Vậy là luật về bồi hoàn không được phê chuẩn và chính phủ vẫn tiến thoái lưỡng nan. Trong chuyện này, khía cạnh lý và tình được người dân trên đảo quốc hiểu rất khác nhau. Về lý, chuyện tồn tại hay sụp đổ của ngân hàng là chuyện của ngân hàng. Họ đúng là không chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà Ngân hàng Icesave gây ra đối với các nhà đầu tư và gửi tiền người Hà Lan và Anh. Về tình thì phía Iceland cũng không thể chối bỏ trách nhiệm hoàn toàn. Sau khi Ngân hàng Icesave sụp đổ, Chính phủ Anh và Hà Lan đã bỏ tiền ra để bồi thường cho các công dân của họ bị thiệt hại ở Iceland và bây giờ, sau khi đất nước này thoát hiểm thì đương nhiên họ rất muốn được bồi thường.
Cả nhận thức và tầm nhìn của người dân và chính phủ trên đảo quốc về vụ việc này cũng khác nhau. Người dân không chấp nhận kiểu “quýt làm cam chịu” và lại càng không muốn việc bồi hoàn tạo tiền lệ cho sau này. Nhưng Chính phủ Iceland lại phải đối phó với cái khó từ mọi phía. Nếu không bồi hoàn thì làm sao khôi phục được lòng tin của nhà đầu tư và người nước ngoài gửi tiền vì như thế chẳng có sự đảm bảo nào nữa. Nếu không bồi hoàn thì chính phủ không thể có thêm được tín dụng từ các thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế, sẽ gặp trắc trở mới trong quan hệ với Anh và Hà Lan, sẽ bị nghi ngại trong nội bộ các thành viên EU và như vậy thì mục tiêu gia nhập EU - mà cử tri đất nước này đã tán đồng trong một cuộc trưng cầu dân ý tương tự - ngày thêm xa vời. Thật đúng như câu “quan dẫu cần nhưng dân chưa vội”.
La Phù
Bình luận (0)