Nữ điệp viên Liên Xô khiến trùm phát xít mê đắm

05/03/2017 09:00 GMT+7

Tài liệu giải mật cho thấy nữ diễn viên huyền thoại từ thời Đức Quốc xã Marika Rökk thực chất là điệp viên lợi hại của Liên Xô.

Quốc trưởng Đức Adolf Hitler gửi hoa tặng riêng cho Marika Rökk, còn Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels say mê cô như điếu đổ. Nhưng Marika Rökk có một bí mật: Cô là điệp viên Liên Xô, theo tài liệu năm 1951 vừa được Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BND) công bố.
Trong giai đoạn căng thẳng tại châu Âu leo thang và Thế chiến 2 chực chờ bùng nổ, Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã Joseph Goebbels dồn hết tâm trí để tìm cách bơm vào đầu người dân Đức về hình ảnh một dân tộc có “sứ mệnh” thống trị thế giới dưới ngọn cờ lãnh đạo của Hitler.
Goebbels cũng cực kỳ hâm mộ điện ảnh Mỹ và nhanh chóng nhận thức được sức mạnh tuyên truyền của màn bạc. Bên cạnh đó, với ông ta thì một “quốc gia thượng đẳng” như Đức không thể thua kém bất cứ ai về bất cứ lĩnh vực nào. Thế là “trùm tẩy não” của phát xít Đức quyết tâm săn lùng cho ra một tài năng quyến rũ xứng tầm những cô đào đình đám nhất Hollywood thời bấy giờ như Rita Hayworth, Betty Grable hay Ginger Rogers... Và cái tên được chọn là Marika Rökk, theo tờ Bild.
Với vẻ đẹp vừa thánh thiện vừa quyến rũ lại duyên dáng, thanh lịch, một nhân vật như Rökk sẽ giúp nước Đức chứng minh năng lực điện ảnh và cũng sẽ là cỗ máy tuyên truyền đầy sức hút.
Nàng thơ của phát xít
Điều trớ trêu là trong huyết mạch Rökk chưa bao giờ chảy dòng máu Đức. Huyền thoại màn bạc chào đời tại Ai Cập năm 1913 và cha mẹ cô đều là người Hungary. Rökk trải qua tuổi thơ ở Budapest (Hungary) trước khi chuyển đến kinh đô ánh sáng Paris năm 1924.
Tại đây, cô gái xinh đẹp vào học trường múa rồi nhịp nhàng lả lướt khắp các sân khấu châu Âu. Một chuyến lưu diễn đã đưa cô tới tận Nhà hát Broadway trứ danh. Rökk quyết định ở lại nước Mỹ, tiếp tục nâng cao nghề múa. Năm 1929, cô trở về châu Âu để rồi một năm sau xuất hiện trong bộ phim đầu tay Why Sailors Leave Home (tạm dịch: Lý do thủy thủ rời nhà) do Anh sản xuất.
Tuy nhiên, sự nghiệp diễn xuất của Marika Rökk chỉ thực sự thăng hoa khi cô sang Đức ký hợp đồng với Hãng phim UFA và trở thành một phần trong cỗ máy tuyên truyền của Quốc xã. Chỉ cần bộ phim Đức đầu tiên cô tham gia Leichte Kavallerie (tạm dịch: Đoàn khinh kỵ) vào năm 1935, tên tuổi Rökk lập tức nổi như cồn.
