Liên minh ma quỷ giữa mafia và IS

22/10/2016 12:01 GMT+7

Mafia Ý đang câu kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Libya để đổi súng ống lấy các cổ vật vô giá trong khu vực.

Trong bối cảnh nguồn tài chính đang cạn dần do bị triệt phá các đường dây khai thác và buôn lậu dầu cũng như đã bóc lột cạn kiệt những thành phố chiếm đóng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị cho là đã bắt tay với mafia Ý để đổi cổ vật lấy vũ khí.
Mafia bắt tay khủng bố
Theo điều tra mới nhất của nhật báo La Stampa (Ý), tập đoàn mafia khét tiếng ’Ndrangheta ở miền nam nước này đang tổ chức đường dây buôn lậu xuyên biên giới vô cùng phức tạp có sự dính líu của tội phạm Đông Âu và Trung Quốc.
Một tượng cổ trị giá 1,83 triệu USD bị buôn lậu khỏi Libya - Ảnh: PAMột tượng cổ trị giá 1,83 triệu USD bị buôn lậu khỏi Libya - Ảnh: PA
Cụ thể, ’Ndrangheta bắt tay với tổ chức Camorra ở Naples thu mua súng trường Kalashnikov và súng phóng lựu vác vai được mafia Nga tuồn khỏi Ukraine và Moldova.
Sau đó, số vũ khí này trở thành hàng hóa trao đổi với các bức tượng và cổ vật quý hiếm mà các tay súng IS chiếm giữ tại Libya, Syria và Iraq. Tuy không hoành hành dữ dội như ở Syria và Iraq nhưng IS lại chiếm được một khu vực có vị trí chiến lược ở Libya là Sirte. Nơi này vừa là cứ điểm của các lực lượng chống chính quyền mới của Libya sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vừa là hải cảng quan trọng hướng ra Địa Trung Hải. Vì thế, cảng Sirte đã bị biến thành điểm chuyển hàng giữa IS và tội phạm châu Âu.
Phóng viên của tờ La Stampa đã giả trang thành một tay môi giới đồ cổ lậu và tìm cách tiếp xúc với ’Ndrangheta. Sau nhiều tháng trời, phóng viên này mới lấy được lòng tin và được dẫn đến một điểm tập trung cổ vật buôn lậu có vỏ bọc là cơ sở sản xuất xúc xích ở TP.Calabria. Tại đây, một đầu tượng bằng đá cẩm thạch từ thời La Mã do IS tuồn ra từ Libya được rao bán với giá 60.000 euro (hơn 1,4 tỉ đồng). Tên quản lý của ’Ndrangheta ở cơ sở này còn khoe sắp nhận một đầu tượng thời Hy Lạp cổ giá 800.000 euro và nói nếu “đối tác” muốn mua thì phải đặt trước.
Theo kết quả điều tra, những món đồ cổ vô giá thời Hy Lạp, La Mã và các nền văn minh Trung Đông tiền Hồi giáo bị IS cướp bóc từ nhiều khu vực ở Libya, Syria và Iraq. IS chất hàng lên tàu ngụy trang bằng cách treo cờ Trung Quốc và xuất phát từ cảng Sirte đến cảng Gioia Tauro tại Calabria. Từ điểm tập kết này, những báu vật vô giá của nhân loại được rao bán cho các đại gia Nga, Trung Quốc và vùng Vịnh. Đổi lại, những con tàu chở đầy vũ khí lại từ Calabria trực chỉ Sirte.
Thủ đoạn cũ, khách hàng mới
Thật ra, giới chức Ý từ lâu đã cáo buộc tội phạm nước này nhúng tay vào việc mua bán vũ khí với các nhóm Hồi giáo cực đoan. “Ở Naples, các tay súng Hồi giáo và băng Camorra đã trao đổi súng ống và ma túy từ thập niên 1990”, tờ The Times dẫn lời một điều tra viên kỳ cựu giấu tên cho biết.
Mafia cũng có chân trong các vụ mua bán số lượng lớn cổ vật bị đào trộm trong các ngôi mộ thuộc nền văn minh Etrusca (1200 - 550 trước Công nguyên) trên lãnh thổ Ý. Bên cạnh đó, hoạt động đào bới và buôn lậu cổ vật từ thời La Mã, Hy Lạp đã tăng vọt tại Libya sau cái chết của ông Gaddafi vào năm 2011. Ngay cuối năm đó, cảnh sát Anh đã phát hiện một bức tượng làm từ đá hoa cương cao khoảng 1,2 m được định giá 2,44 triệu USD trong một kho hàng ở phía tây London. Kết quả điều tra cho thấy bức tượng bị lấy khỏi thành phố cổ Cyrene ở Libya, theo tờ The Times.
Đến khi IS trỗi dậy tại khu vực thì tình trạng này lại càng nghiêm trọng hơn. Nhà nước Hồi giáo tự xưng một mặt điên cuồng phá hủy những bức tượng, phù điêu bị cho là “ngoại đạo”, một mặt ra sức cướp bóc tuồn ra nước ngoài để kiếm tiền và súng ống. “Hiện đang có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa IS và các nhóm tội phạm châu Âu để đổi cổ vật hoặc ma túy để lấy vũ khí”, La Stampa dẫn lời chuyên gia Susan Kane thuộc ĐH Oberlin (Mỹ) nhận định.
Chiến sự Iraq diễn biến phức tạp
Ngày 21.10, Reuters dẫn lời Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi tuyên bố nỗ lực giải phóng TP.Mosul khỏi tay IS đang diễn biến nhanh hơn dự kiến. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh quân chính phủ và lực lượng tự vệ người Kurd giành được nhiều thắng lợi trong chiến dịch giải phóng các ngôi làng và thị trấn ngoại ô Mosul để khép vòng vây.
Từ rạng sáng qua 21.10, quân đội Iraq nã pháo và súng cối vào nhiều cứ điểm của IS cách Mosul khoảng 10 -20 km trong khi chiến đấu cơ của liên quân quốc tế quần đảo trên không tại 2 chiến tuyến ở phía bắc và đông Mosul. Phía IS sử dụng chiến thuật đánh bom tự sát bằng xe hơi, gài mìn ven đường và bắn tỉa để chống cự nhưng tỏ ra yếu thế vì chênh lệch lớn về lực lượng.
Tuy nhiên, cũng trong cùng ngày 21.10, IS bắt hơn 500 gia đình ở Mosul ra làm lá chắn sống đồng thời mở đợt tấn công lớn nhằm vào TP.Kirkuk, nằm giữa thành phố này và thủ đô Baghdad, nhằm phân tán lực lượng chính phủ cũng như chiếm cứ điểm mới. Theo Reuters, giao tranh vẫn đang tiếp diễn và đã có hàng chục nhân viên an ninh Iraq ở Kirkuk thiệt mạng.
Cùng ngày, AFP đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vấn đề Mosul. Trước đó, giới chức Ankara tuyên bố sẽ hỗ trợ chiến dịch giải phóng thành phố này và sẽ triển khai chiến đấu cơ “vào thời điểm thích hợp”. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình hình thêm phức tạp vì Iraq cương quyết phản đối trong khi mục tiêu của Ankara ngoài IS còn có lực lượng tự vệ người Kurd, vốn được Mỹ ủng hộ và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống IS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.