Mỹ không thể và không làm thay được ASEAN

17/02/2016 07:30 GMT+7

'Chính ASEAN phải có tiếng nói quan trọng và quyết định trong các vấn đề của chính mình và khu vực. Mỹ và quan hệ Mỹ - ASEAN chỉ giúp thúc đẩy chứ không thể và không làm thay được ASEAN', theo Đại sứ VN tại Indonesia.

'Chính ASEAN phải có tiếng nói quan trọng và quyết định trong các vấn đề của chính mình và khu vực. Mỹ và quan hệ Mỹ - ASEAN chỉ giúp thúc đẩy chứ không thể và không làm thay được ASEAN', theo Đại sứ VN tại Indonesia.

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN khai mạc sáng ngày 16.2 theo giờ VN tại Sunnylands (California, Mỹ) - Ảnh: ReutersHội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN khai mạc sáng ngày 16.2 theo giờ VN tại Sunnylands (California, Mỹ) - Ảnh: Reuters
Ngày 16.2 (giờ Việt Nam), tại Sunnylands, California, Mỹ, bắt đầu diễn ra các hoạt động chính thức của cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ. Thanh Niên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.
Mỹ muốn làm "điều gì đó"
Về tầm quan trọng của cuộc gặp, đã có nhiều bài báo, phân tích gần đây nêu thông tin đầy đủ, chỉ xin tóm lại 3 nét chính: Cuộc gặp này thể hiện vai trò địa - chiến lược và địa - kinh tế ngày càng quan trọng của ASEAN trong cục diện châu Á - Thái Bình Dương và thế giới; Cho thấy tầm quan trọng của ASEAN và quan hệ ASEAN - Mỹ của chính quyền Tổng thống Barack Obama; Bối cảnh khu vực, quốc tế cũng như những đòi hỏi từ bên trong nước Mỹ và ASEAN đưa quan hệ ASEAN-Mỹ phát triển thực chất hơn nữa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
"Rõ ràng, nếu ASEAN không đoàn kết, không xây dựng sức mạnh nội lực thì chắc chắn sẽ chẳng có cuộc họp như Sunnylands. Do đó, ưu tiên phải là ASEAN, ASEAN và ASEAN. Từ nền tảng vững chắc là ASEAN thì trong tương lai sẽ có nhiều cuộc họp Sunnylands khác, sẽ không chỉ có Mỹ mà còn Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU... ve vãn và thúc đẩy quan hệ với ASEAN".
Ông Hoàng Anh Tuấn
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia
Kể từ khi ông Barack Obama lên cầm quyền, cùng với chiến lược tái cân bằng, xoay trục sang Châu Á, quan hệ của Mỹ với ASEAN liên tục được chú trọng. Và cũng vì vậy mà tần suất các cuộc gặp gỡ cấp cao ASEAN - Mỹ trong những năm gần đây cũng tăng lên tương ứng.
Bắt đầu từ cuộc gặp cấp cao ASEAN - Mỹ lần đầu tiên tại Singapore hồi tháng 11.2009 bên lề Hội nghị cấp cao APEC, và cuộc gặp ASEAN-Mỹ lần thứ hai vào tháng 9.2010 bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, từ đó đến trước cuộc gặp cấp cao tại Sunnylands lần này, năm nào cũng diễn ra Cuộc gặp cấp cao ASEAN - Mỹ.
Đáng chú ý, trong các cuộc gặp cao cấp ASEAN - Mỹ thì quyết định đi đến cuộc gặp cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ nhất vào tháng 11.2009 là quan trọng nhất, cho thấy Mỹ không chỉ xoay trục bằng lời nói mà đã quyết tâm hành động. Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ là quốc gia đầu tiên bên ngoài ASEAN quyết định cử Đại sứ và lập phái đoàn ngoại giao thường trực bên cạnh Ban thư ký ASEAN.
Cần nhớ lúc này Myanmar vẫn bị Mỹ cấm vận, nhưng chính quyền của ông Barack Obama vẫn quyết định đi đến cuộc họp Thượng đỉnh với ASEAN.
Như vậy, trước Hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands đã có tổng cộng 7 cuộc gặp cấp cao ASEAN - Mỹ. Tuy nhiên, cuộc gặp cấp cao tại Sunnylands lần này là cuộc gặp cấp cao riêng rẽ đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN trên đất Mỹ, không phải bên lề các cuộc gặp khác như trước đây nên tự bản thân nó đã nói lên vai trò quan trọng. 
Bên cạnh đó, việc chính quyền của ông Obama chọn cuộc gặp cấp cao diễn ra sớm chứ không phải muộn như mọi lần (thường vào cuối năm), khi mà Tổng thống Mỹ gần như đã hết vai trò trước khi mãn nhiệm vào tháng 1.2017, cho thấy Mỹ muốn làm "điều gì đó" thực chất trong quan hệ với ASEAN.
Biển Đông ở đâu trên bàn nghị luận?
Nhiều nhà quan sát trong và ngoài khu vực kỳ vọng câu chuyện Biển Đông sẽ là trọng tâm cuộc gặp và sẽ có "đột phá" giữa Mỹ và ASEAN trong vấn đề này. Rồi cũng có những đánh giá cho rằng Trung Quốc sẽ là "đối tượng" của cuộc họp cấp cao ASEAN - Mỹ tại Sunnylands...
Chắc chắn Biển Đông là quan trọng và là một ưu tiên trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, những ai suy nghĩ như trên có thể sẽ ít nhiều thất vọng khi hội nghị kết thúc. 
Ánh nắng chiếu vào phòng hội nghị, khu Sunnylands được gọi là vùng đất nắng ấm và được xem là Trại David phía tây của Mỹ - Ảnh: Reuters
Quan hệ Mỹ - ASEAN có rất nhiều vấn đề cần thảo luận và thúc đẩy hợp tác. Mấu chốt ở đây là cần phải có một ASEAN mạnh, hòa bình, ổn định khu vực phải được duy trì và chính ASEAN phải là người có tiếng nói quan trọng và quyết định trong các vấn đề của mình và khu vực. Mỹ và quan hệ Mỹ - ASEAN chỉ giúp thúc đẩy chứ không thể và không làm thay được ASEAN.
Nhìn lại lịch sử quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á trong những năm 1960, đầu 1970 dễ dàng thấy tình hình ở khu vực khi đó có một số điểm tương đồng với Trung Đông ngày nay, như: Chiến tranh Đông Dương; sự có mặt của 540.000 lính Mỹ ở miền nam Việt Nam; các nhóm phiến quân Mao-it hoạt động ở Malaysia, Thái Lan, Philippines; tình trạng lạc hậu, bất ổn kinh tế; đặc biệt là cạnh tranh giữa các nước lớn Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô ở khu vực...
Vào thời điểm đó, các lãnh đạo ASEAN đã chọn các giải pháp: Không một chiều dựa dẫm, phụ thuộc vào các nước lớn; thi hành một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy chủ nghĩa khu vực và coi ASEAN làm trọng; thực thi chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, coi giải pháp phát triển kinh tế - xã hội là chìa khóa...
Cần nhớ rằng khi đó ASEAN-5 hoàn toàn có thể dựa hơn vào các đồng minh Mỹ và Phương Tây nhưng họ đã quyết định không làm như vậy. Và đây là quyết định đúng và ASEAN đã thành công.
Giải pháp cho ASEAN
Cũng như trước kia, giải pháp cho ASEAN hiện nay cũng không khác mấy. Vấn đề là phải xem kỹ, học kỹ các bài học lịch sử. Chỉ và chỉ có ASEAN mới giải quyết được các vấn đề của riêng mình chứ không phải bất kỳ nước ngoài nào khác. Cho dù ASEAN có chọn giải pháp gì, công cụ nào, nghiêng về ai giai đoạn nào, trong vấn đề gì... đều phải do chính ASEAN quyết định chứ không phải là sự áp đặt từ bên ngoài hay giải pháp tình thế.

