‘Không có trái đất thứ hai’

30/11/2015 22:10 GMT+7

“Không có hành tinh B” là thông điệp mà hơn nửa triệu người trên toàn cầu vừa xuống đường để chuyển tải trong ngày hành động vì khí hậu lớn nhất trong lịch sử, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Paris về biến đổi khí hậu.

“Không có hành tinh B” là thông điệp mà hơn nửa triệu người trên toàn cầu vừa xuống đường để chuyển tải trong ngày hành động vì khí hậu lớn nhất trong lịch sử, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Paris về biến đổi khí hậu.

Mất chỗ ở và đói - tiếng khóc của gấu Bắc Cực được người biểu tình mô tả ở Hồng Kông - Ảnh: ReutersMất chỗ ở và đói - tiếng khóc của gấu Bắc Cực được người biểu tình mô tả ở Hồng Kông - Ảnh: Reuters
638.000 người xuống đường
Chính vì chúng ta không có một hành tinh dự phòng nào khác mà hơn nửa triệu người, từ Úc cho tới Paraguay đã đổ xuống đường hôm 29.11 để kêu gọi bảo vệ khí hậu, chống lại sự ấm nóng lên trên toàn cầu đang hủy hoại hành tinh xanh của chúng ta.
Không có một thống kê chính thức nào, nhưng hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của một trong các nhà tổ chức tuần hành là Avaaz cho biết ước tính 683.000 người đã tham gia tuần hành. Một ước tính khác đưa ra con số 570.000 người.
Tuần hành chống biến đổi khí hậu ở Canada hôm 29.11 - Ảnh: Reuters
Số lượng người ra đường kêu gọi chống thay đổi khí hậu vẫn đạt đến cột mốc lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay; dẫu ở Paris, nơi diễn ra Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thay đổi khí hậu Paris 2015 (COP21), mọi cuộc tuần hành đều bị cấm do tình trạng khẩn cấp, bao gồm việc cấm tụ tập đông người mà chính phủ áp đặt sau vụ khủng bố Paris hôm 13.11 vừa qua.
Bất chấp nguy cơ khủng bố, việc hạn chế tự do biểu tình, tự do tuần hành làm nhiều cư dân Paris thật sự bức bối. Nhiều người vẫn tụ tập biểu tình tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris, đánh nhau với cảnh sát. Không ít người đã dùng cả những ngọn nến được thắp lên để tưởng nhớ các nạn nhân khủng bố mà ném vào cảnh sát, tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn. Hơn 200 người biểu tình trái phép đã bị bắt.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã chỉ trích hành động này là "chẳng có ích gì cho môi trường".
An ninh thắt chặt giữa cuộc tuần hành ở New York - Ảnh: Reuters
20.000 chiếc giày trên quảng trường
Nhưng nhiều người đã tìm được cách chuyển tải thông điệp bảo vệ khí hậu một cách đầy ý nghĩa giữa các lệnh cấm: xếp 20.000 chiếc giày ở Quảng trường Cộng Hòa, tượng trưng cho đông đảo người yêu mến hành tinh này đã không thể ra đường.
Giữa những đôi giày cao gót, những đôi xăng đan đủ sắc màu là một đôi giày đen đơn giản của Giáo hoàng Francis, người rất tích cực vận động cho việc ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đã gởi đôi giày thể thao của mình tới Paris.
Một cách "xuống đường" vì môi trường của người Paris giữa tình trạng khẩn cấp - Ảnh: Reuters
Tham vọng
COP21, với sự tham dự của khoảng 150 lãnh đạo chính quyền các nước đặt một tham vọng rất lớn: một thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế nhiệt độ của trái đất nóng lên dưới 2 độ C, trong đó mỗi nước có những cam kết riêng ràng buộc về mặt pháp lý.
Còn đây là sáng kiến kêu gọi bảo vệ khí hậu, bảo vệ sinh vật và cây xanh của người dân Mexico và Bolivia - Ảnh: Reutes
Người ta đang rất hy vọng hội nghị lần này sẽ thành công, không giống như sự thất bại của một hội nghị tương tự diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) cách đây 6 năm.
Đó sẽ là những vòng thương lượng đầy cam go, đi từ những ống khói mù mịt ở Trung Quốc đến đường ống dẫn dầu Keystone ở Canada.
Tổng thống Pháp Hollande cho phát biểu ông rất hy vọng các nước sẽ đạt được thỏa thuận nhưng thừa nhận đó là điều không dễ tí nào. Ông nói: “Con người là kẻ thù tồi tệ nhất của con người. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó thông qua khủng bố. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy điều tương tự thông qua khí hậu. Con người đang hủy hoại thiên nhiên, tàn phá môi trường”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt một bông hồng trắng tưởng niệm các nạn nhân khủng bố Paris. Bên cạnh ông là Tổng thống Pháp Francois Hollande - Ảnh: Reuters
Người nghèo lãnh đủ
Trên khắp thế giới, hơn 2.000 sự kiện liên quan đến COP21 cũng đã và đang diễn ra. Tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, Cơ quan phát triển Pháp phối hợp với một số đối tác khác cũng tổ chức một loạt sự kiện từ ngày 3.11 đến 9.12 nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ khí hậu. Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, ông Emmanuel Ly-Batallan cho biết ông đã nhìn thấy nhiều dự án bảo vệ khí hậu hiệu quả nhưng với chi phí thấp tại Việt Nam.
Tại TP.HCM, khoảng 1.500  bạn trẻ đã tham gia Đêm hội nghệ thuật hành động vì khí hậu Power Up thuộc loạt sự kiện diễn ra đồng hành với hội nghị khí hậu Paris COP21 - Tổ chức CHANGE cung cấp
Tất cả diễn ra trong bối cảnh bảo vệ khí hậu đang là vấn đề cấp bách không của riêng ai, khi khí thải vào môi trường làm cho nhiệt độ toàn cầu ngày càng nóng lên, gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng như nước biển dâng cao, mất diện tích đất sinh sống, trồng trọt. 2015 dự kiến là năm nóng kỷ lục trong lịch sử nhân loại.
Các thống kê cho thấy người nghèo chính là nạn nhân phải lãnh nhiều hậu quả nhất của tình trạng nóng ấm toàn cầu đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.