Xe

Không thể để yên cho Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

19/02/2016 09:13 GMT+7

Theo chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Trung Quốc đang đi những “bước đi then chốt”, ngày càng trỗi dậy tham vọng “hải quân biển xanh” trong chiến lược biển và lực lượng trên biển hòng rắp tâm thực hiện mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Theo chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Trung Quốc đang đi những “bước đi then chốt”, ngày càng trỗi dậy tham vọng “hải quân biển xanh” trong chiến lược biển và lực lượng trên biển hòng rắp tâm thực hiện mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà”.

 Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - Ảnh: Tân Phú Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - Ảnh: Tân Phú
Đó là nhận định của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân (Bộ Quốc phòng), đương kim Chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào chiều qua 18.2.
* Ông có nhận định gì về mưu đồ và mức độ nguy hiểm trước hàng loạt hành động phi pháp của Trung Quốc khi đưa tên lửa ra Hoàng Sa, cũng như đưa máy bay ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa, kế hoạch đưa tàu tuần tra Hải cảnh 3901 “khổng lồ” xuống Biển Đông...?
- Mưu đồ của Trung Quốc “nuốt trọn” và khống chế hoàn toàn vùng biển, vùng trời Biển Đông đã toan tính từ rất lâu và cực kỳ nguy hiểm. Trung Quốc cũng đang lộ rõ tham vọng khống chế có hiệu lực trên Biển Đông, đồng thời rắp tâm “răn đe vũ lực” có mức độ đối với các nước lên tiếng phản ứng. Sách lược của Trung Quốc “gác lại tranh chấp, cùng nhau phát triển” xem như đã khép lại. Những hành động phi pháp này đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của nhiều nước có liên quan, đặc biệt là đối với chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và đối với hòa bình, sự ổn định trên Biển Đông.
Có thể nói, với hàng loạt hành động phi pháp, Trung Quốc đang đi những “bước đi then chốt”, ngày càng trỗi dậy tham vọng “hải quân biển xanh” trong chiến lược biển và lực lượng trên biển hòng rắp tâm thực hiện mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà”. Mưu đồ này của Trung Quốc đã rất rõ ràng rồi, chứ không còn “ngập ngừng” như trước nữa.
Họ rêu rao kỹ thuật lắp đặt tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm đảm bảo, không xảy ra bất trắc, nhưng ai có thể dám chắc rằng các kỹ thuật đó dù có tinh vi, hiện đại đến đâu, đều an toàn 100%? Chắc chắn trong quá trình vận hành, xử lý sẽ xảy ra những sai sót, có những trục trặc dẫn đến hậu quả khôn lường. Vụ máy bay MH17 bị rơi ở Ukraine là một tiền lệ vô cùng nguy hiểm. Với tất cả các loại máy bay dân sự, đó là một sự uy hiếp cực lớn.
Năng lực tên lửa HQ-9 của Trung Quốc - Nguồn: Reuters/Đồ họa: Công Chính

* An ninh, tự do hàng hải, hàng không quốc tế bị đe dọa thường trực, vậy vai trò của cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN cần phát huy như thế nào?
- Mỹ, Nhật và nhiều nước đã phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, nhưng theo tôi, Trung Quốc đã quân sự hóa từ khi đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974, một số đảo ở Trường Sa từ năm 1988 rồi, và bây giờ rõ ràng họ đang đẩy mạnh quân sự hóa, tăng cường sức mạnh Biển Đông nhằm đe dọa các nước trong khu vực ASEAN, tự do hàng hải, hàng không quốc tế, và đến một thời điểm phù hợp, họ sẽ so kè với Mỹ, Nhật và cộng đồng quốc tế. Do vậy thế giới phải hết sức cảnh giác, theo dõi thật chặt chẽ, lên án mạnh mẽ, phải ngăn chặn bằng được những hành động phi pháp này, chứ để mọi chuyện đã rồi thì sẽ trở tay không kịp.
Cái nguy hiểm nhất, là với những hành động phi pháp đó, Trung Quốc sẽ khống chế vùng trời, vùng biển của cả Biển Đông. Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như cả cộng đồng quốc tế không thể để yên cho Trung Quốc làm như vậy, không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và bành trướng kiểu đó.
Và tôi nghĩ rằng con đường tốt nhất cho khu vực ASEAN để giữ vững vai trò, vị trí của mình là sự lựa chọn cân bằng trong quan hệ quốc tế, hay nói một cách khác là sự lựa chọn trung lập, tích cực. Còn nếu như chấp nhận lệ thuộc vào bất cứ bên nào thì sẽ chịu sự khống chế về chính trị, kinh tế, quân sự của bên đó.
* Đối với Việt Nam và nhân dân Việt Nam thì sẽ phải hành động, đấu tranh như thế nào để bảo vệ chủ quyền đất nước?
- Với Việt Nam mình thì càng phải phản đối quyết liệt hơn nữa, vì đó là đất của mình, đảo của mình. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc thì chúng ta vẫn giữ, nhưng chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ hành động phi pháp, bất chấp của nhà cầm quyền Trung Quốc. Tôi nghĩ trước hết, nhân dân mình, với sự lãnh đạo của Đảng, hãy ra sức biến Nghị quyết của Đại hội Đảng XII thành hiện thực trong cuộc sống, để làm cho đất nước ngày càng vững mạnh, toàn dân đoàn kết một lòng, đặc biệt là quân đội, nhất là hải quân và không quân phải hết sức cảnh giác, sẵn sàng. Chúng ta hoàn toàn không mong muốn xung đột vũ trang xảy ra vì chúng ta mong muốn môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, nhưng điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc chúng ta sợ xung đột.
Từ lâu Việt Nam cũng đã kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để giữ ổn định tình hình Biển Đông. Tôi nghĩ rằng bây giờ Việt Nam phải tiếp tục đấu tranh theo luật pháp quốc tế, căn cứ vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vào Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, căn cứ vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2000.
Việc đấu tranh chống lại những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ còn lâu dài, có lúc mềm dẻo nhưng cũng rất cần sự kiên quyết, cứng rắn, không sợ va chạm để giữ lấy chủ quyền của Việt Nam, giữ lấy lợi ích chính đáng, cốt lõi của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Mình mong muốn hòa bình, mong muốn ổn định để phát triển nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với hòa bình, ổn định bằng mọi giá. Không phải anh “ru ngủ” tôi chỗ này, rồi anh lại bộc lộ hành động trái ngược với lời nói, với các cam kết. Chuyện đó chúng ta phải thấy để có cách ứng xử, giải quyết, đấu tranh rõ ràng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.