Mỹ triển khai máy bay P-8 ở Singapore

09/12/2015 08:32 GMT+7

Việc triển khai phi cơ săn tàu ngầm tại Singapore cho phép hải quân Mỹ thực hiện nhiều sứ mệnh ở Biển Đông.

Việc triển khai phi cơ săn tàu ngầm tại Singapore cho phép hải quân Mỹ thực hiện nhiều sứ mệnh ở Biển Đông.

Một chiếc P-8 của hải quân Mỹ - Ảnh: ReutersMột chiếc P-8 của hải quân Mỹ - Ảnh: Reuters
Thông tin trên được Bộ Quốc phòng hai nước loan ra trong thông cáo chung về việc ký kết Hiệp định hợp tác quốc phòng song phương (DCA) tại Washington vào rạng sáng qua 8.12 (giờ Singapore). Hiệp định tăng cường hợp tác này được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen tại Lầu Năm Góc. Ông Ng đang thăm Washington từ ngày 6 - 10.12, nhân kỷ niệm 25 năm hai nước ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng (MOU, 1990) và 10 năm Hiệp định khung hợp tác chiến lược (SFA, 2005).
Bản thông cáo cho biết, DCA “cung cấp cho đôi bên một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đầy tham vọng”. Theo đó, hai bên sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai quân đội, hợp tác về chính sách, chiến lược và công nghệ quân sự, cũng như đối phó các nguy cơ an ninh phi truyền thống như cướp biển, khủng bố.
Đặc biệt, bản thông cáo cho hay Mỹ đã triển khai máy bay trinh sát P-8 Poseidon tại Singapore trong vòng 1 tuần, từ 7 - 14.12. Thông cáo không nói rõ có bao nhiêu máy bay Poseidon được triển khai trong đợt này, mà chỉ cho biết: “Việc triển khai này tạo điều kiện phối hợp tác chiến cao hơn với quân đội các nước trong khu vực thông qua các cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ kịp thời cho công tác khắc phục thiên tai, cứu trợ nhân đạo và các nỗ lực duy trì an ninh biển”.
Trả lời Thanh Niên về số phi cơ Poseidon được triển khai, một người ở Bộ Quốc phòng Singapore đề nghị không nêu tên nói rằng cơ quan này không xác nhận về con số. Theo Reuters, chỉ có một chiếc được triển khai trong đợt này.
Do thám Biển Đông
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia về an ninh biển của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), ông Collin Koh Swee Lean, cho rằng phi cơ P-8 không thuộc loại “đại trà” nên “chỉ một hoặc hai chiếc” được triển khai ở Singapore là con số khả dĩ. “Khả năng cao là một chiếc, với sứ mệnh triển khai luân phiên trong khu vực”, ông Koh nói.
Mặc dù bản thông cáo chung nói rằng máy bay P-8 chỉ lưu trú tại Singapore một tuần và tham gia “các cuộc diễn tập song phương và đa phương”, nhưng người của Bộ Quốc phòng Singapore được đề cập ở trên khẳng định hiện không có cuộc diễn tập song phương hay đa phương nào trong khu vực.
Bình luận về điều này, ông Koh nói rằng thông tin trong bản thông cáo là “rất chung chung” và P-8 “không nhất thiết” chỉ có mặt ở Singapore trong vòng một tuần, hay chỉ tham gia các cuộc diễn tập với sự có mặt của Singapore. “Triển khai ở Singapore, phi cơ của Mỹ có điều kiện sử dụng ở mức cao nhất các thiết bị quân sự mà nước chủ nhà có. Và giả sử Philippines hay Nhật Bản có diễn tập thì máy bay P-8 cũng có thể tham gia”, ông Koh giải thích.
Ngoài ra, theo ông Koh, P-8 có thể thực hiện nhiều sứ mệnh khác, chẳng hạn cùng các phương tiện của Singapore thực hiện do thám Biển Đông, phục vụ công tác do thám chống cướp biển vốn đang hoành hành ở Đông Nam Á mà các nước trong khu vực còn thiếu năng lực đối phó... Ông Koh cũng nói rằng khả năng P-8 do thám tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn có thể”, bởi đó là “một trong các tính năng mà máy bay này được thiết kế”.
Cân bằng nước lớn
Trong thông cáo riêng về việc ký DCA và triển khai P-8, Bộ Quốc phòng Singapore cũng nói thêm rằng: “Hai bộ trưởng Ng và Carter đã tái khẳng định tầm quan trọng của sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định của khu vực”. Thông điệp này cùng với việc triển khai P-8 được một số nhà quan sát nhận định rằng sẽ gây phản ứng mạnh từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Koh cho rằng “Trung Quốc không có cơ sở nào để chỉ trích, hay ngăn cản Singapore” trong việc cho phép P-8 triển khai trong vùng biển của mình, như họ đã chỉ trích Malaysia trước đó. Lý do là “Bắc Kinh đủ khôn ngoan để biết rằng Singapore và Mỹ có truyền thống hợp tác quốc phòng từ lâu”, và việc Mỹ hiện diện quân sự ở châu Á là liên tục kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, trong đó Singapore là một đối tác quan trọng. Dù không là đồng minh quân sự chính thức, Singapore từ thập niên 1970 đã cho phép Mỹ triển khai thiết bị quân sự đến các căn cứ của mình và hỗ trợ hậu cần. Đổi lại, Mỹ cho phép không quân Singapore đồn trú và huấn luyện trên nước Mỹ. Mặt khác, “Bắc Kinh cũng đủ nhạy cảm để tránh lớn tiếng giữa lúc Singapore đang là điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc”, ông Koh nói.
Dù vậy, ông Koh cũng nhìn nhận rằng Singapore khá thận trọng để giữ mối quan hệ cân bằng với 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. “Thông tin chung chung” trong bản thông cáo, cũng như việc lồng vấn đề triển khai P-8 vào khuôn khổ MOU 1990 và SFA 2005 vốn đã cũ, thay vì DCA vừa ký, thể hiện sự tính toán thận trọng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.