Chính biến cung đình

16/09/2015 09:42 GMT+7

Úc đang ở trên con đường thẳng nhất hướng tới truyền thống chính trị mà cho tới nay mới chỉ thấy có ở những nước như Nhật Bản, Ý hay Hy Lạp là thay đổi chính phủ và thủ tướng quá thường xuyên.

Úc đang ở trên con đường thẳng nhất hướng tới truyền thống chính trị mà cho tới nay mới chỉ thấy có ở những nước như Nhật Bản, Ý hay Hy Lạp là thay đổi chính phủ và thủ tướng quá thường xuyên. Trong 2 năm qua, ở nước này đã có tới 3 thủ tướng, do tổng tuyển cử và bởi đảo chính trong nội bộ đảng cầm quyền.

Cựu Thủ tướng Tony Abbott trong bài phát biểu trước truyền thông sau khi mất chức - Ảnh: Reuters
Mới đây nhất, ông Tony Abbott đã bị phế truất chức vụ Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền trong một cuộc thách thức quyền lực bất ngờ và vì thế bị mất luôn cả cương vị thủ tướng. Tân chủ tịch của đảng này và tân thủ tướng của Úc là cựu Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Turnbull.
Năm 2009, chính ông Abbott đã làm chính biến cung đình lật đổ cương vị chủ tịch đảng của ông Turnbull. Ông Turnbull có được cuộc rửa hận hoàn hảo nhờ tranh thủ được cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa ở Úc cũng như trong nội bộ đảng. Ông Abbott bị suy giảm uy tín cá nhân nặng nề bởi một số chính sách lớn không được lòng dân và bởi phong cách cầm quyền độc đoán gây bất bình trong nội bộ đảng. Thêm vào đó, ông Turnbull đã khôn khéo khuấy động nguy cơ đảng cầm quyền bị mất quyền vào tay Công đảng trong lần tổng tuyển cử tới.
Theo những phát biểu đầu tiên của ông Turnbull sau khi tuyên thệ nhậm chức thì cả định hướng chính sách lẫn phong cách cầm quyền tới đây sẽ khác biệt cơ bản so với thời trước, trừ chính sách về bảo vệ khí hậu trái đất. Ưu tiên chính sách và hành động hàng đầu của vị thủ tướng mới là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tranh thủ cử tri và thực hành dân chủ hóa trong nội bộ đảng, ngầm kỳ vọng rằng nhờ thế mà truyền thống đảo chính nội bộ sẽ không tiếp tục lặp lại với chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.