Mỹ bán công nghệ tàu ngầm: chỉ là chuyện làm ăn?

12/04/2018 08:36 GMT+7

“Đài Loan sẽ phải tự chấp nhận rủi ro với các công ty Mỹ khi ký kết hợp đồng vì đây là thỏa thuận thương mại," một nhà phân tích nhận định.

Giới phân tích nhận định việc chính quyền Mỹ chấp thuận cho các nhà thầu quốc phòng của nước này bán công nghệ và các thành phần giúp Đài Loan tự đóng tàu ngầm chỉ đơn thuần là chuyện buôn bán chứ không hẳn là hỗ trợ quân sự, theo tờ South China Morning Post.
Nhận xét này được đưa ra sau khi hãng tin CNA dẫn lời người phát ngôn Cơ quan phòng vệ Đài Loan, ông Trần Trung Cát xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhất trí cấp giấy phép nhằm bán công nghệ cần thiết giúp Đài Loan tự đóng tàu ngầm. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về thông tin này. Bắc Kinh ngay sau đó đã lên tiếng phản đối.
Vào năm 2017, lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố dự định đóng 8 tàu ngầm nội địa nhằm thế hạm đội cũ kỹ hiện tại. Động thái mới nhất của chính quyền Mỹ có thể giúp Đài Loan có được công nghệ và vũ khí hiện đại, cùng chuyên môn lắp ráp để hiện thực hóa hy vọng này, các chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, các nhà phân tích đã chỉ ra sự khác biệt giữa việc cho phép nhà thầu quốc phòng Mỹ cung cấp công nghệ với việc hỗ trợ quân sự đơn thuần.
Theo giáo sư Vương Công Di thuộc Đại học Văn hóa Trung Quốc ở TP.Đài Bắc, “Đài Loan sẽ phải tự chấp nhận rủi ro với các công ty Mỹ khi ký kết hợp đồng vì đây là thỏa thuận thương mại. Trong khi đó, nếu ký kết thỏa thuận bán vũ khí thì ít nhất chính phủ Mỹ đảm bảo chúng có thể hoạt động được”.
Chẳng hạn, khi Đài Loan chế tạo chiến đấu cơ nội địa nhiều năm trước, Mỹ không những cung cấp công nghệ cần thiết mà còn gửi hàng trăm kỹ thuật viên đến giúp lắp đặt, thử nghiệm máy bay trước khi sản xuất đại trà.
Cũng theo Giáo sư Vương, chính sách châu  Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm đến "khuyến khích các đồng minh, đối tác tự tăng cường năng lực phòng thủ và mua sắm vũ khí Mỹ". Vì vậy, cấp giấy phép bán công nghệ là bước đi "đúng định hướng, miễn là cuối cùng Mỹ có thêm tiền".
Bên cạnh đó, South China Morning Post cũng dẫn lời ông Arthur Ding, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Chính trị Đài Loan, cho rằng cũng phải chờ xem Washington có thật sự sẽ chuyển giao các công nghệ hiện đại và hệ thống vũ khí tinh vi cho Đài Bắc hay không, vì trong số này có những công nghệ thuộc dạng không được phép xuất khẩu.
Hồi năm 2001, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ George W. Bush từng phê chuẩn bán 8 tàu ngầm thông thường cho Đài Loan, nhưng chưa bao giờ giao hàng, một phần là do Mỹ không còn đóng loại tàu này nữa mà chỉ đóng tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo South China Morning Post. Đức và Tây Ban Nha cũng được cho là đã từ chối bán thiết kế tàu ngầm cho Đài Loan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.