Đối đầu khốc liệt giữa al-Qaeda và IS

20/08/2016 07:00 GMT+7

Trước sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, al-Qaeda đã tìm mọi cách kìm hãm đà lớn mạnh của nhóm khủng bố này.

Vào tháng 5.2013, sau khi sáp nhập thành công các nhóm nổi dậy tại Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nung nấu ý định củng cố vị thế để trở thành nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Trở ngại của IS lúc này là các thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda. Dĩ nhiên, giới lãnh đạo al-Qaeda không chấp nhận việc Abu Bakr al-Baghdadi tự tung tự tác, đặc biệt là khi phát hiện hắn ta nói dối trắng trợn về việc lập IS theo mệnh lệnh của ông trùm al-Qaeda Ayman al-Zawahiri.
Sứ mệnh bí mật
Một tháng sau cuộc họp khai sinh IS tại Kafr Hamra, một nhóm chỉ huy cấp cao của al-Qaeda được gọi là Ủy ban Khorasan từ các sào huyệt al-Qaeda tại Afghanistan và Pakistan bí mật sang Syria theo lệnh của al-Zawahiri. Theo tạp chí Foreign Policy dẫn lời Abu Ahmad - một thành viên kỳ cựu của IS, đoàn xe của Ủy ban Khorasan phải di chuyển thận trọng giữa các tỉnh thành ở Syria vì lo sợ bị al-Baghdadi ám sát.
Sứ mệnh của Ủy ban Khorasan là điều tra quá trình bành trướng sang Syria của al-Baghdadi, trước đó là thủ lĩnh chi nhánh al-Qaeda tại Iraq. Kết quả điều tra sẽ được chuyển về cho al-Zawahiri, người sẽ ra quyết định về phản ứng của al-Qaeda đối với tình hình tại Iraq và Syria, nơi mà cuộc đối đầu giữa IS và Mặt trận al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda tại Syria, đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Ủy ban Khorasan phải hành động khẩn trương vì mỗi ngày trôi qua, lại có thêm một nhóm nổi dậy rời al-Qaeda để đầu quân cho IS. Nếu al-Zawahiri không nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát các nhóm ở Syria hoặc ít nhất ngăn chặn đợt ly khai này thì có nguy cơ trở thành “tướng không quân”.
Trong các thành viên của Ủy ban Khorasan, Abu Ahmad rất thân thiết với Shahabi, cũng là một công dân Syria và là người liên lạc trực tiếp với al-Zawahiri. Theo lời Shahabi thì mục đích chính của Ủy ban Khorasan là thuyết phục chỉ huy các nhóm nổi dậy - đã tuyên thệ trung thành với al-Baghdadi - thay đổi ý định. Lúc này, thủ lĩnh các nhóm nổi dậy mới biết rõ là al-Zawahiri chưa từng cử al-Baghdadi từ Iraq sang Syria kêu gọi họ gia nhập IS. Shahabi cho biết thêm chẳng qua al-Baghdadi lo sợ Mặt trận al-Nusra ngày càng mạnh nên mới lập IS.
Huynh đệ tương tàn
Ủy ban Khorasan
Ủy ban Khorasan được cho là một nhóm gồm các thành viên cấp cao của al-Qaeda hoạt động tại Syria, nhiều tay súng trong số này có tên trong danh sách khủng bố bị truy nã trên thế giới. Công chúng chỉ biết đến sự tồn tại của Ủy ban Khorasan vào tháng 9.2014 khi truyền thông quốc tế đưa tin lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu mở các đợt không kích đầu tiên tại Syria nhằm tiêu diệt các thành viên nhóm này. Kể từ đó, Ủy ban Khorasan chuyển từ sứ mệnh “tìm hiểu sự thật” sang hoạch định các kế hoạch tấn công ở nước ngoài. Trong một cuộc họp tại Mỹ vào ngày 18.9.2014, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper tuyên bố rằng “xét về mối đe dọa an ninh đối với nước Mỹ, Ủy ban Khorasan nguy hiểm không kém gì tổ chức IS”, theo Đài RT. Về sau, một số thành viên cấp cao của Ủy ban Khorasan như Muhsen al-Fadhli, Sanafi al-Nasr, Abu Abdel Malek đã bị tiêu diệt trong các đợt không kích của Mỹ trong năm 2015.
Khi Ủy ban Khorasan đến Syria vào tháng 5.2013, cuộc đối đầu giữa IS và al-Nusra chưa quá gay gắt. Các tay súng giữa hai nhóm vẫn có thể qua lại giữa những vùng thuộc quyền kiểm soát của nhóm kia và thậm chí vẫn đến thăm đại bản doanh của nhau, Abu Ahmad kể.
Tuy nhiên khi cán cân quyền lực nghiêng về IS, tình hữu nghị và tình bạn giữa những người ủng hộ cả hai nhóm bị thay thế bằng sự nghi kỵ. Các thành viên al-Nusra đã phẫn nộ khi nhận ra rằng IS đang tìm cách gây chia rẽ nội bộ cũng như làm suy yếu nhóm tại Syria. Còn các thành viên IS thì cáo buộc al-Nusra quá yếu đuối. Nhiều tay súng IS thậm chí còn xem các thành viên al-Nusra không phải là người Hồi giáo.
Trong lúc căng thẳng dâng cao giữa hai nhóm, Ủy ban Khorasan đã hoàn tất cuộc điều tra về kế hoạch của al-Baghdadi. Shahabi cho hay sau khi nhận thông tin từ Ủy ban Khorasan gửi về, al-Zawahiri đã ra lệnh ủng hộ al-Nusra và chống IS. Ông trùm này kêu gọi al-Nusra lãnh đạo cuộc thánh chiến tại Syria, đồng thời yêu cầu tổ chức IS của al-Baghdadi trở về Iraq.
“Al-Baghdadi đã phạm sai lầm khi lập IS mà không xin phép hoặc hỏi ý kiến và thậm chí không thèm thông báo cho chúng tôi”, al-Zawahiri viết trong một lá thư công bố ngày 23.5.2013. Sau “phán quyết” của al-Zawahiri, nhiều tay súng cực đoan tại Syria cảm thấy sốc vì bị lừa nên quyết định rút khỏi IS.
Theo lời Abu Ahmad, khoảng 30% thành viên al-Nusra tuyên thệ với IS đã quay về chốn cũ. Ngoài ra, 35% trong số chừng 90 tay súng người Hà Lan và Bỉ thuộc nhóm Majlis Shura al-Mujahideen (MSM) - vốn là bạn chiến đấu của Abu Ahmad - cũng từ bỏ IS để trở về al-Nusra. Một chỉ huy cấp cao của IS mà nhóm Ủy ban Khorasan phải mất thời gian dài thuyết phục cũng tạm biệt IS để qua al-Nusra. Vài nhóm tuyên bố trung lập, không theo ai trong cuộc xung đột này. Những nhóm như Ahrar al-Sham và Jund al-Aqsa nói rằng họ chiến đấu để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chứ không phải đấu đá lẫn nhau. Cả IS lẫn al-Nusra nỗ lực thuyết phục thành viên nhóm khác đào ngũ. IS còn lập nhóm cảnh sát chìm mang tên al-Amneyeen, có nhiệm vụ bắn giết những người đào ngũ.

