Kịch bản F-35 áp chế Trung Quốc

12/07/2016 10:17 GMT+7

Các sĩ quan không quân Mỹ vạch ra kịch bản dùng chiến đấu cơ F-22 và F-35 trong cuộc chiến tranh tiềm tàng với Trung Quốc.

Lâu nay sĩ quan không quân Mỹ thường bàn về những lợi thế trên chiến trường từ công nghệ tiên tiến của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 và những chiến đấu cơ khác. Tuy nhiên, mới đây có 2 sĩ quan không quân Mỹ đã lần đầu tiên vạch ra kế hoạch chi tiết về cách sử dụng F-35 cùng F-22 trong một cuộc chiến tranh tiềm tàng thông qua bài phân tích Fifth Generation Air Combat: Maintaining the Joint Force Advantage (tạm dịch: Tác chiến thế hệ 5: Duy trì lợi thế liên quân).
Chiến tranh tổng lực
F-35 phô diễn khả năng ở Anh
Chiến đấu cơ F-35 đã có màn trình diễn lần đầu tiên tại cuộc triển lãm hàng không quân sự lớn nhất thế giới Royal International Air Tattoo diễn ra ở Anh hồi tuần rồi, theo Reuters. Có 6 chiếc F-35 tham gia triển lãm, trong đó có 1 chiếc biểu diễn tiếp nhiên liệu giữa không trung, 1 chiếc bay cùng chiến đấu cơ F-22 và 1 chiếc biểu diễn hạ cánh theo phương thẳng đứng.
Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin hiện đang phát triển 3 phiên bản của F-35 cho Mỹ, Anh, Đan Mạch, Israel, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và Ý. Lockheed Martin dự kiến bán 3.000 chiếc F-35 trong vài thập niên tới, theo Reuters.
Bài phân tích do thiếu tướng Jeff Harrigian, người tham gia xây dựng kế hoạch tích hợp F-35 trong không quân, và đại tá Max Marosko, Phó chỉ huy các chiến dịch trên không và không gian mạng thuộc Lực lượng không quân Thái Bình Dương, viết cho Viện Nghiên cứu không gian vũ trụ Mitchell (Mỹ).
Bài viết dựa trên kịch bản căng thẳng dâng cao dẫn đến cuộc chiến tranh tổng lực vào năm 2026. Tuy không đề cập Trung Quốc là kẻ thù nhưng bài viết giả định cuộc chiến diễn ra trong một “khu vực trọng yếu ở nước ngoài”.
Theo chuyên trang Defense One, hiện chỉ có Trung Quốc và Nga là có các chiến đấu cơ thế hệ 5 và sở hữu hệ thống phòng thủ tiên tiến cần phải có sự xuất trận của F-35 để chọc thủng. Ngoài ra, theo kịch bản, F-35 có lúc phải đổi hướng hạ cánh tại một căn cứ ở Úc nên tính theo tầm tác chiến của F-35, Nga sẽ nằm ngoài phạm vi trận chiến giả định này. Vì vậy, kịch bản nói trên dứt khoát được xây dựng dựa trên một cuộc chiến tranh tổng lực với Trung Quốc.
Theo kịch bản trên, trong những ngày khai chiến, máy bay chiến đấu hai bên chủ yếu đụng độ trong vùng tranh chấp để giành ưu thế trên không. Kẻ thù sẽ gây nhiễu tín hiệu radar và vô tuyến nên chỉ có những máy bay tàng hình như F-22, F-35, B-2 và B-21 (đang phát triển) có thể bay an toàn và tấn công những mục tiêu được bảo vệ bởi tên lửa đất đối không di động. “Nếu bạn đưa chiến đấu cơ thế hệ 4 (F-15 hoặc F-16) đến đó, chúng sẽ bị tiêu diệt. Chúng tôi nghĩ những gì được triển khai phải có khả năng tiêu diệt và sống sót”, Defense One dẫn lời thiếu tướng Harrigian khẳng định.
Tiêm kích tàng hình F-35B (có thể hạ cánh thẳng đứng như trực thăng) của Thuỷ quân lục chiến Mỹ tham gia triển lãm hàng không quân sự lớn nhất thế giới Royal International Air Tattoo ở Anh Reuters
Theo kịch bản, các chiến đấu cơ thế hệ 5 sẽ được phân tán thành các phi đội nhỏ đến các căn cứ quân sự lẫn dân sự xung quanh Thái Bình Dương, có nơi cách xa chiến trường tới hơn 1.600 km, để tránh bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của kẻ thù tập kích.
