Quan điểm trái chiều giữa ông Trump và bộ trưởng quốc phòng tương lai

13/01/2017 09:31 GMT+7

Ứng viên bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Nga là mối đe doạ số 1 của Mỹ và tìm cách chia rẽ NATO. Ông Mattis cũng mâu thuẫn với ông Trump khi khẳng định rất tin vào cộng đồng tình báo Mỹ.

Tướng về hưu James Mattis ngày 12.1 tham gia phiên điều trần tại Uỷ ban quân vụ Thượng viện Mỹ để được phê chuẩn làm bộ trưởng quốc phòng. Tại đây, ông đưa ra nhiều quan điểm trái chiều so với người bổ nhiệm mình là Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo tướng Mattis, việc Mỹ cắt giảm nhân lực quân sự cũng như ngân sách quốc phòng có thể khiến quân đội Mỹ không còn thế mạnh vượt trội so với Nga và các đối thủ khác, theo The Washington Post ngày 12.1.
Reuters cho hay ông Mattis đã nói rằng Nga, Trung Quốc và phiến quân Hồi giáo là những mối đe doạ lớn nhất của Mỹ kể từ thời Thế chiến 2, trong đó Nga được coi là "nguồn gốc của những mối đe doạ".
Ông Mattis cho rằng Mỹ cần tiếp tục ủng hộ NATO và Sáng kiến tái đảm bảo châu Âu, thông qua việc tăng cường sức mạnh quân sự tại Đông Âu để đối phó việc Nga gây áp lực lên các nước Baltic.
Ứng viên bộ trưởng quốc phòng nhấn mạnh "quan trọng nhất là chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng ông Putin đang cố phá vỡ liên minh NATO, và chúng ta phải có những bước phòng vệ ở những nơi cần thiết".
Đi ngược lại với những nghi ngờ của ông Trump về mối quan hệ với các đồng minh, tướng Mattis ủng hộ việc gia tăng sự liên kết an ninh với NATO, Hàn Quốc, Nhật Bản... "Lịch sử đã nêu rõ: Những nước có đồng minh mạnh mẽ thì thịnh vượng, còn ngược lại thì tàn lụi", ông Mattis khẳng định.
Tướng Mattis nhận định Iran là nguồn cơn của bất ổn tại Trung Đông dựa vào năng lực tên lửa đạn đạo, những hành động khiêu khích trên biển và chương trình tấn công mạng, cũng như những sự hỗ trợ của nước này cho các nhóm vũ trang trong khu vực.
Tuy nhiên tướng về hưu này lại trái ý với ông Trump khi cho rằng cần đàm phán lại thoả thuận hạt nhân Iran. "Tôi thấy đó là một thoả thuận kiểm soát vũ khí chưa hoàn hảo chứ không phải là một hiệp ước hữu hảo", ông nói.
Thượng nghị sĩ John McCain (trái), Chủ tịch Uỷ ban quân vụ Thượng viện và tướng James Mattis trò chuyện trước phiên điều trần ngày 12.1 Reuters
Về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tướng Mattis cho rằng Mỹ cần phải có chiến lược nhất quán chứ không phải siết vòng vây nơi này khi còn đang lên kế hoạch cho nơi khác. Bên cạnh đó, chiến lược của ông đề xuất tập trung tấn công vào việc tuyển mộ, gây quỹ của IS. Ông nhấn mạnh cần có "một cú đấm thật mạnh" tại Trung Đông.
Quan điểm về giới tình báo Mỹ của ông Mattis cũng có sự khác biệt với tổng thống đắc cử. Ông khẳng định "rất tin tưởng" vào các cơ quan tình báo Mỹ và mong đợi ông Trump sẽ có quan điểm cởi mở hơn.
Sau phiên điều trần, Thượng viện Mỹ và Uỷ ban quân vụ Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua luật miễn trừ đối với ông Mattis để trở thành bộ trưởng quốc phòng. Theo luật, cựu binh phải nghỉ hưu ít nhất 7 năm mới được giữ chức vụ này trong khi ông Mattis mới về hưu năm 2013. Quyền miễn trừ này cần được toàn Hạ viện bỏ phiếu một lần nữa, sau đó tổng thống ký thành luật mới có hiệu lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.