Cô tiếp tục xuất hiện lộng lẫy trong hàng loạt phim ca nhạc có nội dung nhẹ nhàng, tươi vui và trong đó có lẽ gây sốt nhất là The Woman of My Dreams (tạm dịch: Người trong mộng) của đạo diễn Georg Jacoby, người đã cưới cô vào năm 1940. Giai đoạn đó, Rökk khẳng định vị thế minh tinh số 1 của Đức và hoàn thành xuất sắc vai trò “tạo cảm hứng cho quốc dân” như kịch bản của Goebbels.
Quốc trưởng Hitler không thể hài lòng hơn. Ông ta vừa tán thưởng hiệu quả tuyên truyền vừa thật sự hâm mộ tài năng và sắc đẹp của Marika Rökk. Theo tờ The Guardian, trùm phát xít từng gửi một bó hoa rực rỡ tặng riêng cho cô. Sau đó, ông ta nhận được tấm bưu thiếp với dòng chữ của người đẹp: “Nếu tôi có diễm phúc được chú ý tới trong một giây lát nào đó giữa vô vàn trọng trách của ngài thì thưa lãnh tụ, tôi sẽ mãi mãi tự hào và hạnh phúc. Marika Rökk của ông”. Đó là vào năm 1940, khi cả châu Âu đang oằn mình dưới cỗ máy hủy diệt của Hitler.
Cùng với những nhân vật khét tiếng như Heinrich Himmler, Hermann Göring hay Reinhard Heydrich, Joseph Goebbels đóng vai trò chủ chốt trong guồng máy Đệ tam đế chế. Với phương châm “Lời dối trá được lặp lại 1.000 lần sẽ thành sự thật”, Goebbels điều khiển cỗ máy tuyên truyền khổng lồ từ báo chí, văn chương đến kịch nghệ, phim ảnh, hội họa... để gieo rắc vào đầu người dân Đức về “dân tộc thượng đẳng” và “hiểm họa Do Thái”. Ông ta còn là phù thủy chuyên “hô biến” các thất bại của Đức Quốc xã thành thắng lợi về ngôn từ.
Hitler tin tưởng Goebbels đến độ đã viết di chúc trao cho ông ta vị trí thủ tướng Đức trước khi tự sát. Nhưng Goebbels chỉ ngồi cái ghế này vỏn vẹn đúng một ngày. Vào 1.5.1945, Goebbels và vợ dùng thuốc độc giết cả 6 đứa con rồi tự sát. Theo lệnh của ông ta, lính Đức rưới xăng thiêu thi thể họ nhưng dường như trong bối cảnh đó, không ai còn tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ. Các thi thể chỉ bị cháy sém và sau khi tiến vào Berlin, Hồng quân Liên Xô có thể dễ dàng nhận diện gia đình Goebbels.
Tài liệu sau này tiết lộ “ông bầu” của Rökk, Bộ trưởng Tuyên truyền Goebbels cũng mê cô như điếu đổ và 2 người từng có giai đoạn lén lút qua lại. Tuy nhiên, không rõ mối quan hệ này kéo dài bao lâu. Do vợ Goebbels, bà Magda, là một phụ nữ cực kỳ cuồng tín và sắt máu, cũng như để giữ gìn hình ảnh nên trùm tuyên truyền Đức không bao giờ xuất hiện công khai cạnh Rökk.
Sau Thế chiến 2, Marika Rökk bị chính quyền mới cấm diễn xuất 2 năm nhưng khi trở lại màn ảnh rộng, cô vẫn là minh tinh số 1 của người Đức.

