Phóng xạ tại Nhật vẫn chưa nguy hiểm

20/03/2011 01:21 GMT+7

Nhật xác nhận hệ thống làm lạnh tại một số lò phản ứng có thể hoạt động trở lại trong khi vẫn tiếp tục phun nước để ngăn chặn việc tan chảy thanh nhiên liệu.

Nỗ lực khắc phục sự cố

Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân (NISA) của Nhật thông báo một phần hệ thống làm lạnh tại 2 trong số 6 lò phản ứng của Nhà máy Fukushima số 1 có thể hoạt động trở lại. Theo Đài NHK, máy phát điện chạy bằng dầu diesel tại lò phản ứng số 6 đã được khôi phục trong khi các công nhân bắt đầu làm lạnh tại lò phản ứng số 5 từ sáng qua. Đến tối, các kỹ sư điện đã hoàn tất việc kết nối điện vào lò phản ứng số 1 và số 2 cũng như cố gắng phục hồi chức năng làm lạnh của chúng vào hôm nay, theo NHK. Cũng trong hôm nay, TEPCO dự kiến phục hồi điện cho 4 lò phản ứng còn lại.

Cũng trong hôm qua, Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa thông báo nhiệt độ tại các lò phản ứng từ số 1 đến 4 vẫn ở mức 100oC trở xuống, cho thấy tình trạng của chúng ổn định hơn dự đoán.


 Lực lượng phòng vệ Nhật phun nước vào lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima số 1 hôm qua -   Ảnh: AFP

Trong khi đó, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn tiếp tục phun nước làm mát các lò phản ứng. Sáng qua, đội cứu hỏa của Sở cứu hỏa Tokyo đã phun 60 tấn nước vào lò phản ứng số 1, theo NHK. Đến trưa qua, sở này tiếp tục phun nước vào lò số 3 nhưng điều khiển từ xa vì lo ngại công nhân nhiễm phóng xạ. Kyodo News dẫn lời giới chức cho hay lượng phóng xạ mà lính cứu hỏa bị nhiễm cho tới nay chưa ở mức ảnh hưởng sức khỏe. Bộ trưởng Kitazawa cho hay các đội sẽ phun nước liên tục 24/24 giờ. "Thay vì thực hiện từng đợt, chúng tôi sẽ bơm nước liên tục", AFP dẫn lời ông nói.

Nhật phát hiện rau, sữa, nước nhiễm phóng xạ

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano hôm qua thông báo nhà chức trách vừa phát hiện sữa từ tỉnh Fukushima và rau bina (hay còn gọi là rau chân vịt) ở tỉnh láng giềng Ibaraki có hàm lượng phóng xạ vượt mức cho phép. Tuy nhiên, ông Edano khẳng định mức nhiễm xạ không gây ảnh hưởng sức khỏe tức thời. Theo IAEA, Nhật cũng vừa ra lệnh tạm ngưng bán tất cả nông sản từ tỉnh Fukushima.

Cùng ngày, Kyodo News đưa tin nhà chức trách phát hiện iodine-131 và cesium-137, 2 sản phẩm phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân, trong nước máy ở Tokyo và các tỉnh Tochigi, Gunma, Niigata, Chiba and Saitama. Tuy nhiên, giới chức tuyên bố hàm lượng phóng xạ trong nước chưa đủ để gây hại cho người sử dụng. Chẳng hạn chính quyền Gunma phát hiện 2,5 becquerel iodine-131 và 0,38 becquerel cesium-137 trong 1 kg nước. Giới hạn an toàn do Ủy ban an toàn hạt nhân Nhật quy định là 300 becquerel iodine-131 và 200 becquerel cesium-137 trong 1 kg nước, theo Kyodo News.

Cùng ngày, nhằm kêu gọi phe đối lập hỗ trợ chính phủ giải quyết hậu quả của động đất và sóng thần, Thủ tướng Nhật Naoto Kan đề nghị lãnh đạo đảng LDP đối lập Sadakazu Tanigaki tham gia nội các, theo Kyodo News. Các nghị sĩ đảng DPJ cầm quyền cho hay ông Kan đã gọi điện đề nghị ông Tanigaki giữ chức phó thủ tướng và đưa ra một kế hoạch thành lập chính phủ hỗn hợp bao gồm các nghị sĩ của hai đảng. Ông Tanigaki từ chối đề nghị này nhưng tuyên bố vẫn nỗ lực hợp tác với chính phủ để giải quyết hậu quả của thảm họa và khủng hoảng hạt nhân.

Ngoài ra, Thủ tướng Kan còn kêu gọi các cựu lãnh đạo của DPJ, trong đó có người tiền nhiệm Yukio Hatoyama, hỗ trợ ông giải quyết cuộc khủng hoảng quốc gia, theo Kyodo News. 

Tokyo thiếu điện, thực phẩm

Trước đó, Chính phủ Nhật đã ra lệnh người dân trong vòng bán kính 20 km từ Nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 phải di tản để tránh nhiễm xạ. Hôm 17.3, cố vấn khoa học hàng đầu Chính phủ Anh John Beddington cho rằng nếu có xảy ra vụ nổ hạt nhân tại Fukushima, thủ đô Tokyo vẫn an toàn trước nguy cơ nhiễm xạ tức thời. Đến ngày 18.3, ông Graham Andrew, một quan chức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thông báo lượng phóng xạ đo được hiện nay ở Tokyo và các thành phố khác không đe dọa sức khỏe con người, theo Reuters.

