lần Công ty T.L của VN sang Tanzania đàm phán để mua hạt điều thô, nhưng hạt điều của họ xấu quá, phía VN chần chừ không muốn mua. Vậy là đối tác Tanzania liền dùng “chiêu” thu hết hộ chiếu của đoàn VN, tạo áp lực buộc phải ký hợp đồng. Phía VN đành phải ký cho xong. Một lần khác, Công ty S.H cũng sang Tanzania để tìm hiểu thị trường, đồng thời thỏa thuận phương thức trao đổi hạt điều của Tanzania lấy gạo VN. Theo đúng cách thức giao dịch quốc tế thì phía Tanzania phải mở tín dụng thư (L/C) do một ngân hàng uy tín bảo lãnh, nhưng đến lúc VN thực hiện đúng quy định và giao xong hàng thì mới tá hỏa ra rằng L/C của phía Tanzania là... giả. Lần đó Công ty S.H thiệt hại hơn 1 triệu USD”.

Các doanh nghiệp VN càng xa cách hơn nữa với thị trường Tanzania sau sự cố tàu Cần Giờ của Công ty liên doanh vận tải thủy Sài Gòn bị bắt giữ oan suốt 1 năm trong một vụ tranh chấp không liên quan đến đơn vị này. Đến nỗi, Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải VN sau đó đã có công văn khuyến cáo những rủi ro và nguy cơ trong quá trình giao dịch thương mại với đối tác Tanzania.

Theo thông tin từ Đại sứ quán VN tại Tanzania, để tạo hành lang pháp lý cho hợp tác, hai bên đã ký các hiệp định, thỏa thuận gồm: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ và Thỏa thuận thành lập ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ Tanzania và Việt Nam (tháng 12.2004); Thỏa thuận hợp tác giữa 2 Phòng Thương mại và Công nghiệp VN với Phòng Thương mại - Công nghiệp và Nông nghiệp Tanzania (tháng 9.2006). Gần đây, Tanzania tỏ rõ thiện ý mong muốn được hợp tác với VN trong lĩnh vực nông nghiệp, cho biết sẵn sàng dành diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn cho VN để khai thác và hợp tác, đồng thời đề nghị VN cử chuyên gia nông nghiệp, thủy lợi sang hỗ trợ. Tanzania cũng muốn thúc đẩy hợp tác về y tế với VN.

Quang Thuần

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.