Dù vậy, những chiến đấu cơ này, nhờ hệ thống liên lạc và cảm biến tiên tiến, vẫn có thể phát hiện mục tiêu và cung cấp một lớp phòng thủ quan trọng. “Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, có lúc F-35 quay lại căn cứ nhưng chỉ thấy sân bay đã bị hư hại do cuộc tấn công tên lửa của kẻ thù gây ra”, theo bài phân tích. Khi đó, theo kế hoạch khẩn cấp, những máy bay này sẽ đổi hướng sang một căn cứ dân sự gần đó và đổi phi công để tái bố trí chiến đấu cơ đến căn cứ vận hành F-35 khác, cho phép những máy bay này tiếp tục chiến đấu.
Cũng theo kịch bản, nhiều máy bay dân sự sẽ bị thiệt hại do các cuộc tấn công sân bay, khiến hoạt động dịch vụ hậu cần thương mại bị tê liệt. Kế hoạch ứng phó là các kênh phân phối quân sự và thương mại sẽ được kết nối để đảm bảo cung cấp đầy đủ phụ tùng, vũ khí, và nhiên liệu cho những chiến đấu cơ được phân tán. Nỗ lực này sẽ giúp duy trì các căn cứ trong nhiều tuần cho đến khi những tên lửa hành trình, đạn đạo đối phương bị tiêu diệt.
Khi chiến sự tiếp tục diễn ra, rõ ràng chỉ có những chiến đấu cơ F-22, F-35, B-2 và B-21 mới có thể tác chiến trên vùng tranh giao tranh trước lượng lớn hệ thống tên lửa đối không di động tiên tiến của đối phương. Nhờ khả năng định vị tiên tiến cùng khả năng tàng hình, tác chiến điện tử, F-35 có thể vô hiệu hóa những tên lửa nói trên, cho phép các lực lượng phối hợp chung như các chiến đấu cơ thế hệ cũ hơn có được không gian hoạt động.
“Những khả năng tác chiến và tích hợp của chiến đấu cơ thế hệ 4 và 5 sẽ tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột vì sự phối hợp này cung cấp cho các lực lượng Mỹ và đồng minh sự linh hoạt, lượng đạn dược cần thiết để có thể đạt được lợi thế”, hai sĩ quan Mỹ viết trong kịch bản.
Không quân Mỹ từ tháng 8 đến tháng 12.2016 sẽ lần đầu tiên đưa một phi đội F-35 của lực lượng này vào tình trạng sẵn sàng tác chiến Reuters
Điều kiện chiến thắng
Thế nhưng, để chiến thắng cuộc chiến nói trên, hai sĩ quan Harrigian và Marosko cho rằng Lầu Năm Góc cần phải thay đổi nhiều trong cách sử dụng chiến đấu cơ. Cụ thể, F-22 và F-35 cần phải được bay thường xuyên hơn. Không giống hầu hết các sứ mệnh hiện nay, F-22 và F-35 sẽ nhận thông tin mục tiêu từ trung tâm chỉ huy thông qua những máy tính và thiết bị công nghệ cao khi chúng bay đến chiến trường. Do đó cần nâng cấp sự kết nối giữa các máy bay cũ và mới. Đại tá Marosko còn cho rằng không quân cần triển khai nhanh chóng F-22 và F-35 từ các căn cứ ở Mỹ vì kẻ thù có thể điều khí tài bố trí phục kích xung quanh chiến trường. Ngay cả F-35 cũng cần thu thập và chuyển tải dữ liệu về trung tâm chỉ huy và những chiến đấu cơ khác một cách nhanh chóng.
Thời điểm công bố bài phân tích của hai ông Harrigian và Marosko rất đáng lưu ý vì không quân Mỹ từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ lần đầu tiên đưa một phi đội F-35 của lực lượng này vào tình trạng sẵn sàng tác chiến. Điều này có nghĩa một chỉ huy quân đội khu vực có thể đề nghị triển khai những chiếc F-35 đó cho sứ mệnh tác chiến. Vào năm ngoái, thủy quân lục chiến Mỹ đã đưa một phi đội F-35 vào tình trạng sẵn sàng tác chiến nhưng chúng vẫn chưa được triển khai cho bất kỳ sứ mệnh nào. Phó tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ Jon Davis hồi tuần rồi tiết lộ rằng lực lượng này đã đưa phi đội F-35 thứ 2 vào tình trạng trên và sẽ điều một phi đội F-35 (gồm 10 chiếc) tới Nhật vào tháng 1.2017, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.