Iran yêu cầu Tổng thống Trump không tiết lộ thỏa thuận hạt nhân

16/02/2017 14:36 GMT+7

Iran đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không tiết lộ những tài liệu mật liên quan đến thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Barack Obama lâu nay không cho người dân Mỹ biết.

Yêu cầu của Iran được đưa ra sau khi trang tin Washington Free Beacon tiết lộ rằng cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn mất chức một phần do ý định tiết lộ những tài liệu mật trên cho người dân Mỹ.

Các nhà lập pháp hàng đầu tại quốc hội Mỹ hồi năm 2016 đã tiến hành nhiều cuộc điều tra khác nhau về những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm giữ bí mật các tài liệu này. Các nguồn tin trao đổi với Washington Free Beacon về vấn đề này hôm 15.2 nói rằng chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách công bố thông tin này bất chấp yêu cầu của Iran.

Các văn bản mật liên quan đến thỏa thuận hạt nhân vẫn chưa được phân loại, nhưng đã được cất giữ ở một nơi an toàn tại quốc hội Mỹ khiến nhân viên và các nhà lập pháp Mỹ khó xem chúng. Những cá nhân muốn xem các tài liệu này phải được cấp phép an ninh và bị cấm ghi chép hoặc nói về những gì họ thấy.

Nhiều nguồn tin cao cấp tại quốc hội Mỹ am hiểu tính chất các văn bản trên nói với Washington Free Beacon rằng các nhà lập pháp và chính quyền Tổng thống Trump sẽ không ngại những lời đe dọa của Iran.

Ông Alaeddin Boroujerdi, một nhà lập pháp cao cấp và là chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia của quốc hội Iran, đã khuyến cáo chính quyền Trump không công bố những tài liệu này trong những phát biểu gần đây.

 “Nếu ông Trump muốn công bố những văn bản mật được trao đổi giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), điều đó trên thực tế là sự vi phạm các giao ước của cơ quan này, do IAEA đã cam kết không cung cấp thông tin và các tài liệu bí mật về vấn đề hạt nhân của Iran cho bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ”, ông Boroujerdi phát biểu với truyền thông Iran.

Một số văn bản trên xoay quanh những thỏa thuận phụ giữa Iran và IAEA liên quan đến khả năng làm giàu uranium của Tehran. Chúng cũng bao gồm những thỏa thuận về việc Iran phải tiết lộ bao nhiêu thông tin cho các chuyên gia thanh sát quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, các chuyên gia thanh sát của Mỹ không được phép tham gia thanh sát bất kỳ địa điểm nào của Iran.

Hạ nghị sĩ Mỹ Peter Roskam, người chống đối thỏa thuận với Iran và lâu nay đấu tranh cho việc công bố đầy đủ các văn bản liên quan đến thỏa thuận này, nói với Washington Free Beacon rằng chính quyền Obama che giấu các tài liệu này nhằm lừa dối người Mỹ về tính chất thực sự của thỏa thuận.

“Chính quyền hiện tại không bị bắt buộc phải che giấu thông tin về những thỏa thuận phụ, cũng không có nghĩa vụ bảo vệ tính chất nặc danh của những cá nhân hay tổ chức hành xử không phù hợp theo lệnh của chính quyền Obama”, ông Roskam nói.

Các văn bản trên chứa thông tin chi tiết về nhiều khoản thanh toán bí mật cho Iran, có giá trị đến 2 tỉ USD. Khoản tiền này được cho là một phần trong gói ưu đãi nhằm đảm bảo việc phóng thích nhiều con tin Mỹ bị cầm giữ tại Iran hồi năm ngoái.

Không thông tin nào trong số này được phân loại về mặt kỹ thuật, nhưng nó vẫn được giữ bí mật với công chúng Mỹ và phần lớn nghị sĩ quốc hội.

“Thỏa thuận bị giữ bí mật lâu do chính quyền Obama đã trao cho Iran những ngoại lệ bí mật để dối gạt”, một cố vấn quốc hội kỳ cựu am hiểu các văn bản trên cho biết. “Người Iran biết rằng nếu mọi người phát hiện những ngoại lệ đó thì rõ ràng đó là một thỏa thuận tồi và không thể được duy trì, và họ không thể đổ lỗi cho ông Trump. Đó là lý do tại sao họ tạo ra những lý do phải giữ bí mật nhiều phần của thỏa thuận”, người này nói.

Nguồn tin trên cho rằng Iran bày tỏ sự phản đối với việc công bố thông tin trên nhằm đẩy tân chủ nhân Nhà Trắng vào thế khó.

Một phụ tá cao cấp tại quốc hội Mỹ nói thêm với Washington Free Beacon rằng Iran sẽ không thể chỉ thị các nhà lập pháp điều gì nên và không nên công bố liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. Một nguồn tin khác tại Đồi Capitol (tức quốc hội Mỹ) thì khẳng định luật liên bang quy định phải công bố những văn bản trên cho các nhà lập pháp Mỹ.

Vào năm 2015, Iran cùng 6 cường quốc thế giới đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử sau hơn một thập niên đàm phán.

Theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hiệp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân.

Việc đạt được thỏa thuận là chiến thắng lớn về chính sách đối với ông Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.