[CLIP] Tổng thống Barack Obama đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị Mỹ - ASEAN tại Sunnylands

Họ nhìn sang ASEAN với tư cách là cả khối chứ không có nước nào có chiến lược xoay trục sang từng thành viên ASEAN riêng rẽ như Malaysia, Indonesia hay Việt Nam.

 Ông Hoàng Anh Tuấn

Hãy nhìn vào chiến lược/chính sách của các nước lớn xoay trục, tái cân bằng với Đông Nam Á, chúng ta thấy rằng không chỉ có Mỹ mà hầu hết các trung tâm quyền lực khác trên thế giới như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ đều có chiến lược xoay trục sang khu vực. Như vậy họ nhìn sang ASEAN với tư cách là cả khối chứ không có nước nào có chiến lược xoay trục sang từng thành viên ASEAN riêng rẽ như Malaysia, Indonesia hay Việt Nam.
Rõ ràng, nếu ASEAN không đoàn kết, không xây dựng sức mạnh nội lực thì chắc chắn sẽ chẳng có cuộc họp như Sunnylands. Do đó, ưu tiên phải là ASEAN, ASEAN và ASEAN. Từ nền tảng vững chắc là ASEAN thì trong tương lai sẽ có nhiều cuộc họp Sunnylands khác, sẽ không chỉ có Mỹ mà còn Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU... ve vãn và thúc đẩy quan hệ với ASEAN.
Các chuyển biến trong khu vực hiện vẫn còn những dấu hiệu trái ngược. Trong Thông điệp chính sách đối ngoại đầu năm mới 2016, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nhấn mạnh dứt khoát: ASEAN là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Một số nước ASEAN khác cũng có các tuyên bố chính sách hay sự chuyển hướng như vậy. 
Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, cũng trong năm 2016, trong một nỗ lực cắt giảm các cuộc họp của ASEAN, ASEAN tạm thời quyết định năm 2016 này sẽ chỉ còn một cuộc gặp cấp cao ASEAN thay vì hai như trước. 
Đáng ra, khi ASEAN phải đương đầu với nhiều thách thức hơn như hiện nay thì tần suất các cuộc họp cấp cao ít nhất phải được duy trì là 2 như trước nếu không nói cần tăng thêm. Hãy nhìn sang EU, trong năm qua lãnh đạo của họ có đến hàng chục cuộc gặp cấp cao trong năm 2015. Nhờ vậy nhiều cuộc khủng hoảng như tài chính, di cư, khủng bố... đã bớt tồi tệ hơn.
Rất hy vọng quyết định trên chỉ tạm thời và sẽ có nhiều cuộc gặp cấp cao ASEAN hơn trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.