Những sự cố rơi bom hạt nhân

08/01/2017 10:08 GMT+7

Mỹ và các đồng minh từng nhiều lần thoát thảm họa trong gang tấc sau những vụ tai nạn liên quan đến vũ khí hủy diệt.

Ngày 4.1, một chiếc “pháo đài bay” B-52 thuộc biên chế Không quân Mỹ làm rơi một động cơ khi diễn tập tại căn cứ Minot, bang Bắc Dakota. Nhờ B-52 có đến 8 động cơ phản lực, nên các phi công đã hạ cánh an toàn và toàn bộ 5 người trên khoang đều không bị thương, theo trang Defense News.
Thật ra, đây không phải là lần “đánh rơi” đầu tiên của oanh tạc cơ Mỹ và những vụ trong quá khứ đều suýt gây thảm họa hủy diệt khi “nhân vật chính” là các loại bom hạt nhân, bom nhiệt hạch.
Các chuyên gia và giới quân sự dùng thuật ngữ “mũi tên gãy” để chỉ các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân, dẫn đến tình trạng bất ngờ phóng, khai hỏa, kích nổ, mất cắp hoặc thất thoát vũ khí nguy hiểm. Theo hồ sơ của Cục Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ (NSA), những vụ “mũi tên gãy” nghiêm trọng nhất chủ yếu xảy ra vào thập niên 1960, giai đoạn Mỹ tiến hành chiến dịch Chrome Dome. Trong đó, từ năm 1960 - 1968, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) triển khai hơn 20 B-52 trang bị vũ khí hạt nhân hoặc nhiệt hạch quần thảo vùng trời phương Tây liên tục 24 giờ mỗi ngày, trong suốt 365 ngày nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ tấn công hạt nhân phủ đầu từ Liên Xô.
Nước Mỹ bên bờ hủy diệt
Vụ rơi bom hạt nhân đầu tiên trong chiến dịch Chrome Dome xảy ra đêm 23.1.1961 khi một chiếc B-52 gãy đôi trên bầu trời miền đông bang Bắc Carolina. Từ bụng “pháo đài bay”, 2 quả Mark 39 có sức công phá gấp 260 lần quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong thời Thế chiến 2, rơi thẳng xuống khu vực ngoại ô thành phố Goldsboro. Phải nhờ một loạt hỏng hóc đầy may mắn mà một phần rộng lớn của nước Mỹ đã thoát được nguy cơ bị san bằng cũng như hứng chịu ô nhiễm bức xạ trong thời gian dài.
Tờ The Washington Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert McNamara toát mồ hôi nhớ lại: “Chúng ta đã thoát khỏi một thảm họa hạt nhân nhờ 2 dây điện bị hỏng”.
Cụ thể, chiếc B-52 đang thực hiện chuyến bay thường lệ thì gặp sự cố nghiêm trọng ở cánh phải rồi gãy đôi, 2 quả bom hạt nhân Mark nhanh chóng lao thẳng xuống đất, nhưng chỉ có 1 quả bung dù. “Chiếc oanh tạc cơ bị xé toạc trên không đã tác động làm kích hoạt quy trình mở kíp nổ cho cả hai quả bom”, hồ sơ được NSA giải mật hồi năm 2013 viết.
Nói cách khác, cả hai quả bom có sức hủy diệt hàng loạt lúc đó đã tiến gần đến ngưỡng phát nổ. Quả thứ nhất bung dù và tiếp đất một cách “nhẹ nhàng” nhưng có đến 3 trong số 4 công tắc an toàn bị hỏng. May mắn là công tắc cuối cùng đã kịp bật lên và ngăn chặn bom phát nổ.
Trong khi đó, quả bom thứ hai lao vùn vụt xuống đất. Nếu không có gì thay đổi, sức mạnh từ vụ va chạm sẽ đẩy nó vào trạng thái “lên nòng”. Một lần nữa, may mắn tột cùng lại mỉm cười với nước Mỹ khi công tắc khai hỏa đã bị hư hại do chấn động.
Theo sách Command and Control (tạm dịch: Chỉ huy và kiểm soát) của chuyên gia hạt nhân Eric Schlosser, phi hành đoàn trên chiếc B-52 gặp nạn có 8 người và còn 5 người sống sót sau vụ việc. “Lúc đó tôi thấy từ 3 đến 4 chiếc dù bung ra nhưng không thấy 2 quả bom đâu”, phi công phụ Richard Rardin kể lại.
Các chuyên gia cũng đã thử dùng máy tính mô phỏng một vụ nổ của bom Mark 39 tại khu vực Bắc Carolina. Kết quả là 60.000 người sẽ chết ngay lập tức và hơn 54.000 người bị thương, còn bức xạ tức thời sẽ bao phủ một vùng có bán kính khoảng 24 km. Tuy nhiên con số nạn nhân sẽ không dừng lại ở đó mà có thể lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu vì nhiễm xạ. Trong trường hợp có gió, bức xạ sẽ lan ra khắp bờ biển phía đông nước Mỹ và nhiều đô thị lớn, từ thủ đô Washington D.C, Philadelphia và thậm chí New York đều sẽ chìm trong thảm họa.
Đó là chưa kể cả nước sẽ chìm trong hỗn loạn và các đối thủ của Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh sẽ không ngồi yên.
Một trong hai quả bom suýt thổi tung bờ đông nước Mỹ NSA
Thảm họa Palomares