Tuy nhiên, không khí lo ngại vẫn bao trùm thủ đô. Người dân ở đây cũng đang khốn khó với tình trạng cúp điện luân phiên. Cuộc khủng hoảng hạt nhân từ sau động đất và sóng thần khiến nguồn cung cấp điện thiếu hụt, buộc giới chức phải cúp điện luân phiên tại các khu vực ở Tokyo. Sau thảm họa, người dân đổ xô mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu để dự trữ, dẫn đến việc các cửa hàng, siêu thị thiếu nguồn cung. Dù rất kiên nhẫn xếp hàng trong trật tự nhưng rất nhiều người bày tỏ sự thất vọng khi không mua được thứ mình cần. Vì thế, nhiều người Tokyo đang đổ xô xuống các khu vực miền trung và phía tây của Nhật trong 3 ngày cuối tuần để tránh phóng xạ cũng như thoát khỏi tình trạng thiếu nhu yếu phẩm và thiếu điện. Theo Kyodo News hôm qua, các khách sạn ở những khu vực này đông nghẹt người đến từ Tokyo. "Tôi không cảm thấy thoải mái do các trận dư chấn và thiếu điện. Tôi muốn được nghỉ ngơi", một nhân viên ở Tokyo cho Kyodo News hay. Anh này đang cùng gia đình nghỉ tại Osaka, cách Tokyo khoảng 550 km. 

Pháp hỗ trợ robot ứng cứu thảm họa hạt nhân

Giám đốc Cơ quan điện lực Pháp (EDF) Henri Proglio vừa đề nghị gửi một số robot và thiết bị chuyên dụng sang Nhật để hỗ trợ công tác ứng cứu tại Fukushima. Nhật Bản được xem là "quốc gia của robot" nhưng hiện chỉ có Pháp và Đức chuyên nghiên cứu và chế tạo robot có thể hoạt động trong môi trường nhiễm xạ, theo tờ Le Monde. Lâu nay, Nhật tập trung vào lĩnh vực robot cá nhân, chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí và tiện ích. Các robot của Nhật hiện chỉ dừng ở việc tham gia công tác cứu hộ các nạn nhân của sóng thần và động đất. Trong số này có robot Active Scope Camera, thiết kế dựa theo hình dạng một con rắn giúp len lỏi vào các đống đổ nát và robot Quince với hệ thống bánh xe đặc biệt có thể di chuyển trên những địa hình phức tạp.

Theo trang tin Atlantico, các loại máy móc điện tử cũng dễ dàng bị phóng xạ phá hủy. Robot Asimo nổi tiếng của hãng Honda chỉ có thể "cầm cự" được khoảng 15 phút nếu bị gửi vào Nhà máy Fukushima số 1. Chính vì vậy, từ sau sự cố Chernobyl, Pháp và Đức đã tập trung nghiên cứu chế tạo các loại robot không bị hư hỏng quá nhanh khi vào môi trường nhiễm xạ và có thể sửa chữa, phục hồi sau khi thực hiện nhiệm vụ. Pháp đang có những loại robot có thể tiến vào các tòa nhà nhiễm xạ để đo đạc các thông số, chụp ảnh, khóa vòi nước, cắt ống nước...

Lan Chi

Số người chết lên đến 7.653

Tính đến hôm qua, ít nhất 7.653 người thiệt mạng và 11.746 người mất tích trong trận động đất và sóng thần hôm 11.3, theo số liệu chính thức của Cảnh sát quốc gia Nhật Bản. Theo AFP, đang có nhiều lo ngại về số người chết có thể còn tăng cao hơn nữa sau khi thảm họa kép quét sạch những khu vực dân cư rộng lớn ở vùng duyên hải đông bắc nước Nhật. Ngoài ra, đợt không khí lạnh tràn vào khu vực này từ đầu tuần làm nhiều nơi ngập trong tuyết và khiến hy vọng tìm thấy thêm người sống sót càng mong manh.


Cầu nguyện cho người thân trước ngôi nhà đổ nát ở tỉnh Iwate - Ảnh: AFP 

Đó là chưa kể con số chính thức nói trên chưa bao gồm những thông tin về số người mất tích từ chính quyền địa phương và giới truyền thông. Kyodo News hôm 16.3 dẫn lời đại diện chính quyền thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi cho hay khoảng 10.000 người mất tích ở đây. Trước đó ngày 12.3, Đài truyền hình NHK đưa tin khoảng 10.000 người chưa liên lạc được ở thành phố Minamisanriku cũng thuộc Miyagi.

Trong một diễn biến khác, Kyodo News hôm qua rút lại bản tin về một nạn nhân được cứu sống sau 8 ngày bị chôn vùi. Trước đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin anh Katsuharu Moriya, khoảng 20 tuổi, được tìm thấy ở thành phố

Kesennuma, tỉnh Miyagi. Tuy nhiên, Kyodo News sau đó cho hay Moriya thực chất đã đi sơ tán hôm 11.3 và trở về nhà hôm 18.3 để thu dọn đồ đạc. Anh chỉ kẹt trong đống đổ nát của ngôi nhà một ngày cho tới khi được các nhân viên cứu hộ giải cứu. Moriya được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng vẫn còn bị sốc và chưa nói được. 

Lê Loan

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.