Hằng ngày, ông Koji Yamaguchi, một chuyên viên PR 49 tuổi ở thành phố Niigata (Nhật Bản), không ăn gì khác ngoài cơm. Tuy nhiên, cô con gái 14 tuổi Misaki của ông không ăn cơm vì thích bánh mì và pasta hơn.
Thói quen ăn uống thay đổi
Ví dụ trên về sự thay đổi trong cách ăn uống của giới trẻ Nhật cho thấy lòng tự hào ẩm thực ít nhiều bị tổn thương. Điều đó thúc bách khôi phục nền nông nghiệp ở Nhật Bản vào thời điểm gạo không còn được ưa chuộng như trước đây.
Khi những món ăn mới như bánh sừng trâu, spaghetti, bánh mì baguette... du nhập, lượng gạo tiêu thụ tính theo đầu người giảm một nửa so với cuối thập niên 1960. Trước tình hình trên, nông dân và người kinh doanh gạo tìm kiếm nhiều cách thức mới để người tiêu dùng quay trở lại với hạt gạo, biểu tượng của sự phồn thịnh.
Sự bành trướng của thực phẩm phương Tây tác động không nhỏ đến người Nhật, đáng chú ý là số đo vòng eo. Thay đổi đó thấy rõ nhất ở nam giới và trẻ em.
Theo kết quả khảo sát, 18,9% trẻ em ở Nhật bị béo phì vào năm 1988, đến năm 2005 đã tăng lên 24,3%. Kế đến là lối sống của thanh niên Nhật trong xã hội hiện nay. Cô Chika Yoshida, hiện sống ở Tokyo, một đại diện của lớp trẻ, chia sẻ: “Gạo không còn thích hợp với lối sống vội vã ngày nay vì phải mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị một bữa cơm”.
Theo báo The Washington Post (Mỹ), tỉnh Niigata ở bờ biển phía Tây Nhật Bản là một trong những nơi trồng trọt lớn nhất nước. Ở đó, nông dân trồng đậu nành, hoa tulip... và cả gạo. “Người dân cần phải biết rằng gạo là thứ tốt nhất ở Nhật” - thị trưởng thành phố Niigata Akira Shinoda nói.
Sự phong phú của gạo
Ông Akinori Hokari, 35 tuổi, đã quản lý cửa hàng gạo của gia đình ở thành phố Niigata suốt 10 năm. Bằng cách thêm một lượng nhỏ gạo chưa xay kỹ vào nồi cơm, ông Hokari đã biến cơm trắng truyền thống thành cơm có màu hồng hay tím.
Ngoài ra, chất xơ được thêm vào gạo vì sức khỏe người tiêu dùng bằng cách ngâm yến mạch và lúa chưa xay xát vào nước cho đến khi mầm nhú lên. Và ông đã thành công trong một số phương thức chuyển đổi.
“Những khách hàng quan tâm đến sức khỏe sẽ chọn lựa gạo cho bữa ăn hằng ngày và gạo có màu sẽ cuốn hút được khách hàng trẻ tuổi” - ông Hokari chia sẻ. Ông đang ra sức thuyết phục một số bệnh viện mua gạo màu hồng để nấu cho các sản phụ. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi vẫn tỏ ra nghi ngại với các loại gạo trên, nhất là những loại gạo chưa xay kỹ, ít nhiều gợi nhớ đến những năm tháng trong thế chiến II khi gạo trắng là thứ quá xa xỉ.
Ở thành phố Osaka, ông Koichi Fukamori làm nên tên tuổi của mình từ món bánh mì sừng trâu và bánh mì baguette. Cách đây vài năm, ông nghĩ đến việc chế biến bánh mì từ bột gạo để thúc đẩy lượng tiêu thụ gạo.
Vào tháng 7, Công ty Điện tử Sanyo đã công bố nồi cơm điện Gopan có thể chế biến gạo thành bánh mì đầu tiên trên thế giới. Nhà sản xuất hy vọng phát minh này sẽ lôi kéo người Nhật quay trở về với gạo, đồng thời dự báo nó sẽ tạo ra cơn sốt khắp châu Á.
Nhà nghiên cứu ẩm thực Yukio Hattori hết sức ủng hộ việc trở lại thói quen ăn uống truyền thống trước đây với cơm, rau và thịt. Ông cũng đề cập hiện tượng ngày càng nhiều thanh niên không biết cách sử dụng đũa. Theo quan điểm của ông, người Nhật có “gien thích hợp với gạo hơn bánh mì. Xã hội Nhật Bản cần phải nhanh chóng từ bỏ giấc mơ “miếng thịt bò to như chiếc giày” thời hậu chiến”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)