Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn 12 cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng dự Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 15, diễn ra từ 3 - 5.6. Hôm qua, bên cạnh tham dự các phiên thảo luận cũng như gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Roberta Pinotti và Giám đốc phụ trách an ninh và đối ngoại EU Gunnar Wiegan, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng trả lời phỏng vấn riêng lẻ 10 cơ quan báo chí quốc tế. Thanh Niên trích đăng một số câu hỏi và trả lời được dư luận quan tâm nhất.
BBC, Asahi Shimbun: Hôm 3.6, trước khi SLD khai mạc, Trung Quốc đã phát tờ rơi tuyên truyền sai lệch về ranh giới chủ quyền ở Biển Đông của họ. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi không biết ai phát tán và cũng chưa nghiên cứu tờ rơi đó. Nhưng nếu tôi là người đó, tôi sẽ không làm như thế. Bởi SLD là một diễn đàn mở và minh bạch, nơi cả thế giới lắng nghe quan điểm của nhau. Nếu ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình thì dùng diễn đàn này tốt hơn nhiều so với biện pháp phát tờ rơi.
BBC, Yomiuri: Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Quyết định này sẽ làm thay đổi năng lực quốc phòng của Việt Nam thế nào và Việt Nam có đang cân nhắc mua thiết bị nào của Mỹ không?
Đây là một việc đáng hoan nghênh, dù đã muộn. Tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt, tương xứng với quan hệ toàn diện Việt - Mỹ. Nó cho phép Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, việc Việt Nam tính toán mua gì đã có từ trước. Việt Nam chỉ mua những thứ đủ để dùng thôi. Cho đến nay, chưa có bất cứ quyết định mua thêm nào được đưa ra.
BBC, Asahi Shimbun, Yomiuri, Channel NewsAsia: Tòa trọng tài thường trực LHQ sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Ông có bình luận gì về việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện và cũng tuyên bố không chấp nhận phán quyết này?
Cho đến nay tòa chưa ra phán quyết nên chúng tôi chưa thể đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng tiến trình ngoại giao và pháp lý được coi là tiến trình hòa bình để giải quyết các tranh chấp.
Yomiuri, China Review News Agency (Hồng Kông), Kanwa Defense Review: Trung Quốc gần đây có đề cập lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Ông có đánh giá gì về tác động của một ADIZ như vậy nếu Trung Quốc thực sự tuyên bố?
Cho đến nay Trung Quốc hay bất kỳ nước nào chưa đưa ra một tuyên bố như vậy, nên tôi không bình luận về điều này. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng quyền kiểm soát trên không đã được luật pháp quốc tế cụ thể và luật hàng không quy định rất rõ ràng. Chúng tôi chấp hành những gì các luật này quy định. Nên chúng tôi phản đối bất cứ cái gì đi ngược lại luật pháp quốc tế, luật hàng không và luật pháp của Việt Nam liên quan đến vùng trời, vùng biển và quyền quản lý của Việt Nam. Chúng tôi càng phản đối hơn nữa những động thái làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không, uy hiếp an ninh hàng không.
|
China Review News Agency: Trung Quốc gần đây có thông tin rằng tuyên bố năm 1990 của họ về đường cơ sở có thể được sử dụng làm cơ sở lập ADIZ ở Biển Đông. Việt Nam có phản ứng thế nào về điều này?
Tôi chưa nghe tuyên bố đó. Nhưng tôi chỉ nói: Mọi tuyên bố không đúng với luật pháp quốc tế đều vô nghĩa!
Kanwa Defense: Việt Nam có một nền kinh tế đang phát triển mạnh với dân số lớn, tôi hy vọng Việt Nam có thể phát triển một nền công nghiệp quốc phòng của riêng mình. Xin được hỏi Việt Nam có kế hoạch như vậy trong ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn không? Mục tiêu và tầm nhìn của nó, nếu có, là gì? VN có hoan nghênh đầu tư tư nhân vào nền công nghiệp quốc phòng của mình?
Tôi cũng mong muốn giống ông rằng Việt Nam có kế hoạch xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tự vệ của chính mình, vừa hiện đại và vừa có cơ chế phù hợp với các thông lệ, quy chuẩn quốc tế mà Việt Nam đang áp dụng.
Về mặt chiến lược: Thứ nhất, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam phải đi từ thấp lên cao. Chúng tôi không thể có ngay cơ sở hiện đại mà sẽ tận dụng những gì đang có trước. Thứ hai, không thể không có hợp tác quốc tế. Vì vậy, chúng tôi rất cần những người bạn, những đối tác có chính sách minh bạch, rõ ràng, không ảnh hưởng đến quốc gia nào. Thứ ba, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam không gây lo ngại cho bất kỳ quốc gia nào. Thứ tư, các nhà máy phải có công nghệ không chỉ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật mà cả các sản phẩm cho xã hội.
Chúng tôi sẵn sàng đón nhận nguồn đầu tư bất kể của doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, hay nước ngoài, với điều kiện doanh nghiệp nước ngoài phải được sự cho phép của quốc gia họ.
Hôm nay 5.6, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh sẽ có bài phát biểu và trả lời cử tọa trong phiên họp toàn thể bàn về những thách thức trong việc tìm giải pháp cho xung đột.
Bình luận (0)