Năm năm sau vụ Goldsboro, đến lượt Tây Ban Nha “hút chết” trong một sự cố còn nghiêm trọng hơn. Theo Đài ABC News, vào ngày 17.1.1966, cơ trưởng Charles J.Wendorf điều khiển chiếc B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Seymour Johnson ở Bắc Carolina, mang theo 4 quả bom nhiệt hạch B28RI bay dọc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, hướng đến biên giới châu Âu với Liên Xô trước khi quay về căn cứ. Độ dài hành trình khiến máy bay phải tiếp liệu 4 lần, trong đó có 2 lần trên bầu trời Tây Ban Nha.
Đến 10 giờ 30, trong lúc đang bay ở độ cao 9.450 m, B-52 bắt đầu đợt tiếp liệu lần thứ ba với sự hỗ trợ của máy bay KC-135 Stratotanker cất cánh từ căn cứ Morón ở miền nam Tây Ban Nha. Trong lúc 2 máy bay di chuyển ở tốc độ gần 800 km/giờ, cơ trưởng Wendorf tạm nghỉ và thiếu tá Larry G.Messinger, một trong hai phi công phụ, đảm trách nhiệm vụ điều khiển chiếc B-52.
“Chúng tôi tiếp cận đằng sau máy bay tiếp liệu và có vẻ lao nhanh hơn bình thường”, ông Messinger nhớ lại nhưng phía KC-135 không yêu cầu kéo giãn khoảng cách nên chiếc B-52 vẫn tiến tới.
Việc cả hai bên đều tính sai tốc độ dẫn tới hậu quả thảm khốc khi 2 máy bay tông thẳng vào nhau, vỡ thành nhiều mảnh và lao xuống đất. Toàn bộ 4 phi công của chiếc KC-135 và 3 trong phi hành đoàn 7 người của B-52 thiệt mạng. Trong vòng chưa đầy 2 phút, 3 quả bom nhiệt hạch rơi thẳng xuống khu vực làng Palomares, quả còn lại rơi xuống biển.
AP dẫn lời giới chuyên gia cho biết bom B28RI có năng lượng nổ 25 megaton (gấp 1.000 lần quả bom ném xuống Hiroshima) và có thể ngay lập tức hủy diệt hoàn toàn sự sống trong khu vực bán kính 15 km. Bụi phóng xạ có thể phát tán trong phạm vi hàng chục ngàn ki lô mét và dần lan khắp châu Âu. Nếu cả 3 quả rơi xuống Palomares phát nổ cùng lúc thì Tây Ban Nha sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Rất may là thảm họa đã không xảy ra.
Tuy nhiên ngòi nổ của 2 quả bom cũng đã bị kích hoạt, dù không phá vỡ đầu đạn hạt nhân nhưng vẫn thải ra 4,5 kg chất phóng xạ plutonium-239, gây thối rữa toàn bộ khoai tây và cà chua chờ thu hoạch của người dân. Sau đó, Mỹ và Tây Ban Nha điều động gần 1.000 quân nhân và chuyên gia tiến hành công tác dọn dẹp và tìm kiếm. Theo AP, hơn 14.000 m3 đất bị nhiễm phóng xạ được thu gom vào 4.000 chiếc thùng chở về Mỹ để tiêu hủy. Quả bom thứ ba được tìm thấy trong tình trạng còn nguyên vẹn, trong khi Mỹ phải triển khai hơn 20 tàu chiến, máy bay và mất nhiều tháng mới vớt được quả thứ tư từ lòng đại dương.
Sau lần suýt bị hủy diệt này, Tây Ban Nha chấm dứt việc cho phép máy bay mang vũ khí nhiệt hạch của Mỹ sử dụng không phận của mình. Phải đến tận tháng 10.2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới thỏa thuận xong với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo về đền bù bổ sung cho Palomares và xử lý nốt khoảng 50.000 m3 đất vẫn còn nhiễm xạ.
Chiến dịch Chrome Dome bị đình chỉ vào năm 1968 cũng sau một sự cố “mũi tên gãy”. Ngày 21.1 năm đó, một chiếc B-52 rơi xuống khu vực Bắc cực cách căn cứ không quân Thule trên đảo Greenland thuộc Đan Mạch khoảng vài ki lô mét. Vật liệu phóng xạ trong 4 quả bom tràn ra ngoài, nhuộm đen một khu vực băng tuyết rộng lớn. Sau đó, Mỹ đã thu hồi được 3 quả và theo BBC, hiện quả thứ tư vẫn còn nằm đâu đó dưới lớp băng vĩnh cửu của Bắc cực.
Đây cũng chính là “giọt nước tràn ly” khiến Lầu Năm Góc quyết định chấm dứt chiến dịch Chrome Dome. Quân đội Mỹ bắt đầu chú trọng đến cân bằng bộ ba hạt nhân chiến lược. Oanh tạc cơ vẫn giữ vị trí quan trọng nhưng tên lửa liên lục địa và tên lửa khai hỏa từ tàu ngầm được đặt niềm tin lớn hơn. Vai trò của SAC cũng lu mờ dần và cuối cùng bị Tổng thống George H.W.Bush giải thể vào năm 1992.
Theo tài liệu của NSA, vụ thất lạc vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử xảy ra ngày 13.2.1950 khi máy bay ném bom chiến lược Convair B-36B của Mỹ gặp nạn trong lúc tham gia diễn tập tấn công trong điều kiện mùa đông. Chiếc máy bay từ căn cứ tại Alaska, chở một quả bom nguyên tử Mark IV, bị hỏng động cơ do đóng băng và buộc phải thả rơi rồi kích nổ bom trên không. Tuy chứa uranium và thuốc nổ thông thường nhưng do không có lõi plutonium nên quả bom chỉ gây ra một vụ nổ phi hạt nhân lớn gần British Columbia (Canada). Mỹ và Canada sau đó khẳng định không có rò rỉ phóng xạ trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.