EU cố níu chân Anh

19/11/2014 09:00 GMT+7

(TNO) “Những gì người Anh làm thì phải do chính họ quyết định, họ chắc chắn sẽ không nghe những gì người khác nói. Nhưng sự có mặt của họ trong EU rất quan trọng đối với chúng tôi, vì đó là một nơi mở cửa cho phần còn lại của thế giới”.

>> Anh đã sẵn sàng để rời khỏi EU

Bà Merkel (trái) muốn ông Cameron giữ Anh lại EU - Ảnh: Reuters 

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói như trên tại Sydney (Úc) hôm 17.11, nhân chuyến tham dự G20, theo AFP. Bà Merkel nằm trong số những nhân vật quan trọng đã đứng lên thể hiện quan điểm muốn giữ chân Vương quốc Anh lại EU, bất chấp căng thẳng giữa hai bên trong chuyện đóng góp quỹ chung.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron hứa sẽ trưng cầu dân ý về vấn đề này vào năm 2017 nếu ông thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm sau.

Nguy cơ tan vỡ

Mối quan hệ giữa Anh và EU đã rạn nứt trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt liên quan tới những đóng góp vào quỹ chung của tổ chức này.

Hồi tháng 10, EU yêu cầu Anh – dưới tư cách một nước phát triển, phải đóng góp thêm 1,7 tỉ bảng vào sổ chung. Tờ The Guardian mô tả Thủ tướng David Cameron đã “giận dữ” khước từ yêu cầu nói trên. Trong động thái sau đó, một nghị viện của EU nói rằng họ sẽ “nổi điên” nếu Anh né tránh việc nộp tiền trước hạn 1.12, BBC cho biết.

 

Mối quan hệ giữa Anh và EU đã rạn nứt trong giai đoạn vừa qua - Ảnh: Reuters

Nếu chấp nhận lời yêu cầu ấy, số tiền Anh bỏ ra cho quỹ chung của EU sẽ lên đến 8,6 tỉ bảng trong năm 2014. Đó là con số không thể khiến người dân Anh hài lòng, nhất là với những khoản thuế họ gánh cho chính phủ.

Trên thực tế từ đầu năm câu chuyện về việc nên hay không nên tiếp tục với EU của người Anh đã rộ lên. Tháng 3 năm nay tờ Telegraph đã có bài viết dài liên quan đến vấn đề này.

BBC trong khi đó mở cuộc tranh luận vào tháng 5, bàn về việc liệu có cơ hội nào để Anh có thể sống tốt khi không chơi với EU như Thụy Sỹ và Na Uy – những nước tồn tại mối quan hệ không phải phụ thuộc nhưng cũng không sâu sát với EU như thành viên cốt lõi.

EU cần Anh như Anh cần EU

Có thể thấy như cách bà Merkel nói với AFP, Anh là một cửa ngõ để EU tiếp cận phần còn lại của thế giới. Đổi lại trong nhiều câu chuyện quốc tế, điểm tốt của Anh trong mắt EU là họ thường đồng thuận trong các mối quan hệ.

Đơn cử trong mâu thuẫn các nước châu Âu với Nga xung quanh vụ Nga tranh chấp Crimea với Ukraine, Thủ tướng Cameron luôn là nhân vật đồng hội đồng thuyền với nhóm lãnh đạo sẵn sàng cô lập Nga nếu cần thiết.

 

Anh sẽ bị nhìn dưới ánh mắt khác nếu không còn trong EU - Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh ảnh hưởng toàn cầu của Nga, Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng, EU càng không để sức mạnh của mình bị suy giảm. Ít nhất, không ai muốn mất đi “một đồng minh thân cận” như cách ông Obama khuyên Anh ở lại EU hồi tháng 6 qua.

Trong bài viết đăng trên tờ Telegraph, Anh không nên tách khỏi EU nếu xét mặt lợi kinh tế và vị thế của Anh hiện tại. Bài báo phân tích rằng dân số Anh ít hơn 1% thế giới, thu nhập bình quân chưa tới 3% GDP toàn cầu. Sẽ là không khôn ngoan nếu rút khỏi EU – đồng nghĩa cắt luôn 500 triệu người tiêu dùng của các nhà đầu tư Anh.

Mặt khác, khi chấp nhận sự thật rằng nền kinh tế Mỹ lớn gấp 7 lần Anh, Trung Quốc gấp 5 lần và Nhật thì lớn gấp đôi, việc tách ra là sai lầm. Nó đồng nghĩa Anh sẽ mất tiếng nói trong các cuộc hợp tác quốc tế. Trước đây tất cả nể Anh cũng một phần họ đóng vai trò lớn trong EU.

Nhật Đăng

>> Kêu gọi EU viện trợ 1 tỷ Euro cho Tây Phi chống Ebola
>> Putin cáo buộc Mỹ và EU vi phạm luật quốc tế
>> EU áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga
>> EU tăng tài trợ ODA thêm 30% cho VN trong 5 năm tới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.