"Bạo lực và sự đe dọa đối với các thủy thủ tiếp tục là dấu hiệu đặc trưng của các vụ tấn công kể trên khi đa số bọn hải tặc đều được trang bị súng ống và dao", bản báo cáo nhấn mạnh. Theo IMB, trong 9 tháng qua, 259 thủy thủ đã bị bắt làm con tin trên các vùng biển khắp hành tinh, 10 người bị bắt giữ trong khoảng thời gian dài, 19 người bị hành hung và 12 người hiện vẫn biệt vô âm tín. Ngoài ra, bọn hải tặc tràn lên tàu trong 141 trường hợp, nã đạn vào 15 tàu và bắt đi 11 tàu. Cũng theo IMB, trong một số vụ, bọn hải tặc hoạt động theo các nhóm lớn và đồng loạt tấn công tàu bè từ nhiều hướng khác nhau.
Nhìn chung số vụ tấn công giảm đi nhưng tại một số điểm nóng, tình hình lại tồi tệ hơn. Đơn cử như ở Somalia, sau gần 2 năm im hơi lặng tiếng, bọn hải tặc đã nối lại các hoạt động làm ăn của mình ngoài khơi phía đông và đông bắc. Tại vùng biển quốc gia châu Phi này, trong 9 tháng đầu năm 2005 đã xảy ra 19 vụ cướp biển so với chỉ 1 vụ cùng kỳ năm trước, trong đó 7 vụ thủy thủ bị bắt giữ làm con tin để đòi tiền chuộc. Vụ mới nhất gây xôn xao dư luận là chiếc du thuyền Seabourn Spirit (Mỹ) trở thành mục tiêu của bọn hải tặc. Cũng may là nhờ tài nghệ của thủy thủ đoàn nên tàu chạy thoát dù khi về được đến cảng vẫn còn dính một quả đạn phóng lựu chưa nổ bên hông.
Trong khi đó, tại eo biển Malacca nối giữa Indonesia và Malaysia - nơi qua lại mỗi năm của 50 ngàn tàu thuyền mang trên mình 1/3 lượng hàng hóa thông thương toàn cầu - số vụ cướp biển giảm đi rõ rệt (còn 10 vụ so với 25 vụ năm ngoái). IMB cũng cảnh báo một xu hướng mới đáng ngại ngoài khơi Basra, cảng dầu của Iraq, khi từ 22/4 đến nay đã xảy ra 6 vụ nghiêm trọng bất chấp sự tuần tra nghiêm ngặt của tàu chiến liên quân.
X.Anh
(AFP)
Bình luận (0)