Lệnh trừng phạt Triều Tiên nặng đến mức nào?

13/09/2017 07:33 GMT+7

Hơn 90% lượng hàng hóa xuất khẩu của CHDCND Triều Tiên hiện nằm trong danh sách cấm vận sau nghị quyết trừng phạt mới nhất của HĐBA LHQ.

Sau quá trình đàm phán về nội dung do Mỹ soạn thảo, các thành viên HĐBA LHQ ngày 11.9 nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân ngày 3.9. Tuy không kèm theo điều khoản cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu hoặc đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un như Mỹ mong muốn lúc đầu, nhưng lệnh trừng phạt lần này được coi là đòn cứng rắn nhất so với 8 nghị quyết trước đó của HĐBA kể từ năm 2006.
Dệt may và xuất khẩu lao động
Theo nghị quyết thứ 9, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu toàn bộ các sản phẩm dệt may. Đây là ngành thu ngoại tệ chính của nước này, chỉ xếp sau than, sắt và một số loại khoáng sản khác. Sản lượng dệt may xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2016 là 752,5 triệu USD, chiếm 1/4 tổng sản lượng hàng hóa xuất khẩu, theo AP dẫn số liệu của chính phủ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các nước bị cấm cấp giấy phép lao động mới cho nhân công Triều Tiên trong khi những người đang làm việc ở nước ngoài có thể tiếp tục công việc cho đến khi giấy phép hết hạn.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn bị cấm tham gia đầu tư vào các dự án kinh tế chung, ngoại trừ các liên doanh đang hoạt động như các đập thủy điện hợp tác giữa nước này với Trung Quốc trên sông Áp Lục; dự án đường sắt, cảng biển Khasan-Rajin với Nga. Chính quyền Mỹ ước tính lệnh trừng phạt mới cộng với những biện pháp trước đây đã khiến hơn 90% lượng hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên nằm trong danh sách cấm vận.


Phản ứng quốc tế
Chính quyền Hàn Quốc nhận định nghị quyết mới sẽ có tác động tích cực lên vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng vũ khí của mình để không bị cô lập. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng hoan nghênh lệnh trừng phạt và khẳng định đây là biện pháp quan trọng nhằm thay đổi chính sách của Triều Tiên. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia miễn cưỡng ủng hộ nghị quyết khi tuyên bố Moscow tán thành việc trừng phạt lần này vì “sẽ là sai lầm nếu không có phản ứng cứng rắn đối với vụ thử hạt nhân”. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cùng ngày kêu gọi các bên sớm nối lại đàm phán và Triều Tiên cần nghiêm túc tiếp nhận ý chí của cộng đồng quốc tế.

Sau phiên biểu quyết, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố nghị quyết này nhắm vào nguồn cung tài chính cho chương trình vũ khí của Triều Tiên và “đặt dấu chấm hết” cho việc Bình Nhưỡng thu lợi từ 93.000 lao động ở nước ngoài, theo Reuters. Bà Haley đánh giá điều khoản sẽ tước đi của Triều Tiên thêm 500 triệu USD lợi nhuận mỗi năm hoặc hơn.
Hồi đầu tháng 8, HĐBA đã thông qua nghị quyết cấm Triều Tiên xuất khẩu các mặt hàng như than, quặng sắt, hải sản..., khiến nước này mất 1/3 tổng thu nhập 3 tỉ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu. Lệnh trừng phạt được đưa ra sau 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng ngày 4.7 và 29.7.
Hạn chế nhập khẩu dầu
Ở chiều ngược lại, HĐBA cấm các nước xuất khẩu khí tự nhiên và khí ngưng tụ sang Triều Tiên; cấm nước này nhập khẩu quá 2 triệu thùng sản phẩm lọc dầu mỗi năm; đồng thời áp đặt trần nhập khẩu dầu thô mỗi năm ở mức như 12 tháng qua. Theo giới chức Mỹ, Triều Tiên nhập khẩu khoảng 4,5 triệu thùng sản phẩm lọc dầu như xăng và diesel mỗi năm, nghĩa là biện pháp mới sẽ khiến lượng nhập khẩu hàng hóa này bị cắt giảm hơn một nửa.
Theo AFP, chính quyền Mỹ trước đó muốn cấm vận hoàn toàn việc nhập khẩu dầu của Triều Tiên nhưng bị Trung Quốc phản đối kịch liệt vì sợ rằng sẽ khiến nền kinh tế Bình Nhưỡng sụp đổ. Ngoài những quy định trên, HĐBA còn yêu cầu các nước theo dõi, phát hiện tàu thuyền chở theo hàng lậu của Triều Tiên lưu thông trên biển.
Phản ứng trước lệnh trừng phạt mới, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Han Tae-song ngày 12.9 cảnh báo đòn đáp trả sắp tới của Bình Nhưỡng “sẽ khiến Mỹ chịu đau đớn nhất từ trước đến nay”, theo Hãng thông tấn Sputnik.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.