Nga và NATO vờn nhau ở Baltic

04/07/2016 20:00 GMT+7

Lãnh đạo quân sự của NATO, tướng Mỹ Curtis Scaparrotti đã tuyên bố NATO phải luôn sẵn sàng để khi cần là có thể chiến đấu chống lại Nga “ngay trong đêm nay”.

Nhiệm vụ quá tải
Nghe ngóng thấy có “kẻ lạ” đang lao về phía bắc Estonia, máy bay chiến đấu Anh lập tức xuất kích để gầm ghè. Trong chốc lát, phi công đã xác định được mục tiêu và chuyển về căn cứ quân sự mặt đất một thông tin quen thuộc: đó là 2 chiến đấu cơ và một máy bay do thám của Nga.
Những vụ so kè như trên, không chỉ ở Estonia mà còn ở 2 nước Baltic khác là Latvia và Lithuania đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong thời gian gần đây, theo Washington Post ngày 3.7.
Trong vòng 2 năm qua, kể từ thời điểm Nga sát nhập lãnh thổ Crimea từ Ukraine vào Nga, 3 nước Baltic bé tẹo bỗng trở thành điểm nóng để gánh lấy một nhiệm vụ quá tải của NATO: làm giảm mối đe dọa từ Nga đối với phương Tây. Rõ ràng cuộc đối đầu không chỉ giữa Nga và các nước Baltic nhỏ bé mà là giữa Nga cùng các cường quốc hạt nhân khác trong khối NATO, bao gồm Mỹ.
Nga đã đưa quân đội hùng hậu, chuyển vũ khí ồ ạt tới vùng biên giới Baltic. NATO, tổ chức đã cam kết sẽ bảo vệ 3 thành viên vùng Baltic kể trên khi những nước này gia nhập NATO vào năm 2004, cũng liên tục đưa xe tăng, chiến đấu cơ và binh lính đến đây. NATO dự định sẽ đưa thêm 4.000 quân, chia đều cho 3 nước Baltic và Ba Lan.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tăng chi tiêu quân sự ở châu Âu lên gấp 4 lần trong đề nghị ngân sách hồi đầu năm nay, lên đến 3,4 tỉ USD.
Tàu chiến NATO trên Biển Đen Hải quân Mỹ
Cho dù không hiện diện quân sự thường trực ở Baltic đi chăng nữa thì NATO cũng đã thường xuyên tập trận trong khu vực kể từ biến cố sát nhập Crimea vào Nga. Chẳng hạn như cuộc tập trận chiến đấu trên đường phố tại Voru, một thị trấn ở Estonia chỉ cách Nga chừng 25 km. Liên quân bao gồm cả Mỹ, tập tiến quân, chiến đấu qua từng đường phố từ ngoại ô vô tới khu trung tâm, làm náo động thành phố yên tĩnh này.
Còn Nga có kế hoạch vào cuối năm nay sẽ đưa thêm 3 sư đoàn - có nghĩa là hàng chục ngàn quân - đến vùng lãnh thổ cực tây, tức sát sườn các nước Baltic và Ba Lan. Tổng thống Vladimir Putin bảo đó là một phản ứng đơn giản trước hành động của NATO.
NATO cũng dùng một giọng điệu tương tự, bảo rằng họ chỉ đáp trả hành động của Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ 2.500 quân đã đưa tới khu vực này chẳng có thể đe dọa gì cho đội quân cực kỳ hùng hậu mà Nga đang đóng ở đây.
Chỉ 62 giờ là đủ cho Nga?
Và không chỉ là chuyển quân và đóng quân, chiến đấu cơ Nga và NATO hầu như ngày nào cũng gầm ghè nhau trên bầu trời Baltic. Hồi tháng 4 qua, một chiến đấu cơ Nga thậm chí bay sượt qua đầu một tàu chiến Mỹ, có lúc cách tàu Mỹ chỉ 9 m. Trong bối cảnh 2 bên đang nóng hừng hực như thế, một sự cố nhỏ cũng có thể làm leo thang căng thẳng và hậu quả có thể là khôn lường. Rõ ràng, bất kỳ một cuộc tấn công nào của Nga vào 3 nước Baltic kể trên cũng sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều ở quy mô toàn cầu so với ở Ukraine. Lý do rất rõ ràng: 3 nước này là thành viên NATO.

tin liên quan

Vì sao tàu chiến Mỹ không bắn chiến đấu cơ Nga ‘phá bĩnh’?
“Chúng tôi không có chiến tranh với Nga… Anh không thể giết người chỉ vì họ quấy rầy anh”, cựu hạm trưởng Hải quân Mỹ Rick Hoffman nhận định, cho rằng việc máy bay Nga xẹt qua tàu Mỹ là “chiêu” khoe khoang của Tổng thống Nga Putin.
Như làm tăng thêm mối lo ngại từ phương Tây, lãnh đạo Nga, trong đó có chính Tổng thống Putin gần đây “bỗng dưng” đề cập thường xuyên tới chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lãnh đạo quân sự mới của NATO, tướng Mỹ Curtis Scaparrotti khi nhận nhiệm sở hồi mùa xuân vừa rồi đã tuyên bố NATO cần phải luôn sẵn sàng để khi cần là có thể chiến đấu chống lại Nga “ngay trong đêm nay”.
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu Rand Corp. cho rằng quân Nga có thể tràn vào thủ đô của 3 nước Baltic chỉ trong vòng 62 giờ. Để có thể ngăn được điều đó, theo Rand Corp., NATO cần tăng đáng kể quân số ở đây, lên đến con số 7 lữ đoàn, tức hơn 30.000 quân.
Báo Washington Post ngày 3.7 dẫn lời bộ trưởng Quốc phòng Estonia, ông Hannes Hanso phát biểu: “Chúng tôi không muốn quay lại thời chiến tranh lạnh, khi phải so kè từng chiếc xe tăng, từng binh lính. Nhưng trên biển Baltic, người Nga tung máy bay chiến đấu hầu như là mỗi ngày, thậm chí có khi 5 lần/ngày. Sẽ là vô trách nhiệm nếu không phản ứng lại. Những gì chúng tôi đang làm chỉ là phản ứng trước những gì họ đang làm mà thôi”.
Chiến đấu cơ Nga Su-24 bay sượt qua đầu tàu chiến Mỹ trên biển Baltic trong sự cố hồi tháng 4.2016 Hải quân Mỹ
Đến các nước Baltic ngày nay, ngay giữa thời bình, người ta sẽ thấy những đoàn xe quân sự ngụy trang nối đuôi nhau chạy giữa đêm vắng lặng, những chiếc xe bọc thép chạy dọc những cánh đồng yên ả. Chiến đấu cơ Bỉ, Anh, Tây Ban Nha… thì liên tục vần vũ trên trời.
Trước sự kiện Crimea, những cảnh này là cực hiếm ở Baltic. Bây giờ nó diễn ra thường xuyên ở khắp nơi giữa các cuộc chuyển quân, các hoạt động luân phiên và các cuộc tập trận rộng khắp, không chỉ ở Baltic mà cả ở nước Ba Lan láng giềng nữa - nơi 25.000 quân từ 24 quốc gia mới đây đã cùng tập trận bắn đạn thật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.