Ông Duterte khẳng định đã chủ động từ chối gặp ông Obama ở Lào

13/09/2016 11:15 GMT+7

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định chính ông là người chủ động từ chối cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm ở Lào chứ không phải ngược lại.

Cuộc hội đàm song phương được lên kế hoạch trước giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Lào đã không diễn ra mà chỉ có một cái bắt tay và chạm mặt khoảng 2 phút. Phía Mỹ cho biết đã hủy cuộc gặp vì những lời lẽ không hay mà ông Duterte dành cho ông Obama ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Thế nhưng Tổng thống Duterte ngày 12.9 khẳng định chính ông mới là người chủ động từ chối gặp nhà lãnh đạo Mỹ. AFP ngày 13.9 dẫn lời ông Duterte phát biểu trước lực lượng cảnh sát và quân đội Philippines rằng: "Tôi cố ý không tham gia cuộc gặp song phương. Bạn không thể 'lên lớp' tổng thống một nước có chủ quyền. Cho dù là ông Obama, đó sẽ là sai lầm nếu ông ấy làm thế. Đó là lý do vì sao tôi có lời lẽ không hay nhằm vào ông Obama".
Ông Duterte khẳng định ông quyết định hủy cuộc gặp với ông Obama là để phản ứng các chỉ trích từ phía Mỹ đối với chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy mà ông Duterte tiến hành.
Trước đó, ngày 5.9, ngay trước khi chuẩn bị tới Lào dự hội nghị ASEAN, ông Duterte không nể nang mà gọi ông Obama là "đồ khốn". Báo chí nhanh chóng "chộp lấy" và diễn giải bằng những từ ngữ mang tính xúc phạm khác nhau. Tuy nhiên, hôm 9.9, ông Duterte lại khẳng định mình chưa bao giờ đưa ra phát ngôn nhục mạ ông Obama, đồng thời đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông về việc cố tình giật câu chuyện lên cao trào, góp phần làm hỏng cuộc gặp gỡ với ông Obama tại Lào.
Trong một diễn biến mới đây, ông Duterte tuyên bố muốn tất cả đặc nhiệm Mỹ phải rút khỏi khu vực miền nam Philippines. Ông Duterte nhiều lần khẳng định muốn theo đuổi chính sách độc lập. Tuy vậy, kể từ khi nhậm chức tới nay, ông Duterte không ít lần làm phật lòng các nhà lãnh đạo thế giới, không chỉ Tổng thống Mỹ mà còn có Giáo hoàng Francis, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.