tin liên quan

Tôi yêu thơ Bertolt Brecht
'Lực tôi nhỏ. Nhưng thiếu tôi, bọn chủ
Sẽ ngồi trên quyền lực chúng vững vàng hơn' (Gửi những người mai sau - B.Brecht)
Mạng lưới Krona
Mới đây, hồ sơ mật của Gehlen, tổ chức điệp báo CHLB Đức (Tây Đức) và là tiền thân của BND hiện nay, đã được công khai, cho thấy một sự thật bị che giấu suốt nhiều thập niên: Vợ chồng Rökk đã làm điệp viên cho Liên Xô từ năm 1940 và kéo dài nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Tài liệu không tiết lộ chi tiết về hoạt động cụ thể của nữ diễn viên, nhưng giới tình báo Đức tin rằng cô được tuyển mộ thông qua người quản lý của mình là Heinz Hoffmeister và cùng ông tham gia nhóm điệp viên mang mật danh Krona. Tờ Bild dẫn hồ sơ mật cho biết nhóm này gồm khoảng hơn 30 thành viên, toàn những người có vị thế cao trong xã hội Đức như chủ một ngân hàng lớn, thư ký bộ trưởng, giám đốc nghiên cứu và phát triển của một công ty máy bay, con gái tổng giám đốc xưởng sản xuất xe tăng và nhiều sĩ quan quân đội. Ngoài Rökk, mạng lưới này còn có một ngôi sao điện ảnh xinh đẹp khác là nữ diễn viên người Đức gốc Nga Olga Chekhova.
Krona hoạt động dưới điều hành của điệp viên Liên Xô huyền thoại Yan Chernyak, người được mệnh danh là “người không bóng” nhờ tài xóa dấu vết siêu hạng của mình. Hoạt động trong lòng Đức Quốc xã dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, Chernyak được truyền tụng là tuân thủ những nguyên tắc an ninh cực kỳ khắc nghiệt, chẳng hạn như không bao giờ ngủ 2 lần ở cùng một chỗ. Nhờ vậy, trong suốt thời chiến, mạng lưới tình báo của ông, trong đó có Rökk, chưa từng bị lộ và đã thu thập những tin tức cực kỳ quý báu về các chiến dịch của phát xít nhằm vào Liên Xô.
Theo Bild, nhóm Krona đã chuyển về Moscow kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Barbarossa năm 1941 cũng như hàng loạt thông số kỹ thuật của các loại xe tăng, tên lửa, vũ khí hóa học Đức trước trận Vòng cung Kursk lừng danh năm 1943.
Sau Thế chiến 2, theo hồ sơ của Gehlen, nhóm Krona vẫn tiếp tục hoạt động tại Tây Đức và được cho là đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chương trình bom nguyên tử của Liên Xô. Thông qua nhiều nguồn, các điệp viên trong mạng lưới cung cấp hàng ngàn trang tài liệu về quá trình phát triển loại vũ khí này của Mỹ. Bản thân Yan Chernyak được cho là thậm chí từng xoay xở đưa về Liên Xô vài milligram vật liệu phóng xạ uranium-235.
Chernyak qua đời tháng 2.1995, vài tháng sau khi ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga. Đến nay, cuộc đời và sự nghiệp của siêu điệp viên này cũng như hoạt động cụ thể của nhóm Krona vẫn là một bí mật lớn với chỉ có một số thông tin ít ỏi được công khai.
Mặt khác, tài liệu giải mật cho thấy Gehlen từng nghi ngờ Marika Rökk từ năm 1951, thời điểm cô gây sốc cho người hâm mộ khi bất ngờ tuyên bố giã từ màn ảnh giữa lúc vẫn còn ở đỉnh cao sự nghiệp. Cơ quan này chính thức ghi tên theo dõi Rökk từ tháng 11 cùng năm vì “nghi vấn quan hệ với tình báo Liên Xô”. Theo tờ Bild, giới phản gián Tây Đức còn nhận định tuyên bố giải nghệ của nữ minh tinh là “nước cờ khôn ngoan” nhằm tránh gây chú ý và có thể dễ dàng tiếp tục hoạt động bí mật.
Không rõ Marika Rökk có biết mình bị nghi ngờ hay không và tình báo Đức đã có những động thái gì. Huyền thoại điện ảnh Đức đã có đoạn cuối bình yên, trải qua 2 đời chồng và qua đời lặng lẽ ở tuổi 91 năm 2004 sau một cơn nhồi máu cơ tim, để lại sự nghiệp lừng lẫy với khoảng 40 phim cũng như những câu hỏi lớn cho các sử gia.

tin liên quan

Mua điện thoại của Hitler giá 243.000 USD
Chiếc điện thoại mà trùm phát xít Đức Adolf Hitler sử dụng trong Thế chiến 2 đã được một người giấu tên mua với giá 243.000 USD, trong cuộc bán đấu giá do Hãng Alexander Historical Auctions tổ chức tại thành phố Chesapeake, bang Maryland (Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.