Nếu muốn tìm bằng chứng về việc NATO hiện bế tắc chiến lược và bị động đối phó đến mức nào thì chỉ cần nhìn vào hội nghị mới rồi của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên ở Brussels (Bỉ).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại cuộc họp khối NATO ngày 8.10 - Ảnh: AFP |
Trên chương trình nghị sự là cuộc tìm kiếm chiến lược chung giúp NATO thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và khó xử hiện tại ở Afghanistan và trong quan hệ với Nga liên quan đến tình hình Ukraine và hoạt động quân sự của Nga ở Syria.
Ở Afghanistan, Taliban tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ và Mỹ đang gặp khó xử lớn khi chẳng những không trấn áp được Taliban mà còn không kích vào một bệnh viện dân sự. Liên quan đến Ukraine, NATO vẫn chẳng khác gì bị Moscow xỏ mũi với việc Nga tiếp tục hậu thuẫn phe ly khai đối đầu quân sự với phía chính phủ.
Ở Syria, Nga tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự, tiến hành những chiến dịch không kích bằng máy bay và tên lửa hành trình nhằm vào IS, máy bay Nga thậm chí còn xâm nhập cả không phận của Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO. Câu hỏi NATO chưa thể trả lời là ý đồ chiến lược thật sự của Nga là gì và Nga sẽ còn sẵn sàng đi xa tới tận đâu nữa.
Ở hội nghị này, NATO chỉ quyết định được mỗi chuyện tăng số lượng binh lính trong cái gọi là Lực lượng phản ứng nhanh được thành lập để đối phó Nga ở châu Âu và tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng này ở cả Thổ Nhĩ Kỳ để biểu lộ sự hậu thuẫn chính trị cho Ankara.
Nhưng còn đối phó với Taliban ở Afghanistan và Nga ở Ukraine và Syria như thế nào thì NATO sau hội nghị vẫn như trước hội nghị. Vấn đề đối với NATO không chỉ là bất đồng quan điểm trong nội bộ mà còn là bế tắc chiến lược.
Bình luận (0)