Mỹ xem Việt Nam là đối tác chiến lược thân cận nhất ở Đông Nam Á

10/07/2015 20:00 GMT+7

(TNO) Đó là nhận định của bài viết trên blog của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR, tại thủ đô Washington) khi bình luận về quan hệ hai nước nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

(TNO) Đó là nhận định của bài viết ngày 8.7 trên blog của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR, tại Washington, Mỹ) khi bình luận về quan hệ hai nước nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo tác giả Joshua Kurlantzick, Sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama và sau đó là Phó Tổng thống Joseph Biden, quan hệ Việt- Mỹ đã vươn lên một tầm cao mới. Như báo Washington Post đã có bài phân tích, việc Tổng thống Hoa Kỳ tiếp đón Tổng Bí thư của Việt Nam tại Nhà Trắng cho thấy Việt Nam đang trở nên ngày càng quan trọng với các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á.
Cái bắt tay giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh: Reuters
Theo tác giả, Việt Nam đang trên đà trở thành đối tác chiến lược thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, còn hơn cả Singapore. Chỉ mới cách đây một thập niên, thật khó mà tưởng tượng rằng Hà Nội và Washington lại trở thành đồng minh. Tuyên bố về tầm nhìn chung giữa 2 nước được đưa ra ngay sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu chỉ chứng tỏ tầm cao mới trong quan hệ giữa 2 nước.
Mặc dù Thái Lan là một đồng minh của Mỹ, tình trạng bất ổn ở nước này trong suốt hơn một thập niên qua khiến Thái Lan trở thành một đối tác không ổn định. Một đồng minh khác của Mỹ ở Đông Nam Á là Philippines với quan hệ mật thiết về kinh tế và văn hóa với Mỹ, nhưng quy mô của lực lượng vũ trang chính quy (không kể lực lượng dự phòng) của nước này chỉ bằng khoảng 1/2 so với Việt Nam và quân đội Philippines còn phải đối phó với quân nổi dậy.
Trong khi đó, Việt Nam không những sở hữu lực lượng vũ trang hơn 400.000 người mà hải quân nước này cũng đang ngày càng hiện đại hơn. Chính quyền Việt Nam đang dần chuyển dịch khỏi chiến lược mà nước này theo đuổi từ thập niên 90 của thế kỷ trước là cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực. Những căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 4 và 5.2014 đã thúc đẩy sự thay đổi của Việt Nam.
Vào cuối nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Obama, quan hệ Việt - Mỹ hẳn sẽ mạnh mẽ hơn trên nhiều phương diện. Việt Nam muốn tham gia Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đó là một tín hiệu quan trọng cho thấy cam kết của chính quyền trong việc cải cách kinh tế. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã là một điểm đến quan trọng cho các nhà đầu tư Mỹ, việc tham gia TPP sẽ mang lại một làn sóng đầu tư mới từ các công ty Mỹ, Nhật và nhiều nước khác cho Việt Nam.
Thượng nghị sĩ John McCain chia sẻ hình ảnh gia đình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông McCain đã kêu gọi Mỹ mở rộng việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam - Ảnh: AFP
Thêm vào đó, việc Mỹ bán vũ khí sang Việt Nam, vốn được cho phép hồi năm ngoái, dự kiến sẽ còn gia tăng. Mười năm về trước, những vấn đề như nhân quyền có thể sẽ khiến quốc hội Mỹ tìm cách ngăn cản việc chính quyền Mỹ mời lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Mỹ. Nhưng trong bối cảnh những nhân vật quan trọng nhất trong Quốc hội Mỹ ủng hộ việc mở rộng bán vũ khí và tăng cường quan hệ với Việt Nam đang nắm quyền lực - Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ John McCain đang là chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện - mọi chuyện đang thay đổi.
Tổng thống Obama rất có thể sẽ thăm Việt Nam ngay vào mùa thu 2015. Mặc dù ông chỉ nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng ông có thể sẽ sớm thăm Việt Nam, nhưng dự kiến chuyến thăm sẽ diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama, vốn đã được lên kế hoạch từ trước. Chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ càng thắt chặt quan hệ Việt Nam - Mỹ, có thể sẽ là tiền đề cho vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ xem xét một hiệp ước đồng minh với Việt Nam, theo nhận định của tác giả Joshua Kurlantzick.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.