tin liên quan

Hé lộ cuộc họp khai sinh IS
Một thành viên kỳ cựu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã lần đầu tiết lộ bối cảnh ra đời của tổ chức khủng bố khét tiếng này.
Sự trở lại lợi hại
“Cuộc đảo chính” thành công của al-Baghdadi hồi tháng 4.2013 đã đẩy al-Nusra gần như tới bờ vực tan rã. Thế nhưng lúc này, al-Nusra đã dần phục hồi sức mạnh. Giới thủ lĩnh al-Nusra bắt đầu tái thiết tổ chức và tiến hành liên minh với vài nhóm nổi dậy khác như Ahrar al-Sham và thậm chí một số đơn vị thuộc Lực lượng quân đội Syria tự do (FSA), vốn chống chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Khi căng thẳng giữa hai phe lên đến đỉnh điểm, al-Nusra, Ahrar al-Sham và FSA bắt đầu mở cuộc phản công đẩy IS ra khỏi TP.Idlib, miền tây bắc Syria cũng như nhiều vùng thuộc tỉnh Aleppo. Nhóm al-Nusra cũng tái chiếm thị trấn Darat Izza ở miền bắc Syria, nơi tổ chức này từng cướp các thùng chứa chlorine và sarin từ căn cứ Trung đoàn 111. Từ Daret Izza, IS chạy về al-Dana, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau một trận chiến khác, thị trấn này cũng thuộc về al-Nusra. Rời al-Dana, IS rút về lại thị trấn al-Atarib và rồi cũng bị al-Nusra đánh bại.
Cuối cùng IS quyết định từ bỏ toàn bộ lãnh thổ phía tây bắc Syria. Ngày 4.3.2014, IS rút khỏi thị trấn biên giới chiến lược Azaz và tập kết hầu hết các lực lượng ở gần Kafar Joum, không xa địa điểm diễn ra cuộc họp khai sinh IS giữa al-Baghdadi và chỉ huy các nhóm nổi dậy gần một năm về trước.
Tại Kafar Joum, IS chuẩn bị một đoàn xe gồm hơn 200 chiếc, chở theo các tay súng, các thành viên gia đình, vũ khí và con tin nước ngoài. Trong đoàn xe này, Abu Ahmad để ý thấy có 3 trong số 15 thùng hóa chất từng được al-Nusra chiếm đoạt từ Trung đoàn 111. Sau đó, đoàn xe khổng lồ của IS gầm rú xé màn đêm lao về phía đông, thẳng tiến đến TP.Raqqa, nay là “thủ đô” của nhóm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.